01:13 08/01/2018

'Kiên quyết loại trừ quan điểm sản xuất trước làm sạch sau'

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà, năm 2018, cần có cơ chế đột phá trong sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường nhằm huy động nguồn lực xã hội trong giải quyết vấn đề môi trường chuyển từ bảo vệ môi trường “cuối đường ống” sang “đầu đường ống”, kiên quyết loại trừ quan điểm sản xuất trước làm sạch sau.

 Sáng 8/1, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và Triển khai Kế hoạch nhiệm vụ năm 2018. 

 Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, năm 2017, ngành TN&MT phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vấn đề biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự báo; thiên tai, bão, lũ lụt, sạt lở xảy ra ở nhiều nơi, tác động lớn đến nhiều ngành kinh tế, đời sống người dân. Sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung vẫn đang để lại những hậu quả nặng nề. Môi trường sống đang phải chịu những áp lực không nhỏ do tác động tích lũy của quá trình tăng trưởng. Tình trạng lãng phí tài nguyên còn xảy ra ở nhiều địa phương.

Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, thách thức đặt ra trong công tác quản lý TN&MT, trong đó phải kể đến chính sách, pháp luật về TN&MT chưa theo kịp yêu cầu phát triển của thực tế, chưa có đột phá lớn để thúc đẩy giải phóng các nguồn lực khác như lao động, khoa học và các nguồn vốn cho phát triển.

Toàn cảnh hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và Triển khai Kế hoạch nhiệm vụ năm 2018 sáng nay.

Nhiều vụ việc khiếu nại chưa được giải quyết dứt điểm, phát sinh điểm nóng, phức tạp; hiệu quả sử dụng đất còn thấp so với các nước trong khu vực, quản lý đất công ích, đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường còn hạn chế, để lấn chiếm, tranh chấp.

Cùng với đó, an ninh nguồn nước đang là vấn đề hết sức quan trọng tuy nhiên việc điều tra cơ bản tài nguyên nước toàn quốc, quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông còn chậm; vấn đề bảo vệ tài nguyên nước chưa được chú trọng đúng mức. Tình trạng khai thác khoáng sản, cát sỏi trái phép còn xảy ra ở một số nơi.

Đặc biệt, ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp do tác động tích lũy trong thời gian dài, trong khi công tác huy động nguồn lực xã hội trong giải quyết vấn đề môi trường chưa được triển khai thực hiện hiệu quả; rác thải chưa trở thành tài nguyên; công nghiệp xử lý rác thải chưa phát triển.

Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng cho biết, tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng nhiều, diễn biến khó lường trong khi mạng lưới cơ sở quan trắc, dự báo chưa hợp lý, trang thiết bị vẫn còn lạc hậu dẫn đến chất lượng dự báo xa, dự báo chính xác trong phạm vi hẹp còn hạn chế. Ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi đầu tư rất lớn nhưng nguồn kinh phí còn hạn chế, hoạt động điều phối các nguồn lực chưa hiệu quả.

Trước thực tế đó, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong năm 2018, toàn ngành TN&MT sẽ nghiêm túc quán triệt phương châm hành động của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, tiếp tục tăng cường kỷ cương hành chính; tạo đột phá về thể chế, chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng, phát huy nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho phát triển bền vững; tổ chức tốt việc thực thi; từng bước hiện đại hóa nền hành chính…
 
Tiếp tục hoàn thiện, tạo bước đột phá về thể chế, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tập trung sửa đổi Luật đất đai năm 2013; hoàn thành việc đo đạc, cắm mốc, lập hồ sơ địa chính, giao đất, cho thuê đất, cấp GCN đối với đất có nguồn gốc của nông, lâm trường quốc doanh; hoàn thành cơ bản việc cấp GCN lần đầu;

Đặc biệt, theo ông Hà, phải giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, vận hành duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ chứa thủy điện bằng công nghệ tự động, trực tuyến.

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chất lượng môi trường sống đang phải chịu những áp lực không nhỏ do tác động tích lũy từ nhiều năm qua, không thể giải quyết một cách triệt để trong một sớm một chiều và đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn.

Theo Bộ trưởng, cần thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp môi trường để chất thải thành tài nguyên được tái chế, tái sử dụng một cách hợp lý, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Cùng với hoàn thiện thể chế, cần tập trung quản lý cải thiện chất lượng môi trường, xử lý ô nhiễm, nhất là tại các làng nghề, nông thôn, khu, cụm công nghiệp, đô thị, lưu vực sông, hồ, ven biển…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường quan trắc chất lượng môi trường vùng, khu vực tập trung nhiều nguồn thải, có nguồn thải lớn, khu vực nhạy cảm về môi trường.

“Phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường thông qua việc nâng cao chất lượng đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, kiên quyết không cấp phép các dự án không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường”, Bộ trưởng Hà khẳng định.

Trang Thu/Báo Tin tức