06:14 30/06/2017

Kiến nghị Thủ tướng Đức đưa vấn đề Biển Đông vào Hội nghị G20

Chiều 29/6, tại thủ đô Berlin của Đức, cộng đồng người Việt tại châu Âu đã tổ chức lễ ký kiến nghị thư gửi Thủ tướng Đức Angela Merkel, đề nghị đưa nội dung về tình hình Biển Đông vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Hamburg ( Đức) vào ngày 7-8/7 tới.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) và các lãnh đạo Liên minh châu Âu tại hội nghị trù bị chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Berlin ngày 29/6. Ảnh: EPA/TTXVN

Đức hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên G20.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, tham gia lễ ký kiến nghị thư có đại diện các hội, đoàn, doanh nghiệp người Việt tại các nước Đức, Áo, Ba Lan, CH Séc cùng các cơ quan truyền thông, báo chí của cộng đồng người Việt tại Đức.

Trước tình hình phức tạp gần đây trên Biển Đông, nhất là các diễn biến trên thực địa, những biểu hiện của quân sự hóa, nhiều quốc gia đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về nguy cơ mất ổn định, đe dọa an ninh hàng hải tại khu vực này.

Xuất phát từ nhận thức rằng vấn đề Biển Đông được các nhà lãnh đạo thế giới và các khu vực đặc biệt quan tâm, cộng đồng người Việt tại châu Âu coi việc gửi kiến nghị thư đề nghị Thủ tướng Đức đưa vấn đề Biển Đông vào nội dung nghị sự và ra tuyên bố chung của G20 có ý nghĩa rất quan trọng đối với vấn đề an ninh, an toàn hàng hải tại khu vực này.

Tại buổi lễ ký kiến nghị thư, đại diện cộng đồng người Việt từ các nước châu Âu đã bày tỏ niềm vinh dự và tự hào khi được góp công sức, chung vai cùng nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, chủ quyền biển đảo; lên án những các hành động quân sự hóa, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền biển đảo.

Các thành viên tham gia đã cùng nhau ký tên lên bản kiến nghị thư bằng tiếng Đức gửi Thủ tướng Angela Merkel. Dự kiến, trong ngày 30/6, đại diện ban tổ chức sẽ trao tận tay kiến nghị thư cho bà Merkel tại Phủ Thủ tướng Đức.

Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới dự kiến sẽ bàn về nhiều vấn đề quan trọng của thế giới như vấn đề tự do thương mại, biến đổi khí hậu, công nghệ số, giải quyết vấn đề khủng hoảng di cư, xung đột tại các điểm nóng Syria, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên...

TTXVN/Tin Tức