04:09 23/04/2021

Kiên Giang triển khai nhiều giải pháp kích cầu du lịch

Trong bối cảnh dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, với mục tiêu kích cầu du lịch, ngành du lịch tỉnh Kiên Giang đã kêu gọi các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn chủ động triển khai các chương trình, kế hoạch thu hút khách du lịch.

Hướng phát triển của tỉnh là gắn kết phát triển du lịch với phát triển thương mại, dịch vụ, kích cầu tiêu thụ hàng hóa nội địa. Đồng thời, tỉnh tăng cường quảng bá, truyền thông về hình ảnh điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch với chủ đề “Biển, đảo Kiên Giang - điểm đến An toàn, Thân thiện và Hấp dẫn”.

Chú thích ảnh
Du khách dạo chơi trên Đại lộ Châu Âu, Công viên VinWonders Phú Quốc. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Phục hồi ngành du lịch

Theo Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái, trước tình hình dịch COVID-19 tại các quốc gia trên thế giới diễn biến phức tạp, ngành du lịch Kiên Giang đang nghiên cứu các thị trường khách quốc tế ít chịu ảnh hưởng, các thị trường kiểm soát tốt dịch bệnh để xây dựng chiến lược xúc tiến, quảng bá phù hợp, sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế khi Chính phủ cho phép.

Ông Bùi Quốc Thái cho biết: "Nhiều quốc gia trên thế giới hiện có những giải pháp để mở cửa du lịch trở lại bằng cách đã tổ chức tiêm vaccine. Việt Nam cũng đang triển khai tiêm vaccine. Đó là các cơ sở để chúng tôi bắt đầu nghiên cứu, xây dựng lộ trình mở cửa đón khách du lịch quốc tế với “hộ chiếu vaccine”.

Đến nay trong các vùng du lịch trọng điểm quốc gia, Kiên Giang, đặc biệt là thành phố Phú Quốc vẫn giữ được an toàn, chưa xuất hiện dịch COVID-19 trong cộng đồng. Đây là ưu điểm để thu hút khách du lịch quay trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Thực tế, sau mỗi đợt dịch bùng phát và sau khi dịch được kiểm soát, lượng khách du lịch nội địa quay trở lại Kiên Giang khá nhanh. Nhờ vậy, ngành du lịch của tỉnh được phục hồi và trụ vững trong thời gian qua”.

Ba tháng đầu năm 2021, Kiên Giang ước đón gần 1,2 triệu lượt khách, giảm 32,9% so cùng kỳ, đạt 16,8% kế hoạch năm; tổng thu đạt khoảng gần 1.565 tỷ đồng, giảm 51,4% so cùng kỳ, đạt 12,3% kế hoạch năm. Hiện, toàn tỉnh Kiên Giang thu hút 325 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng diện tích 10.120 ha, tổng vốn đầu tư gần 356 nghìn tỷ đồng. Riêng địa bàn thành phố Phú Quốc đón nhận 281 dự án đầu tư (chiếm 86% dự án đầu tư du lịch toàn tỉnh), với diện tích 9.618 ha, tổng vốn đầu từ gần 350 nghìn tỷ đồng.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang Trần Quốc Khánh cho rằng, để chung tay với Chính phủ thực hiện tốt các vấn đề phòng, chống dịch COVID-19, các doanh nghiệp du lịch Kiên Giang đã kêu gọi các doanh nghiệp kiện toàn bộ máy hoạt động, tổ chức hoàn thiện song song với việc làm mới các sản phẩm du lịch để sẵn sàng chờ các cơ hội phát triển sắp tới; tăng cường giao lưu, liên kết với Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành trong cả nước để ký kết, giao ước, chia sẻ nguồn khách.

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, lượng khách đến tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đặc biệt là Phú Quốc dự kiến sẽ tăng cao. Ngành du lịch Kiên Giang chỉ đạo các các địa phương, các đơn vị kinh doanh du lịch thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế, trong đó trọng tâm là "Thông điệp 5K". Theo đó, du khách đến tham quan du lịch, lưu trú, vui chơi giải trí… đều được yêu cầu đo thân nhiệt, rửa tay, khai báo y tế, theo dõi sức khỏe, giữ khoảng cách phù hợp… , nhằm đảm bảo an toàn cho du khách và cán bộ công nhân viên, người lao động trong đơn vị.

Kích cầu du lịch

Chú thích ảnh
Cáp treo vượt biển ở Phú Quốc được đưa vào hoạt động năm 2018. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Hiện, Sở Du lịch Kiên Giang phối hợp với các sở ngành, địa phương làm việc với Bộ Ngoại giao và các doanh nghiệp về đón khách du lịch quốc tế từ thị trường Nga với mô hình “Du lịch cách ly khép kín”, ở tại một địa điểm, ít di chuyển, thông qua các chuyến bay thuê bao (Charter flights). Sở tham mưu UBND tỉnh Kiên Giang trình Chính phủ xin chủ trương đón khách Nga theo mô hình trên; tổ chức tọa đàm về vấn đề “Hộ chiếu Vaccine” với sự tham gia của các bộ, ngành Trung ương, các doanh nghiệp để tìm giải pháp đón khách quốc tế, giúp ngành du lịch vượt qua khó khăn.

Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái cho biết, tỉnh tiếp tục triển khai Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” nhằm thu hút khách du lịch nội địa đến vào các ngày nghỉ cuối tuần, các ngày nghỉ lễ, tổ chức các sự kiện kết hợp du lịch; thu hút khách du lịch là người nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc tại Việt Nam tham gia các sự kiện, hội nghị, công tác, thương mại, lao động, đầu tư… với phương châm vừa đón khách vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch hiệu quả.

Kiên Giang đặt mục tiêu đón 7 triệu lượt khách trong năm 2021, tổng thu từ du lịch đạt 11.500 tỷ đồng. Ngành du lịch tỉnh hiện mở rộng liên kết hợp tác, phát triển du lịch với các vùng du lịch trọng điểm, trung tâm du lịch lớn của cả nước (miền Trung, Tây Nguyên, Tây Bắc) bên cạnh các thị trường truyền thống (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long) để cùng phát triển du lịch. Đồng thời,  tỉnh khai thác tiềm năng du lịch biển, đảo; xây dựng hình ảnh du lịch Kiên Giang tạo sức lôi cuốn; kết hợp với truyền thông, quảng bá; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ phát triển du lịch.

Ngoài ra, Kiên Giang tập trung công tác bảo vệ môi trường; an ninh, an toàn cho du khách; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng phục vụ, đào tạo kỹ năng cơ bản về du lịch cho người lao động tại điểm đến, cộng đồng dân cư, hộ làm du lịch cộng đồng…

Hiện, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở Kiên Giang chuẩn bị khá tốt cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch. Các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo cũng nhận thấy tiềm năng khai thác thị trường du lịch Kiên Giang nên đã mở thêm nhiều chuyến bay đi Cần Thơ, Phú Quốc với giá ưu đãi, phục vụ kích cầu du lịch.

Ông Bùi Quốc Thái cho biết, nhằm tăng lượng khách tham quan du lịch, các khu, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh Kiên Giang xem xét miễn phí, giảm giá vé vào cổng, giá dịch vụ phù hợp, tăng thêm dịch vụ cho khách du lịch nội địa; có chính sách giá vé đặc biệt, vé cho đối tượng khách đi theo đoàn, đối tượng khách đến từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; ưu tiên khách là học sinh, sinh viên; cơ quan, trường học đến nghiên cứu học tập.

Bên cạnh đó, các đơn vị lưu trú du lịch có các chính sách giá phòng kích cầu phù hợp (giảm giá cho khách đoàn, giảm giá ngày thấp điểm…), linh hoạt (không giảm giá nhưng tặng thêm dịch vụ, tặng đêm/phòng…); tổ chức các chương trình, sự kiện để thu hút khách...

Hồng Đạt (TTXVN)