05:06 31/05/2018

Kiên Giang sau hơn 10 năm thực hiện 'Chiến lược biển Việt Nam' - Bài 2: Phát triển mạnh kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển - đảo

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, tỉnh Kiên Giang đang tiếp tục đầu tư phát triển mạnh kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển - đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Du khách quốc tế nghỉ ngơi, thư giãn tại Bãi Sao, Phú Quốc (Kiên Giang).

Theo đó, tỉnh hoàn thành, phê duyệt nhiều quy hoạch, chương trình, đề án, dự án khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển và triển khai thực hiện. Cụ thể là quy hoạch lĩnh vực khoáng sản, du lịch, nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm công nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên, bảo vệ phát triển rừng,… Tiếp đến, quy hoạch phát triển giao thông bền vững đảo Phú Quốc và quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện ven biển Kiên Lương, An Biên, Kiên Hải, Hòn Đất,…; hoàn chỉnh trình Trung ương đề án thành lập Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt Phú Quốc và đề án thành lập huyện Thổ Châu.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng nhấn mạnh, tỉnh chú trọng tiếp tục phát triển các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế như: đầu tư khai thác đánh bắt hải sản xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá, nuôi trồng thủy sản ven biển, quanh các đảo, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và vùng biển - đảo; xây dựng Trung tâm nghề cá lớn của tỉnh Kiên Giang gắn với ngư trường biển Tây Nam bộ; phát triển du lịch biển - đảo, trọng tâm xây dựng đảo Phú Quốc thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển - đảo hiện đại, cao cấp tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Đồng thời, tỉnh phát triển thêm ở một số nơi có điều kiện như quần đảo Bà Lụa (Kiên Lương); Tiên Hải (thị xã Hà Tiên), Hòn Tre, Lại Sơn, Nam Du (Kiên Hải); phát triển kinh tế hàng hải gồm dịch vụ cảng biển, đóng và sửa chữa tàu thuyền, vận tải biển,…; đầu tư nâng cấp cảng Hòn Chông (Kiên Lương); hoàn thành đưa vào khai thác cảng hành khách quốc tế Dương Đông (Phú Quốc), cảng Bãi Nò (thị xã Hà Tiên),…

Cùng với đó, Kiên Giang quyết tâm xây dựng và phát triển huyện đảo Phú Quốc từng bước trở thành đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng, tác động lan tỏa đến các vùng khác trong tỉnh. Hiện tỉnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch đảo Phú Quốc phù hợp với định hướng phát triển; từng bước phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch - dịch vụ lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á theo mô hình đặc khu kinh tế mở, hướng ngoại với 3 trụ cột chính gồm: công nghiệp giải trí, nghỉ dưỡng; dịch vụ tài chính ngân hàng; kinh tế biển.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng, huyện này đang tập trung xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ trên đảo, nhất là giao thông, cảng biển quốc tế, cảng hàng không, hệ thống cấp điện, cấp nước và xử lý chất thải; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện nhanh các dự án đã quy hoạch, phê duyệt như Bãi Trường, Bãi Sao, Bãi Vòng, Bãi Dài,…

Tiếp tục triển khai Chiến lược biển Việt Nam giai đoạn tiếp theo, Kiên Giang tập trung thực hiện các quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ. Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đê biển kết hợp với đường giao thông, trồng rừng phòng hộ và Trung tâm nghề cá lớn.

Tỉnh cũng tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ven biển, hải đảo có trọng tâm, trọng điểm, nhất là những công trình giao thông, điện, nước sinh hoạt; phát triển mạnh các ngành có lợi thế như: thương mại, dịch vụ - du lịch, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp đóng tàu, khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế, các khu đô thị ven biển, hải đảo. Phát triển ngành nghề và nâng cao đời sống của nhân dân ven biển, hải đảo. Tỉnh cũng xây dựng và triển khai chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, quản lý, khai thác biển - đảo bền vững, giữ gìn và bảo vệ môi trường biển.

Kiên Giang tăng cường đầu tư, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển; tiếp tục đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, cán bộ quản lý, chuyên gia đầu ngành, công nhân lành nghề,… đảm bảo đủ số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển. Tỉnh còn đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về biển, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư trong và ngoài nước phát triển kinh tế biển,…

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, tiếp tục thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Kiên Giang xác định cụ thể những nhiệm vụ trọng tâm, công trình, dự án trọng điểm cần xây dựng và cân đối được nguồn lực thực hiện hoàn thành trong cả giai đoạn. Đây là nhiệm vụ quan trọng phải tập trung chỉ đạo, điều hành, thường xuyên, liên tục với sự quyết tâm cao của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; tránh đề ra nhiều chương trình, đề án, dự án chung chung nhưng không cân đối nguồn vốn thực hiện.

Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc.

Tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển trên các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản, du lịch biển - đảo, như: chính sách hỗ trợ lãi suất, chính sách chuyển đổi ngành nghề, chính sách đối với hợp tác xã,… Đặc biệt, Kiên Gian quan tâm củng cố quốc phòng, an ninh, nhất là củng cố và phát huy phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc toàn tỉnh nói chung và ở các địa phương ven biển, hải đảo nói riêng.

Cùng đó, quản lý tài nguyên được tăng cường và gắn với đẩy mạnh khai thác đánh bắt hải sản xa bờ; không tham gia đánh bắt vùng biển của các nước khác trái quy định, đi đôi với bảo vệ chủ quyền biển - đảo của Tổ quốc.


Bài và ảnh: Lê Huy Hải (TTXVN)