12:16 31/12/2018

Kiên cố hóa đường giao thông nông thôn miền núi, vùng cao

Xác định giao thông nông thôn là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, những năm qua, mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đã được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chú thích ảnh
Một góc của xã nông thôn mới Pá Ma Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN

Xã Mường Giàng hiện có 29 bản, xóm và là một trong những xã đầu tiên của huyện Quỳnh Nhai đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Thời gian qua, đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã được huyện Quỳnh Nhai quan tâm, bố trí nguồn vốn đầu tư, từng bước hoàn thiện.

Đến nay, xã đã thực hiện được 57 tuyến đường với chiều dài trên 24 km với 28/29 bản có đường ô tô từ trung tâm xã đến bản đi lại thuận tiện bốn mùa. Xã chỉ còn bản vùng cao Lốm Khiêu B giao thông đi lại khó khăn vào mùa mưa. 

Ông Lò Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Mường Giàng cho biết, hệ thống đường giao thông nông thôn đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Các công trình được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn và đặc biệt có sự tham gia đóng góp của nhân dân. Phong trào làm đường giao thông nông thôn đã được người dân tham gia sửa chữa, phát quang các tuyến đường liên xã, liên bản, xóm... Cùng với, dân tích cực bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, đời sống văn hóa ở khu dân cư. 

Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, chương trình kiên cố hóa đường giao thông đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân trong xã Mường Giàng. Đường làm đến đâu, người dân hiến đất giải phóng mặt bằng đến đó. Nhiều hộ dân đã hiến hàng trăm mét vuông đất vườn và đất nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công.

Anh Tòng Văn Hoải, bản Pom Bẻ, xã Mường Giàng chia sẻ, đường giao thông nông thôn đã giúp việc đi lại, sinh hoạt, mua bán, trao đổi hàng hóa diễn ra thuận tiện. Vào mùa mưa, người dân không vất vả như trước.  

Tương tự như Mường Giàng, Pá Ma Pha Khinh là xã được chọn đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2018. Do đó, ngay sau khi quy hoạch, đề án được phê duyệt, cấp ủy, chính quyền xã Pá Ma Pha Khinh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận, tích cực tham gia ủng hộ, đóng góp tiền của, ngày công lao động thực hiện tiêu chí về đường giao thông.

Với sự đồng thuận của nhân dân, đến nay, xã Pá Ma Pha Khinh đã thực hiện được 85 tuyến đường, tổng chiều dài gần 25 km với kinh phí hơn 12,8 tỷ đồng; trong đó nhân dân đóng góp gần 8,4 tỷ đồng. 

Ông Lừ Văn Thiến - Chủ tịch UBND xã Pá Ma Pha Khinh cho hay, từ khi đăng ký xây dựng nông thôn mới, xã đã có nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền bà con tham gia hiến đất, hiến cây ăn quả dọc các tuyến đường để giải phóng mặt bằng. Đồng thời, xã triển khai cho bà con tham gia đóng góp công sức, tiền của để tham gia xây dựng các tuyến đường. 

Hiện hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai có 667,79 km; trong đó có 30 km đường Quốc lộ, 40 km tỉnh lộ, 114,5 km đường huyện, 448,6 km đường xã và 34,69 km đường đô thị. Có 11/11 xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa đạt 100%.

Hàng năm, ngoài đầu tư mới, huyện Quỳnh Nhai đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn sự nghiệp giao thông, vốn dự phòng ngân sách địa phương và vốn khắc phục hậu quả mưa lũ của tỉnh Sơn La để khắc phục, sửa chữa các công trình giao thông xuống cấp, hư hỏng do thiên tai, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Trong năm 2018, huyện Quỳnh Nhai đã xây dựng, nâng cấp, bê tông hóa 11 tuyến đường với chiều dài 4,7 km, tổng kinh phí đầu tư trên 4,2 tỷ đồng; trong đó ngân sách của huyện gần 1,5 tỷ đồng và nhân dân đóng góp trên 2,7 tỷ đồng. 

Huyện Quỳnh Nhai luôn xác định, phát triển hạ tầng giao thông sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, hoàn thiện kiên cố hóa hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn là mục tiêu lớn phải làm từng bước trong thời gian dài.

Do đó, giai đoạn tiếp theo, huyện sẽ tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ và cân đối vốn ngân sách địa phương; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, sự đóng góp của nhân dân để hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn.

Nguyễn Cường - Đình Hải (TTXVN)