12:16 01/12/2021

Kiểm tra phản ánh việc chuyển tiền 2-3 ngày mới nhận được

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng, hiện hệ thống ngân hàng giao dịch chuyển tới khoảng 700 ngàn tỷ đồng trong một ngày. Quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người thanh toán thẻ, thanh toán di động luôn được đảm bảo.

Chú thích ảnh
Hoạt động thanh toán qua các kênh điện tử tăng trưởng mạnh qua các năm, thanh toán qua di động tăng từ 50 - 80%/năm về số lượng. Ảnh: Vụ Truyền thông NHNN

Khẳng định không có chuyện người dân chuyển tiền 2 - 3 ngày mới nhận được, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết sẽ chỉ đạo kiểm tra ngay lập tức về phản ánh của nông dân nêu ra tại Hội thảo “Ngày nông dân không dùng tiền mặt” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, NHNN tổ chức ngày 1/12. 

Xu hướng chuyển đổi số, sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã và đang mang lại nhiều tác động lớn trong đời sống và làm việc của người dân. Một trong số đó là sự chuyển dịch dần thói quen tiêu dùng sang môi trường số thuận tiện và an toàn hơn.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn hiện vẫn còn khó khăn. Đó là, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân nói chung và khu vực nông thôn trong giao dịch thanh toán, tiêu dùng. Một bộ phận người dân chưa có thói quen dùng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cũng như các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác, nhất là những người lớn tuổi và ở khu vực vùng sâu vùng xa, kể cả những người đã có tài khoản ngân hàng. Số khác có tâm lý e ngại tiếp cận công nghệ mới trong thanh toán điện tử, ngân hàng; sợ rủi ro, không an toàn trong sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt .

Hơn nữa, trình độ dân trí khu vực nông thôn thấp hơn thành thị khiến việc triển khai nội dung và hình thức đào tạo ở khu vực nông thôn khó khăn hơn. Ngoài ra, mạng lưới điểm giao dịch ngân hàng, trụ máy ATM chưa phân bố đều tại các huyện, thị nên khó triển khai đồng bộ. 

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, bà Bùi Thị Thơm: Nông dân phải là trung tâm trong chuyển đổi số nông nghiệp. Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp với khu vực nông thôn chiếm tới 63% số dân cư, 66% số hộ gia đình, lao động nông nghiệp còn chiếm hơn 30% lực lượng lao động xã hội. Nông nghiệp hiện chiếm 14% GDP với 5 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. 

“Chuyển đổi số trong nông nghiệp đã bước đầu được quan tâm, từng bước giúp nông dân và doanh nghiệp nâng cao năng suất làm việc, nâng cao lợi nhuận, tối ưu hóa hoạt động sản xuất và nâng cao giá trị”, bà Bùi Thị Thơm cho biết.

Theo ông Nguyễn Hải Long, Phó Tổng Giám đốc Agribank, các cá nhân cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn sẽ được cấp hạn mức thấu chi lên tới 30 triệu đồng để thanh toán các dịch vụ chi trả tiền điện, nước, cước viễn thông, mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, mua sắm vật tư cho sản xuất. “Điều này góp phần hạn chế tín dụng đen tại khu vực nông nghiệp nông thôn, từng bước tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt cho các khách hàng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn”, ông Nguyễn Hải Long cho biết.

Theo NHNN, hoạt động thanh toán qua các kênh điện tử tăng trưởng mạnh qua các năm, thanh toán qua di động tăng từ 50 - 80%/năm về số lượng. Thanh toán qua Internet tăng từ 35 - 40%/năm về số lượng. Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%. Đáng chú ý, hiện nay, nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như: Thẻ ngân hàng, QR Code, ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking… đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai.

Minh Phương/Báo Tin tức