09:22 16/09/2015

Kiểm tra liên ngành cơ sở tẩm quất chữa bệnh nan y

UBND thành phố Sông Công đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do Phòng Y tế chủ trì để kiểm tra các hoạt động của hộ kinh doanh Ban Mai về việc cơ sở này thực hiện những biện pháp "kỳ quái" giúp bệnh nan y của nhiều người thuyên giảm.


Nghe theo lời truyền miệng, mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhân thường xuyên túc trực trước sân nhà "cô" Phú, với hy vọng được "cô" chữa khỏi bệnh. Ảnh: anninhthudo.vn


Trước thông tin lan truyền trên các phương tiện thông tin về việc cơ sở tẩm quất Ban Mai tại xóm Tân Sơn, xã Vinh Sơn, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên do bà Phạm Thị Phú, sinh năm 1972 làm chủ đã thực hiện những biện pháp được cho là "kỳ quái" để giúp bệnh nan y, khó chữa của nhiều người thuyên giảm, ngày 16/9, UBND thành phố Sông Công thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do Phòng Y tế chủ trì để kiểm tra các hoạt động của hộ kinh doanh Ban Mai.

Thành phần đoàn gồm Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an thành phố Sông Công, Trung tâm Y tế Sông Công, Đội Quản lý thị trường và UBND xã Vinh Sơn.

Tại thời điểm đoàn đến kiểm tra, cơ sở Ban Mai có khoảng hơn 100 người dân đến để được tẩm quất. Bà Phạm Thị Phú cũng đã cung cấp cho đoàn toàn bộ giấy tờ liên quan đến việc kinh doanh của cơ sở, gồm: Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh số 17B8041715 do Phòng Tài chính kế hoạch - thị xã Sông Công cấp ngày 11/11/2014; Giấy chứng nhận số BH095 của Trường Đại học Y khoa Thái Nguyên ngày 25/10/2006 cấp cho bà Phạm Thị Phú đã hoàn thành khóa học xoa bóp bấm huyệt khóa 5; Giấy chứng nhận số 68/2011-A008/NVKT21 của Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam ngày 19/1/2012 cấp cho bà Phạm Thị Phú đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng nhân viên kỹ thuật xoa bóp; Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để làm ngành nghề kinh doanh có điều kiện số 79/GCN ngày 24/12/2014 do Công an thị xã Sông Công cấp cho cơ sở Ban Mai.

Trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ghi rõ ngành nghề kinh doanh của cơ sở Ban Mai là dịch vụ tẩm quất, nhà nghỉ, tạp hóa, bánh kẹo, đường sữa các loại, chè khô, thực phẩm. Hiện tại cơ sở này chưa thực hiện dịch vụ nhà nghỉ.

Trao đổi với đoàn kiểm tra, bà Phú cho biết, cơ sở Ban Mai chỉ có một mình bà thực hiện các thao tác kỹ thuật chính. Ngoài ra còn có 2 người trợ giúp khác, đây cũng là những người đã từng mắc các bệnh nặng được bà Phú tẩm quất xoa bóp và khỏi bệnh.

Việc tẩm quất được bà Phú tiến hành tại hai khu vực, trong đó khu vực 1 là phòng kín có điều hòa với diện tích khoảng 90m2. Khu vực 2 là sân bên ngoài có mái tôn và rèm che kín với diện tích khoảng 150m2, chỉ được sử dụng vào những ngày mát trời hoặc đông khách.

Trung bình mỗi ngày, cơ sở Ban Mai có từ 200 đến 400 lượt khách tìm đến. Mỗi lượt tẩm quất, bà Phú thực hiện cho 30 người, khu vực nam riêng và khu vực nữ riêng. Bà Phú cho biết, các thao tác tẩm quất được thực hiện bằng cách "day - xoa - vê - xát - dẫm - vỗ".

Những người đến đây không mất một đồng chi phí vào việc tẩm quất, chỉ cần mang theo chứng minh nhân dân và đăng ký theo sự hướng dẫn của cơ sở. Trong bản đăng ký cũng ghi rõ họ tên, năm sinh, giới tính, số chứng minh nhân dân, địa chỉ, số điện thoại và có phần nội dung là "Hôm nay tôi tự nguyện đến cơ sở Ban Mai của bà Phạm Thị Phú tại Tân Sơn - Vinh Sơn - thị xã Sông Công - Thái Nguyên xin được tẩm quất. Trong quá trình tẩm quất có vấn đề gì xảy ra với tôi, tôi xin cam đoan tự chịu hoàn toàn trách nhiệm, không khiếu kiện, không gây phiền hà cho cơ sở Ban Mai".

Tại buổi kiểm tra, theo yêu cầu của đoàn kiểm tra, bà Phú đã thực hiện lại toàn bộ quá trình xoa bóp, tẩm quất cho gần 30 phụ nữ đang mắc các bệnh nan y, khó chữa đã chữa trị khắp nơi nhưng không thấy đỡ.

Sau khi thực hiện quá trình kiểm tra, biên bản kiểm tra của đoàn đã kết luận, hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh Ban Mai phù hợp với ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đã được cấp, chưa phát hiện thấy hoạt động khám chữa bệnh tại cơ sở Ban Mai, chưa phát hiện thấy vi phạm về an ninh trật tự, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.

Trao đổi với phóng viên tại cuộc họp diễn ra vào cuối giờ chiều 16/9, ông Đặng Mộng Điệp – Phó Chủ tịch UBND thành phố Sông Công cho rằng "quan điểm của UBND thành phố trong thời gian tới là sẽ ra văn bản tạm dừng hoạt động đối với cơ sở Ban Mai, đồng thời tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, xác minh, báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan chức năng. Nếu phát hiện những hoạt động của bà Phạm Thị Phú không đúng với ngành nghề kinh doanh đã được cấp phép, vi phạm luật khám chữa bệnh thì UBND thành phố sẽ ra văn bản xử lý đúng quy định của pháp luật".

Hình ảnh nhiều người vén áo, vén quần nằm thành một dãy dài để bà Phú thực hiện tẩm quất, xoa bóp đang diễn ra tại cơ sở này được ông Điệp đánh giá là phản cảm, gây ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, tập quán của người Việt Nam.

Trước đó, năm 2010, UBND thị xã Sông Công cũng đã ra văn bản số 438/UBND-PYT về việc đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh của bà Phạm Thị Phú. Thời điểm đó, bà Phú đã thực hiện việc khám, chữa bệnh trên người trong khi không có giấy phép hành nghề y - dược tư nhân của cấp có thẩm quyền cấp và hoạt động này được thực hiện tại phường Thắng Lợi, thị xã Sông Công.

Đến ngày 28/2/2012, sau khi kiểm tra, giám sát hoạt động chữa bệnh của bà Phạm Thị Phú tại xã Vinh Sơn, UBND thị xã Sông Công đã ra văn bản số 129/UBND-PYT yêu cầu bà Phú không được tổ chức hoạt động khám chữa bệnh khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Thu Hằng - Lan Anh (TTXVN)