11:12 24/11/2010

Kiểm tra, kiểm soát thị trường để kiềm chế tăng giá

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ là về việc kiềm chế lạm phát. Bên lề phiên chất vấn sáng 23/11, phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với đại biểu Cao Sỹ Kiêm...

(Tin Tức) - Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ là về việc kiềm chế lạm phát. Bên lề phiên chất vấn sáng 23/11, phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với đại biểu Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về những nguyên nhân và giải pháp để kiềm chế tăng giá trong những tháng cuối năm.

Theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm, thị trường cuối năm chịu nhiều áp lực tăng giá do một lượng tiền lớn được tung ra thị trường để chi trả lương thưởng cuối năm, dự trữ hàng Tết, dự trữ hàng cho sản xuất sang năm mới... Nhưng, với việc Nhà nước quyết định giữ ổn định giá của nhiều mặt hàng thiết yếu như điện, than, xăng dầu, phân bón..., giá cả sẽ không tăng đột biến.

Trong phiên chất vấn hôm qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, một trong những nguyên nhân tăng giá là do độ mở của nền kinh tế lớn. Theo ông, tại sao lạm phát của nước ta lại cao hơn nhiều nước?

Nền kinh tế nước ta có độ mở lớn là do phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, trong đó nhập nhiều hơn xuất nên chịu tác động từ bên ngoài cũng nhiều hơn. Hơn nữa, nhập khẩu chủ yếu là những nguyên nhiên liệu thiết yếu của sản xuất và đời sống như sắt thép, phân đạm, xăng dầu... nên áp lực tăng giá càng mạnh.

Do giá thực phẩm những ngày gần đây liên tục tăng nên sức mua của người dân cũng giảm. Ảnh: Mua bán thực phẩm tại chợ Hôm - Đức Viên (Hà Nội).
Ảnh: Trần Việt-TTXVN 

Lạm phát ở Việt Nam cao hơn các nước khác còn do những yếu tố nội tại của nền kinh tế. Bội chi ngân sách năm 2010 dự kiến ở mức 6% (cao gấp 2 lần các nước), nhập siêu cao... Lạm phát với nền kinh tế Việt Nam giống như người yếu, sức đề kháng kém khi gặp gió thì rất dễ mắc bệnh nặng. Những yếu tố bên ngoài và bên trong cộng hưởng vào làm cho khả năng đề kháng, chống đỡ với lạm phát của ta yếu hơn các nước khác.

Hiện nay, lãi suất trên thị trường tăng cao, ông có cho rằng diễn biến lãi suất hiện nay gây khó cho việc kiềm chế lạm phát?

Điều hành lãi suất hiện có nhiều cái khó. Nếu chúng ta không để lãi suất theo thị trường thì làm méo mó chính sách lãi suất. Nhưng nếu chúng ta để theo thị trường hoàn toàn thì lãi suất rất cao và sản xuất co lại làm cho các doanh nghiệp (DN) không chịu đựng nổi. Trong tình hình hiện nay, DN có thể chỉ đạt lợi nhuận ở mức 20% do giá cả tăng, chi phí tăng nhưng lãi suất cho vay đã lên tới 18 - 20% nên rất khó khăn.

Để giải quyết mâu thuẫn này thì cần có các biện pháp kéo lãi suất xuống. Bản thân lãi suất đã lên mặt bằng mới thì cũng tạo sức ép cạnh tranh, buộc các ngân hàng phải giảm chi phí, nâng sức cạnh tranh từ đó ép lãi suất xuống. Nhưng điều hành lãi suất và tiền tệ hiện cũng phải ưu tiên cho mục tiêu kiềm chế lạm phát. Nếu việc tăng lãi suất là do nguyên nhân thị trường thì phải chấp nhận. Nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát để tỷ giá, lãi suất ở mức chấp nhận được.

Với những đặc điểm như ông vừa nói thì có cách nào chống đỡ với lạm phát?

Chống lạm phát thì phải có cả giải pháp tình thế và giải pháp lâu dài. Về lâu dài thì giải quyết những vấn đề liên quan đến cơ cấu kinh tế, cấu trúc kinh tế, chất lượng nguồn lực, kết cấu hạ tầng. Ngoài ra phải điều hành để giảm bội chi ngân sách, giảm nhập siêu, cán cân thanh toán phải ở mức thực dương, cán cân vãng lai phải ở mức an toàn...

Trước mắt, với xu hướng giá cả thường tăng mạnh về cuối năm thì cần phải có các biện pháp hữu hiệu hơn để quản lý thị trường và cần phòng ngừa việc tăng giá mang tính chất tâm lý. Hiện nay, nhiều mặt hàng cung cầu không thiếu nhưng giá vẫn tăng. Chợ đầu mối không tăng giá nhưng chợ bán lẻ giá lại tăng mạnh. Giá vàng thế giới giảm nhưng trong nước vẫn tăng, hoặc giá vàng thế giới tăng ít nhưng của ta lại tăng nhiều. Đó là những biểu hiện của việc tăng giá tâm lý. Nguyên nhân là do chúng ta không công khai minh bạch chính sách và dự báo, dự đoán thị trường thường xuyên, kiểm tra, kiểm soát thị trường không tốt. Ở đây, các cơ quan quản lý nhà nước phải có biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường thường xuyên ngay tại các địa phương. Ngoài ra, cũng phải tuyên truyền tốt về các chủ trương chính sách điều hành kinh tế, chính sách bình ổn giá cả thị trường để người dân bình tĩnh, không lao vào đầu cơ, tích trữ găm hàng hóa.

Thu Hường
(thực hiện)