03:09 11/03/2011

Kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử

Ngày 10/3, làm việc với Ủy ban Bầu cử tỉnh Bình Dương, Đoàn giám sát, kiểm tra công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn...

Ngày 10/3, làm việc với Ủy ban Bầu cử tỉnh Bình Dương, Đoàn giám sát, kiểm tra công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Trưởng đoàn giám sát đã đánh giá cao công tác chỉ đạo, lãnh đạo và triển khai các bước chuẩn bị cho bầu cử của Bình Dương đã được thực hiện nghiêm túc, tích cực, chủ động, chu đáo và cụ thể; đúng thời gian và tiến độ theo qui định.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý Ủy ban Bầu cử tỉnh cần tập trung vào những việc quan trọng, như phân công tổ chức kiểm tra cấp cơ sở để kịp thời chấn chỉnh các điểm thiếu sót cũng như kịp thời triển khai, hướng dẫn các văn bản, nội dung mới; phải tổ chức tốt hội nghị hiệp thương lần sau nhất là những người tự ứng cử.

Do Bình Dương có lượng công nhân nhập cư lớn nên phải theo dõi, nắm chắc sự biến động cử tri nhất là số cử tri tạm trú, khách vãng lai ở các khu vực công nghiệp; các cấp phải chọn những người có năng lực, tư cách để tập huấn nghiệp vụ và bố trí tham gia vào phục vụ các đơn vị, tổ bầu cử và có số lượng dự phòng thay thế; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua hệ thống chính trị kể cả các hình thức tuyên truyền ở các câu lạc bộ nhà trọ, trong nội bộ gia đình, các đối tượng chính sách... nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân để ngày bầu cử thật sự là ngày hội của toàn dân.

Ngày 10/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã tổ chức đoàn giám sát, kiểm tra việc triển khai công tác bầu cử tại tỉnh Nam Định.

Ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử, Trưởng đoàn giám sát đã đánh giá công tác chỉ đạo, lãnh đạo và triển khai các bước chuẩn bị bầu cử của Nam Định được thực hiện nghiêm túc, tích cực, khẩn trương, chủ động, chu đáo, đảm bảo tiến độ và đúng luật định.

Ông cũng cho rằng thành viên các tổ bầu cử các cấp ở Nam Định có tính kế thừa cao, tạo cơ sở để tổ chức các cuộc bầu cử sắp tới đạt kết quả tốt. Công tác hiệp thương đã bám sát theo các quy định của pháp luật và hướng dẫn của Trung ương; cơ cấu, số lượng các đại biểu cơ bản đảm bảo yêu cầu.

Tuy vậy, ông cũng lưu ý Nam Định cần tiếp tục quan tâm để đảm bảo số lượng đại biểu nữ và đại biểu tôn giáo, kiện toàn các ủy ban bầu cử các cấp và chuẩn bị các điều kiện để cuộc bầu cử lần này được tổ chức một cách dân chủ, đúng pháp luật và thực sự trở thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn tỉnh. Các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể trong tỉnh cũng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của các cuộc bầu cử sắp tới.

Ông Phạm Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh Nam Định đã báo cáo với đoàn về tình hình triển khai công tác bầu cử từ ngày 15/2 đến ngày 8/3/2011. Đến nay, tỉnh đã thành lập tổng cộng 211 ủy ban bầu cử ở 3 cấp với tổng số 2.331 thành viên và 29 ban chỉ đạo bầu cử ở 9 huyện và 90 phường với tổng số 363 thành viên.

Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất của tỉnh đã thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII đang cư trú và làm việc tại Nam Định là 16 đại biểu, trong đó số lượng đại biểu giới thiệu ứng cử là 15 người, số đại biểu tự ứng cử là 1 người. Số lượng hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh là 130 người, trong đó có 1 người tự ứng cử. Số lượng hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND xã, thị trấn là 10.088 người, trong đó đại biểu nữ chiếm 31,72%, đại biểu ngoài Đảng chiếm 28,95%.

Tại buổi làm việc, Ủy ban bầu cử tỉnh đã đề nghị Hội đồng Bầu cử Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, điều chỉnh theo hướng tăng số lượng thành viên của ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã từ 7-9 thành viên như hiện nay lên 11 thành viên để phù hợp với số tối thiểu của thành viên tổ bầu cử (từ 11-21 thành viên), để ban bầu cử kiêm nhiệm vụ của tổ bầu cử.

Cùng ngày, Ban chỉ đạo bầu cử các tỉnh Quảng Ngãi, An Giang, Lạng Sơn cũng đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử, qua đó nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc, đảm bảo công tác triển khai bầu cử đúng quy định.

TTN