09:06 03/09/2016

Kiểm tra chuyên ngành làm khó doanh nghiệp

Theo Bộ Tài chính, vướng mắc lớn nhất khi thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) của doanh nghiệp vẫn là thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN).

Đội chi phí, thời gian

Các doanh nghiệp dệt may, bông sợi thường xuyên liên quan đến hàng hóa XNK. Họ đang bị ảnh hưởng lớn bởi các thủ tục KTCN giữa các bộ, ngành gây thiệt hại về tiền bạc và thời gian.

Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần Tổng công ty May Bắc Giang. Ảnh: Trân Việt - TTXVN

Phó Chủ tịch Hiệp hội bông sợi Việt Nam, ông Nguyễn Sơn cho biết, mỗi năm, doanh nghiệp nhập hơn 1 triệu tấn bông sợi, tương đương với 50.000 container. Để được thông quan, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sẽ lấy mẫu kiểm tra trung bình 35%, tương đương 18.000 container. Phí kiểm tra hiện nay là 1 triệu đồng/mẫu 0,5 kg. Chỉ tính riêng khoản lấy mẫu kiểm tra này, chi phí mà các doanh nghiệp phải mất lên tới 17 - 18 tỷ đồng với thời gian kiểm dịch có thể đến hàng tuần.

Các công ty may cũng than thở về những bất cập chính sách của cơ quan quản lý, điển hình là 1 văn bản của Bộ Công Thương. “Việc tuân thủ Thông tư 37/2015 quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may đã làm cho doanh nghiệp khốn đốn. Theo đó, họ không những tốn thêm thời gian cho một lô hàng nhập khẩu khi về tới cảng không được thông quan (chờ kết quả giám định) mà còn tốn thêm chi phí giám định 2,03 triệu đồng (tương đương 100 USD)/mẫu vải”, đại diện Tổng công ty May Nhà Bè nói.

Theo ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chi phí KTCN là một gánh nặng đối với ngành dệt may nói riêng và nhiều doanh nghiệp XNK nói chung. Mặc dù ngành hải quan đã áp dụng kiểm tra hàng hóa theo hình thức “phân luồng” để giảm bớt thời gian và thủ tục kiểm tra trực tiếp hàng hóa XNK nhưng chính quy định của nhiều bộ, ngành khác đã khiến thủ tục thông quan nhiêu khê. Luồng xanh, luồng vàng khi thông quan điện tử có khi chỉ mất vài phút, nhưng đợi các kết quả KTCN trước đó thì phải mất cả tháng.

Chi phí hàng hóa “leo thang”, doanh nghiệp mệt mỏi trước áp lực cạnh tranh thì người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng túi tiền do giá cả hàng hóa không giảm. “Phí nọ chồng chi phí kia thì làm sao giá hàng hóa đến tay người tiêu dùng không cao và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp lại không xuống thấp”, ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổng Giám đốc CTCP Đại Thiên Lộc (Bình Dương) bức xúc.

Rà soát, sửa đổi văn bản

“Những bất cập của hoạt động KTCN không chỉ là nguyên nhân dẫn tới thứ hạng chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam liên tục giảm bậc trong 2 năm gần đây mà còn tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường kinh doanh”, lãnh đạo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM) nói.
Theo Tổng cục Hải quan (TCHQ), mặc dù 100% thời gian thông quan hàng hóa, cơ quan hải quan đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục trong thẩm quyền chỉ còn 28% nhưng KTCN đang chiếm tới 72% tổng thời gian thông quan hàng hóa từ phía các bộ, ngành. “Nếu hải quan cố gắng mà 8 bộ, ngành khác vẫn trì trệ thì rất khó cải thiện được”, lãnh đạo VCCI khẳng định.

Ông Ngô Minh Hải - Phó Cục trưởng Cục Giám sát hải quan (TCHQ) thừa nhận: Nguyên nhân khiến thủ tục kéo dài là do tồn tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật; một số văn bản còn chồng chéo; nhiều mặt hàng chưa có mã số. Tính đến đầu tháng 7/2016, có 344 văn bản pháp luật quy định về quản lý chuyên ngành, KTCN đối với hàng hóa XNK. Nhiều cơ quan KTCN vẫn kiểm tra thủ công; chưa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận hồ sơ, trao đổi dữ liệu, công nhận kết quả.

Trước tình hình này, TCHQ và Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa rà soát 87 văn bản quy định về quản lý chuyên ngành cần sửa đổi, bổ sung theo Quyết định 2026/QĐ - TTg và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chuyên ngành và KTCN đang còn hiệu lực. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi tới 11 bộ, ngành đề nghị chỉ đạo quyết liệt triển khai việc rà soát sửa đổi, bổ sung 73 văn bản liên quan đến quản lý chuyên ngành và KTCN trong quý IV/2016 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đây là những văn bản không còn phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục XNK và cho cả cơ quan hải quan.

“Phải làm rõ mặt hàng nào nhất định phải kiểm tra ở cửa khẩu, nhóm hàng nào đủ tiêu chuẩn của các nước G7, G20 thì chúng ta nên công nhận ngay, không cần kiểm tra. Bộ Tài chính đã thành lập Cục Kiểm định hải quan, thay cho Trung tâm Phân tích phân loại hàng hóa XNK, có bố trí nhân lực, trang thiết bị tại các cửa khẩu để thực hiện quản lý nhà nước, kiểm tra với những mặt hàng Nhà nước cần kiểm tra, đảm bảo thuận tiện cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói.
Minh Phương - H.Ly