08:08 02/08/2017

Kiểm soát việc sản xuất và kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Báo cáo với đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai, ông Lê Hồng Hà cho biết: Tình hình buôn lậu, sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng đã từng bước được kiểm soát. Từ năm 2015 đến nay, tại tỉnh Gia Lai chưa có vụ việc nghiêm trọng phải xử lý khởi tố hình sự.

Trong ảnh: Thu giữ tang vật tại cơ sở sản xuất phân bón giả của bà Lê Thị Kim Mây. Ảnh minh họa: Phạm Kha/TTXVN.

Kết quả kiểm tra trong thời gian trên, tỉnh Gia Lai phát hiện 402 cơ sở vi phạm, phạt tiền trên 1,6 tỷ đồng. Trong đó, riêng lĩnh vực phân bón lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã kiểm tra 364 vụ, xử lý 223 vụ, số tiền thu nộp ngân sách gần 1,5 tỷ đồng; lực lượng công an tỉnh kiểm tra phát hiện 2 vụ vi phạm, chuyển các ngành chức năng xử phạt 70 triệu đồng.

Đối với lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật, lực lượng QLTT kiểm tra 4 cơ sở, phát hiện 4 cơ sở vi phạm, phạt gần 18 triệu đồng, tiêu hủy 26 gói thuốc trừ bệnh nhãn hiệu Navito, 240 gói thuốc nhãn hiệu Stepgua, 800 gói thuốc nhãn hiệu Compai... Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thanh tra 97 cơ sở, xử phạt 32 cơ sở, với số tiền phạt trên 120 triệu đồng.


Theo Chi cục QLTT tỉnh Gia Lai, hiện trên toàn tỉnh có 20 công ty, chi nhánh trực thuộc công ty sản xuất phân bón vi sinh, số lượng còn lại chủ yếu sản xuất để phục vụ nội bộ của các nhà máy thuộc công ty cao su. Ngoài ra, có khoảng 225 cơ sở, đại lý kinh doanh phân bón vô cơ, hữu cơ, phân bón khác và kèm theo thuốc bảo vệ thực vật. Trên địa bàn không có cơ sở sản xuất, sang chiết, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật và không có tổ chức, cá nhân nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đối với xuất khẩu chỉ có một doanh nghiệp xuất sang Campuchia và Lào để phục vụ nội bộ.


Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Gia Lai, hiện quản lý phân bón còn nhiều bất cập như: Hiện chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân bón nên việc tiếp nhận, xem xét hồ sơ công bố hợp quy theo Thông tư 29/2014/TT-BTC gặp khó, dẫn đến một số sản phẩm phân bón chưa được quy định trong danh mục nên không có cơ sở xác nhận công bố hợp quy theo quy định. Việc xử lý đối với hành vi thay thế, đánh tráo, thêm bớt thành phần, chất phụ gia... ảnh hưởng đến chất lượng phân bón còn khá mơ hồ nên khó xác định khi nào là không đảm bảo an toàn cho cây trồng, vật nuôi.


“Thực tế thời gian qua chờ kết kết quả kiểm nghiệm để xác định chất lượng phân bón thì các cơ sở kinh doanh vẫn được quyền bán các lô hàng hóa được lấy mẫu để thử nghiệm. Do đó, khi có kết quả thử nghiệm nếu có phát hiện phân bón giả, kém chất lượng thì hàng hóa đó đã được bán cho người nông dân vì vậy sẽ gây thiệt hại cho người nông dân trong sản xuất nông nghiệp là không thể tránh khỏi....”, ông Hà nói.


Vì vậy, thời gian tới các lực lượng chức năng trên địa bàn chủ động kiểm tra chất lượng các mặt hàng: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, vật nuôi. Tăng cường kiểm tra ngăn chặn các hành vi lợi dụng chủ trươngNgười Việt Nam dùng hàng Việt Nam” để trà trộn hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ.


Minh Phương/Báo Tin Tức