10:06 08/10/2021

Kiểm soát tiền chất, không để tội phạm lợi dụng nhằm sản xuất ma túy

Ông Nguyễn Văn Lịch, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết: Lực lượng hải quan luôn phải kiểm soát chặt các loại tiền chất, không để tội phạm lợi dụng sử dụng vào mục đích sản xuất ma túy.

Chú thích ảnh
Việc sử dụng các tiền chất để sản xuất ma túy tổng hợp luôn là vấn để nhức nhối. Ảnh: TTXVN.

Hiện trên thế giới có hơn 800 chất ma túy và liên tục xuất hiện các tiền chất mới được dùng sản xuất ma túy tổng hợp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng khi phát hiện, điều tra.

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (ĐTCBL), cùng với việc đấu tranh với tội phạm buôn lậu ma túy, ngành hải quan cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do việc cấp phép xuất nhập khẩu các loại tiền chất của các bộ quản lý chuyên ngành khá dễ dàng, không căn cứ theo năng lực thực tế sản xuất của doanh nghiệp. 

Do vậy, có những doanh nghiệp nhập khẩu tiền chất, khi hải quan phát hiện, bắt giữ, doanh nghiệp mới xin cấp phép bổ sung. Nhiều trường hợp giấy phép nhập khẩu tiền chất của doanh nghiệp không có địa chỉ trụ sở rõ ràng nhưng vẫn được cấp phép hoặc sau khi cấp phép, cơ quan cấp phép không hậu kiểm để xem thực lực của doanh nghiệp đó có sử dụng tiền chất để sản xuất hàng hóa hay không; việc tiêu thụ hàng hóa có đúng mục đích, đối tượng hay không? Đáng chú ý năm 2020, Cục ĐTCBL đã phát hiện 2 vụ buôn lậu tiền chất, trong đó 1 vụ đã ra 7 quyết định xử phạt thu nộp ngân sách hơn 2 tỷ đồng.

Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu tiền chất y tế chủ yếu tập trung tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hải Phòng qua các cửa khẩu đường hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay quốc tế Nội Bài và đường biển, chủ yếu là thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, tiền chất như: Codeine phosphate, Diazepam Hameln, Codeine Base, Ephedrine, Epherine...

Đối với tiền chất công nghiệp, ngoài một số ít tiền chất Việt Nam tự sản xuất được như H2SO4, HCl, Toluene, Acetone, chủ yếu các loại tiền chất đều được nhập khẩu để phục vụ sản xuất, kinh doanh tại các khu chế xuất và khu công nghiệp, nguồn nhập khẩu nhiều nhất từ Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Pháp, Ấn Độ...

Để công tác đấu tranh với nhập lậu và sử dụng tiền chất không đúng mục đích, thậm chí phục vụ sản xuất ma túy, hải quan đề nghị cơ quan quản lý chuyên ngành cần nâng cao trách nhiệm trong việc cấp phép đến khâu hậu kiểm.

“Hiện cơ quan hải quan đã góp ý dự thảo Nghị định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Dự thảo đã nêu bật vai trò trách nhiệm của cơ quan hải quan và các bộ, ngành liên quan giúp cho việc kiểm tra, giám sát hàng nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định pháp luật đối với chất ma túy, tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất được chặt chẽ, hiệu quả hơn hiện nay”, ông Nguyễn Văn Lịch cho biết.

Dự thảo quy định rõ quy trình giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu được gửi cho cơ quan, tổ chức xin phép nhập khẩu, xuất khẩu, chi cục hải quan cửa khẩu nơi làm thủ tục hải quan cho hàng nhập khẩu, xuất khẩu và gửi Bộ Tài chính, Bộ Công an để theo dõi, quản lý.

Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu được cấp cho từng lần nhập khẩu, xuất khẩu (trừ các tiền chất công nghiệp nhóm 2 theo phân loại của Bộ Công Thương) và có giá trị trong thời hạn ghi trong giấy phép. Giấy phép nhập khẩu gửi Chi cục Hải quan làm thủ tục chậm nhất là 15 ngày làm việc. Việc cấp giấy phép nếu chưa được thực hiện trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia, trong thời hạn chậm nhất là 3 ngày làm việc kể từ khi cấp giấy phép, cơ quan cấp giấy phép có trách nhiệm gửi giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu tới cơ quan, tổ chức xin phép nhập khẩu, xuất khẩu, chi cục hải quan cửa khẩu nơi làm thủ tục hải quan cho hàng nhập khẩu, xuất khẩu và gửi Bộ Tài chính, Bộ Công an để theo dõi, quản lý.

Tuyết Nhung/Báo Tin tức