01:16 17/01/2019

Kiểm soát thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng trong năm 2019

Năm 2018, Bộ Xây dựng đã duy trì được mức tăng trưởng khá, với tốc độ 9,16% cho lĩnh vực xây lắp và khoảng 4% cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Có 16.000 doanh nghiệp xây dựng được thành lập mới trong năm 2018 là dấu hiệu đáng mừng thể hiện sự phát triển của ngành trên các lĩnh vực hoạt động.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, tỷ lệ đô thị hóa của cả nước hết năm 2018 đạt khoảng 38% (tăng 0,9% so với năm 2017), đạt xấp xỉ cận dưới của các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (38 - 40%). Cả nước hiện có 819 đô thị (tăng 6 đô thị so với năm 2017). Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 78% (tăng 1% so với năm 2016), quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39% (tăng 2% so với năm 2017), quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 100% (tăng 0,6% so với năm 2017).

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất bao bì của các doanh nghiệp không hiệu quả sẽ bị đào thải. Ảnh: TTXVN

Cũng trong năm 2018, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 24 m2 sàn/người, tăng 0,6 m2 sàn/người so với năm 2017; tổng sản lượng xi măng tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn, tăng 17% so với năm 2017, đạt 113 % kế hoạch năm. Nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội được dư luận quan tâm như: Tranh chấp chung cư, quy định về điều kiện mở bán dự án… cũng được Bộ Xây dựng và các đơn vị chức năng trả lời thoả đáng.

Triển khai nhiệm vụ năm 2019, Thứ trưởng Lê Quang Hùng khẳng định, ngoài việc tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng, hoàn thiện và trình ban hành Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở… Bộ Xây dựng sẽ chú trọng kiểm soát phát triển thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng theo hướng ổn định bền vững, đảm bảo kết nối liên thông với các thị trường khác của nền kinh tế, hạn chế tình trạng “bong bóng” bất động sản và mất kiểm soát cung cầu vật liệu xây dựng.

Riêng đối với công tác quản lý vật liệu xây dựng, ngành sẽ khẩn trương ban thành Thông tư hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản làm VLXD, tiếp tục nghiên cứu Đề án “Lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 2023”, Đề án “Phát triển vật liệu xây dựng sử dụng cho các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025”, Dự thảo Thông tư “Đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng”. Đặc biệt, ngành tham mưu cho Chính phủ và các địa phương quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tai các tỉnh Tây Ninh, Bình Thuận, Hà Nam, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Hải Dương, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, năm 2019, Bộ Xây dựng sẽ đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, siết chặt quy hoạch và khai thác quỹ đất đô thị dành cho phát triển nhà ở xã hội, đồng thời đẩy mạnh xây dựng lại chung cư cũ tại các địa phương.

Tiến Hiếu/Báo Tin tức