05:22 25/05/2015

Kiểm soát giá hợp lý sau khi xăng, điện tăng giá

Giá xăng đã liên tục tăng tổng cộng gần 3.200 đồng/lít trong tháng 5. Độ trễ ảnh hưởng từ việc điều chỉnh giá điện 7,5% từ ngày 16/3 đã khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2015 tăng với mức tăng 0,16% so với tháng trước; tăng 0,95% so cùng kỳ năm trước.

Giá xăng đã liên tục tăng tổng cộng gần 3.200 đồng/lít trong tháng 5. Độ trễ ảnh hưởng từ việc điều chỉnh giá điện 7,5% từ ngày 16/3 đã khiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2015 tăng với mức tăng 0,16% so với tháng trước; tăng 0,95% so cùng kỳ năm trước. Nhiều ý kiến lo ngại: Giá cả hàng hóa sẽ “té nước” tăng theo giá xăng, điện.

Chưa biến động do cung nhiều, sức mua yếu

Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức ngày 25/5 tại một số chợ Phước Long B, Tây Hòa, Thủ Đức…(TP Hồ Chí Minh), giá hàng hóa tại các chợ hiện vẫn ổn định. Trong đó, thực phẩm tươi sống gần như không tăng giá so với thời điểm chưa tăng giá xăng. Giá thịt lợn vẫn ở mức 90.000 - 95.000 đồng/kg, cá ngân là 55.000 đồng/kg, mực dao động từ 70.000 đến 180.000 đồng/kg, tùy loại. Riêng rau xanh thì chỉ có xà lách cuộn Đà Lạt tăng giá nhẹ 500 - 1.000 đồng/kg với giá bán từ 35.000 - 40.000 đồng/kg do thời tiết nắng nóng nên nguồn cung giảm. Giá một số mặt hàng củ quả như bầu bí 12.000 đồng/kg, cải trắng 13.000 đồng/kg, mướp đắng 15.000 đồng/kg.

Giá cả tại các siêu thị vẫn ổn định so với thời điểm chưa tăng giá xăng.


Một số tiểu thương cho biết, lượng cung hàng hóa hiện khá dồi dào. Trong khi đó, sức mua còn yếu do thu nhập của người dân không tăng, chi phí nhiều nên thắt chặt chi tiêu. Chị Hạnh Hoa, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Phước Long B (quận 9, TP Hồ Chí Minh) nói: “Nếu như trước kia, một ngày có thể bán hết 1- 2 con lợn thì nay hàng hóa ế, chỉ bán được khoảng một nửa đến 1 con”.

Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức, giá rau, củ, quả tại chợ đầu mối chưa tăng vì không bị hụt nguồn cung. Sự tác động của giá xăng vào khâu vận chuyển hàng hóa chưa bị tác động nhiều bởi tiểu thương thường thuê chở khoảng 5 - 7 tấn hàng với giá dao động từ khoảng 4 - 5 triệu đồng/chuyến. Xăng tăng giá, tiền phí tăng thêm 1 triệu đồng vẫn nằm trong ngưỡng chấp nhận được.

Anh Nguyễn Văn Thụy, tiểu thương kinh doanh thực phẩm tươi sống ở chợ cóc ngõ 81 Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: Giá cả hàng hóa, nhất là hàng thực phẩm tươi sống vẫn ổn định. Nếu tăng giá một cách vô lý, lập tức bà con sẽ mua ít hơn và các tiểu thương bị thiệt hơn cả.

Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp bình ổn giá kịp thời theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng

Báo cáo của Tổng cục Thống kê (TCTK) về tổng quan thị trường và giá cả tháng 5 cho hay: Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 7 nhóm tăng phần lớn do yếu tố thời vụ và nhu cầu đột biến. Giá nhóm lương thực tháng 5 giảm 0,46% do tình hình xuất khẩu gạo tiếp tục gặp khó khăn. Trong tháng, mặc dù có kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nhưng do nguồn cung dồi dào nên giá một số mặt hàng thực phẩm giảm giá, cụ thể: Giá thịt lợn giảm 0,61%; giá thịt bò giảm 0,29%; giá thịt gà giảm 0,48%. Giá rau tươi, rau chế biến giảm 1,69%.

Một số nhóm hàng còn lại tăng chủ yếu do tính thời vụ và nhu cầu tăng do rơi vào kỳ nghỉ lễ như: Dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng; nhóm đồ uống tăng do thời tiết nắng nóng. Giá nước sinh hoạt tăng 0,4% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng tăng vào mùa hè; giá điện sinh hoạt tăng 4,28% so với tháng trước. Đặc biệt, chỉ số giá nhóm giao thông bị ảnh hưởng do giá xăng dầu.

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp thương mại (Bộ Công Thương) nhận xét: “Giá xăng, điện chắc chắn tác động lên CPI nhưng không nhiều do mức độ tăng giá điện vừa phải, giá xăng tăng sau một thời gian dài giảm do giá xăng dầu thế giới giảm; trạng thái lạm phát đang ở mức thấp; nguồn cung hàng hóa dồi dào”.

Đối mặt với nguy cơ tăng giá

Mặc dù giá cả hàng hóa nhìn chung tại hệ thống chợ cũng như siêu thị chưa biến động nhưng thời gian tới sẽ không tránh khỏi tình trạng tăng giá. “Vấn đề là tăng bao nhiêu và tăng vào thời điểm nào”, ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Saigon Co.op băn khoăn.

Theo ông Hoàng Anh, giá điện, xăng tăng vừa qua chắc chắn sẽ tác động đến giá cả hàng hóa tiêu dùng. Vì vậy, mỗi ngành hàng đều có lộ trình tăng nhất định. Tuy nhiên, siêu thị sẽ kiểm soát giá cả hợp lý nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trước mắt, Co.opmart vẫn thực hiện kế hoạch giảm giá trong tháng 5 trên toàn hệ thống để hỗ trợ người tiêu dùng. Còn ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng của hệ thống siêu thị Big C cho biết: Hiện Big C chưa nhận được thông báo tăng giá các mặt hàng bán lẻ của các nhà cung cấp.

Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú lại cho biết: Tại hệ thống siêu thị Hà Nội, một số nhà cung cấp đang đàm phán tăng giá 2- 3%. Tuy nhiên, do sức mua đang yếu nên giá một số mặt hàng sẽ tăng từ từ hoặc tăng bằng nhiều cách khác.



Minh Phương - Hoàng Tuyết