08:07 18/08/2016

Kiểm soát dự án FDI phân cấp cho địa phương

Chủ trương phân cấp toàn diện cho địa phương cấp phép và quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài (ĐTNN) từ năm 2006 đã giúp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh từ vài trăm triệu lên hàng chục tỉ USD/năm. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, cơ chế phân cấp này đã phản ánh những bất cập.

Từ năm 2006 đến nay, việc phân cấp cấp phép đầu tư cho các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đã mở ra toàn diện, không giới hạn qui mô dự án, bao gồm cả việc thẩm định, cấp phép, quản lý nhà nước cho địa phương thực hiện.

Việc phân cấp toàn diện cho địa phương cấp phép và quản lý đã giúp vốn FDI tăng mạnh. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN

Theo các chuyên gia kinh tế, việc phân cấp đã đáp ứng nhu cầu phát triển, thu hút FDI của một nền kinh tế đang cần các nguồn vốn để phát triển. Vốn FDI đổ vào đã giúp địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động, đóng góp và ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, vốn FDI cũng giúp các địap hương đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, xóa tàn dư của cơ chế “xin - cho", phát huy được năng lực, tính chủ động, trách nhiệm của địa phương; giảm thiểu các chi phí liên quan đến việc hình thành dự án cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư…

Tuy nhiên, bên cạnh đó hiện tượng dễ dãi, thiếu năng lực trong thẩm định cấp phép với dự án FDI để trạnh tranh hút vốn FDI đã khiến nhiều dự án FDI bộc lộ những bất cập. Trong đó, bất cập lớn nhất đang lộ diện là nhiều dự án FDI do địa phương cấp phép đang phải đối mặt với tình trạng gây ô nhiễm môi trường.

Gần đây nhất dự án đầu tư sản xuất giấy và bột giấy do Công ty TNHH giấy Lee & Man (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong - Trung Quốc) đầu tư tại xã Phú Hữu A (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra vì nước thải của công ty này có nguy cơ bức tử dòng sông Hậu.

Về dự án Công ty TNHH giấy Lee & Man, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài cho biết, theo quy định, việc xây dựng nhà máy sản xuất giấy cứng bao bì, quy mô cỡ công ty này thì phải báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, Công ty Lee & Man đã không báo cáo cơ quan chức năng khi thay đổi công suất nhà máy xử lý nước thải. Và chính quyền địa phương khi phát hiện điều này cũng không có biện pháp xử lý kịp thời. Điều này cho thấy, có sự “dễ dãi” trong giám sát, quản lý FDI tại địa phương.

Trước đó năm 2008, tại Công ty Miwon, đoàn kiểm tra phát hiện Miwon có hai bản thiết kế hệ thống xả thải khác nhau. Khi được đề nghị giải trình, Miwon đã không giải trình được thuyết phục. Tiếp đến là vụ Công ty Vedan Việt Nam xả thải ra sông Thị Vải, Cục Cảnh sát môi trường cùng đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phải mật phục ròng rã 3 tháng trời, mới bắt được quả tang Vedan xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông Thị Vải. Và nghiêm trọng hơn cả là vụ xả thải của nhà máy sản xuất thép Fomosa Hà Tĩnh đã gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng cho 4 tỉnh miền Trung.

Đối với việc cấp giấy phép đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài, thẩm quyền của UBND tỉnh tối đa là 50 năm. Quá thời hạn này, địa phương cần báo cáo Chính phủ và khi đó, Thủ tướng, Chính phủ là người có thẩm quyền xem xét, cấp phép. Tuy nhiên, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ Tháng 7/2016 mới đây, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà đã khẳng định: “Cấp giấy phép đầu tư đi liền với giao đất 70 năm cho Fomosa chính là sai phạm của Hà Tĩnh”.

GS Nguyễn Mại cho rằng, những sự cố gần đây xảy ra ở các địa phương cho thấy, việc phân cấp đầu tư cho địa phương đã bộc lộ những bất cập. Trước hết là năng lực quản lý của các địa phương, nhất là đối với các dự án có qui mô lớn, có công nghệ phức tạp, lại bao gồm nhiều hạng mục khác nhau, thời gian chuẩn bị đầu tư và đầu tư kéo dài… địa phương đã không đủ sức đáp ứng (cả về trình độ quản ký doanh nghiệp, quản lý đầy tư, nhất là đầu tư có yếu tố nước ngoài, cả về chuyên môn, kĩ thuật, công nghệ...). Thứ hai, trong khi trình độ, năng lực cán bộ quản lý FDI của địa phương như vậy, giữa các địa phương lại diễn ra cuộc chạy đua thu hút FDI, dẫn đến nôn nóng, thu hút FDI bằng mọi giá với xu hướng qui mô dự án càng lớn càng coi là thành tích.

Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT

Nhiều giải pháp tăng chất lượng FDI

Để nâng cao chất lượng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi đang triển khai hai hệ thống thông tin điện tử từ 1/7/2015. Một là hệ thống thông tin cấp phép đầu tư liên thông toàn quốc. Với hệ thống này, nhìn trên hệ thống biết dự án nào thuộc diện cần đặc biệt quan tâm ngay từ khi dự án nộp hồ sơ đăng ký tại địa phương. Điều này sẽ giúp Bộ phối hợp với địa phương báo cáo Chính phủ xử lý những dự án vượt tầm địa phương. Hệ thống đã triển khai được trên 63 tỉnh thành, bất kỳ giấy chứng nhận đầu tư nào chưa cấp phép mình đã biết, họ cấp phép thì Cục cũng đồng thời nhìn thấy ngay.

Thứ hai là hệ thống báo cáo hoạt động của các dự án FDI cả nước. Chúng tôi sẽ triển khai tới 16.000 doanh nghiệp FDI, các DN này đang thực hiện khoảng 22.000 dự án đầu tư trên cả nước. Theo hệ thống này, mỗi dự án đầu tư sẽ có một tài khoản đăng nhập vào hệ thống để thực hiện chế độ báo cáo định kỳ tháng, quý, nửa năm, hàng năm. Các nội dung báo cáo như đã sử dụng đất bao nhiêu, cơ cấu vốn đầu tư dành xử lý môi trường như thế nào... Hiện đã triển khai được hơn 1/3 trong tổng số 16 nghìn DN thực hiện. Phấn đấu hết năm 2016 sẽ có 100% doanh nghiệp thực hiện báo cáo.

Thứ ba là hoàn thiện thể chế, Bộ KH&ĐT đang được Chính phủ giao soạn thảo dự luật một luật sửa nhiều luật, kịp thời xử lý những rào cản trong các Luật Đầu tư, Kinh doanh… Từ thực tế quản lý kém hiệu lực cũng có yếu tố do luật của ta chồng chéo, khiến các bộ, ngành, địa phương muốn thực hiện cũng khó, không thực hiện được. Tiếp theo là một Nghị định sửa nhiều nghị định. Thời gian này chúng tôi ngày nào cũng phải tổ chức tiếp xúc, tham vấn, tổng hợp những vấn đề vướng mắc. Mục đích là tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng nhưng không buông lỏng trong thu hút và quản lý FDI.

Bên cạnh đó, về phương án phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chúng tôi cũng đang dự thảo để có thể phản ứng nhanh đối với những vấn đề phát sinh của các dự án FDI tại Việt Nam. Đối với công tác quản lý Nhà nước về FDI, Thủ tướng đã chỉ đạo mạnh mẽ là trong tất cả các vụ việc xảy ra, cần phải làm rõ cơ quan nào làm đầu mối chính, cơ quan nào liên quan. Với cách làm việc này tôi tin trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương sẽ rõ ràng và sẽ quản lý, giám sát tốt vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian tới.


Xuân Hương