07:09 30/07/2011

Kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng thực phẩm

Từ 1/7/2011, Luật An toàn thực phẩm và Thông tư số 13/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hướng dẫn kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu bắt đầu có hiệu lực.

Từ 1/7/2011, Luật An toàn thực phẩm và Thông tư số 13/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hướng dẫn kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu bắt đầu có hiệu lực. Phóng viên Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Hữu Hào (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ  NN&PTNT) xung quanh vấn đề này.

Sau một thời gian triển khai Luật An toàn thực phẩm và Thông tư 13, công tác quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?

Đến nay, 52 tỉnh, thành phố đã thành lập Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và đi vào hoạt động. Bộ máy tổ chức thực hiện công tác quản lý chất lượng nông lâm thủy sản được hoàn thiện và dần ổn định ở cả Trung ương và địa phương. Về thực phẩm nhập khẩu, tính đến nay, đã có 7/20 nước có hoạt động xuất khẩu hàng hóa nguồn gốc thực vật vào Việt Nam gồm: Mỹ, Trung Quốc, Ôxtrâylia, Pháp, Niu Dilân, Thái Lan và Canađa. Theo quy định của Thông tư 13, các nước phải đăng ký và được Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và thủy sản cấp phép mới được phép xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc thực vật vào nước ta. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có Mỹ được cấp phép. 6 nước còn lại chỉ được cấp phép tạm thời đến 1/8/2011 và phải tiếp tục hoàn thiện quy trình đăng ký.

Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại siêu thị Big C. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Trong thời gian qua, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đã phối hợp với một số địa phương để quản lý chất lượng thực phẩm. Ví dụ tại Hà Nội, một trong những địa bàn trọng điểm về vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa qua Cục đã khảo sát hoạt động mua bán rau tại một số chợ đầu mối trọng điểm của Hà Nội như chợ Long Biên, chợ Ngã Tư Sở… để đề xuất các biện pháp quản lý và kiểm soát phù hợp. Bên cạnh đó, Cục đang phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật, Sở Công Thương và Tổng công ty Thương mại Hà Nội hoàn thiện Chương trình thí điểm kiểm soát an toàn thực phẩm đối với chuỗi cung cấp rau tại chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội. Chương trình này nhằm hỗ trợ tập huấn và quảng bá giới thiệu hình ảnh của các cơ sở sản xuất kinh doanh rau có đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm tới người tiêu dùng.

Xin ông cho biết, việc kiểm soát chất lượng thực phẩm còn vấp phải những khó khăn gì?

Từ 1/7, Luật An toàn thực phẩm đã có hiệu lực nhưng các văn bản dưới luật đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Bộ máy tổ chức và cán bộ làm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số địa phương còn thiếu và chưa đồng bộ; cơ sở vật chất phục vụ cho quản lý chưa đảm bảo yêu cầu; kinh phí kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm còn rất thiếu. Bên cạnh đó, nhiều quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia vẫn chưa đủ đáp ứng nhiệm vụ được giao, đặc biệt là trong lĩnh vực nông sản. Hơn nữa, đa số các cơ sở sản xuất kinh doanh tại địa phương còn nhỏ lẻ; nhiều địa phương chậm thực hiện quy hoạch các vùng chăn nuôi, trồng trọt an toàn theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN&PTNT nên việc đáp ứng các điều kiện theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của Nhà nước hết sức khó khăn.

Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp đã kiến nghị lùi thời hạn thực hiện của Thông tư 13. Xin ông cho biết quan điểm của cục về vấn đề này?

Vừa qua, Hiệp hội Điều Việt Nam và một số doanh nghiệp nhập khẩu có gửi văn bản đề nghị gia hạn thực hiện Thông tư 13, hoặc tạo điều kiện cho phép thông quan các lô hàng có nguồn gốc thực vật (điều, đậu tương, lúa đại mạch) nhập khẩu làm nguyên liệu chế biến đã được các doanh nghiệp ký hợp đồng trước 1/7/2011.

Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của Thông tư 13, đồng thời tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT và Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản khẳng định, đối với các lô hàng có nguồn gốc thực vật dùng làm thực phẩm được ký hợp đồng nhập khẩu trước 1/7 được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Còn đối với các lô hàng ký hợp đồng sau ngày 1/7 thì vẫn thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư 13. Chúng ta sẽ kiên quyết thực hiện đúng theo Luật An toàn thực phẩm và Thông tư 13 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Xin cảm ơn ông!

Hữu Vinh (thực hiện)