11:16 12/11/2015

Kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công

Chi tiêu công phải có sự kiểm soát hết sức chặt chẽ để bảo đảm nguồn chi cho hiệu quả. Đây là ý kiến của nhiều đại biểu phát biểu bên lề Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII.


Câu chuyện lãng phí trong chi tiêu công đã được đề cập nhiều năm, diễn ra dưới nhiều hình thức nhưng dường như chưa có giải pháp quản lý thật hữu hiệu - đại biểu Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) nhận định và chỉ ra muôn hình vạn trạng của lãng phí. Đó là lãng phí trong quản lý quy hoạch, (quy hoạch treo cũng là lãng phí), lãng phí công sức, của cải, tiền bạc; lãng phí trong đầu tư, (nhiều công trình đầu tư không nằm trong kế hoạch cụ thể có thể bỏ giữa chừng hoặc đầu tư không hiệu quả, không khai thác sử dụng được)…

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu Quốc hội bên lề kỳ họp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho rằng có tình trạng người đứng đầu là chủ tài khoản nắm ngân sách nhưng chi tiêu không tiết kiệm, tìm cách vận dụng ngân sách để sử dụng theo mong muốn riêng, qua kiểm tra có phát hiện số chi tiêu ngân sách sai, song, việc xử lý lại không đến nơi, đến chốn, chậm trễ, chưa đến mức phải xử lý trách nhiệm. Đây là điều cần khắc phục. Khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phát hiện sử dụng sai phải xử lý quyết liệt, thông tin trên các phương tiện truyền thông để cử tri, nhân dân biết và giám sát xem đã khắc phục được bao nhiêu, xử lý trách nhiệm đến đâu? Lãng phí chi tiêu công, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và phải có hình thức xử lý nghiêm.

Cũng theo đại biểu Trần Khắc Tâm, công cụ xử lý từ khiển trách, kiểm điểm, khai trừ Đảng, cách chức đã có quy định đầy đủ nhưng việc thực hiện công cụ đó chưa mạnh và còn vướng. Giám sát nhiều, báo chí cũng đề cập nhưng có một số địa phương, người phanh phui sai phạm lại bị trù dập. Mặt trận Tổ quốc có cơ chế giám sát nhân dân, nhưng điều quan trọng là sự tiếp thu ý kiến của nhân dân trong quá trình giám sát để thấy được việc đúng sai, phải tôn trọng người dân và điều quan trọng nhất là tới đây cần có cơ chế bảo vệ những người dân giám sát, phát hiện những sai phạm của một sở, ngành nào đó ở địa phương.

Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay có tình trạng “vẽ” dự án nhưng mục đích, hiệu quả và thời điểm triển khai dự án còn bị xem nhẹ, thậm chí có hiện tượng đề xuất phải làm công trình thật to, thật hoành tráng nhân chào mừng một sự kiện gì đó - điều này rất nguy hiểm. Do vậy, phải thắt chặt lại kỷ cương tài chính, phải có kế hoạch dài hơi 5 năm để bộ, ngành, tỉnh, thành sử dụng các nguồn đầu tư công hiệu quả. Không có kế hoạch 5 năm, dứt khoát không cho triển khai, người nào chỉ đạo làm phải kỷ luật người đó.

Cũng liên quan đến những lãng phí trong chi tiêu công, đại biểu Vũ Công Tiến cho rằng bộ máy nhà nước hiện quá cồng kềnh, trong khi việc xem xét, xử lý vấn đề này một cách căn bản, để bộ máy ngày càng tinh giản, gọn nhẹ, tạo hiệu quả lại chưa nhất quán và chưa có biện pháp kiên quyết. Trung ương, Chính phủ có chủ trương nhưng thực hiện không kiên quyết, nói tinh giản nhưng thực tế không tinh giản được nên bộ máy tiếp tục phình ra, ảnh hưởng đến chi tiêu thường xuyên. Theo ông Vũ Công Tiến, cần có kế hoạch trung hạn, dài hạn và kế hoạch tổ chức thực hiện một cách cụ thể, kiên quyết trong điều hành, trong lãnh đạo, trong tổ chức thực hiện mới có thể khắc phục được một cách tốt nhất.

Chi tiêu công lãng phí cũng là một vấn đề dẫn đến áp lực nợ công đang khiến nhiều đại biểu hết sức quan ngại. Đại biểu Vũ Công Tiến cho rằng nợ công của nước ta hiện nay vẫn ở trong độ an toàn cho phép của Quốc hội nhưng nếu không có biện pháp căn bản để đầu tư hiệu quả, tiếp tục vay để đảo nợ, vay để đầu tư nhưng không có hiệu quả, nợ công sẽ càng ngày càng lớn, rất khó khăn cho nền kinh tế. Cần phải có giải pháp cho vay dài hạn, trong đầu tư cho một số lĩnh vực tạo hiệu quả và quản lý một cách chặt chẽ, không lãng phí. Cử tri mong muốn làm thế nào có vay, có đầu tư, nhưng vay đầu tư phải có hiệu quả mới tạo nên những điều kiện để tiếp tục phát triển - đại biểu Vũ Công Tiến nói.

Còn theo đại biểu Huỳnh Minh Thiện (Thành phố Hồ Chí Minh), không phải nợ công nhiều hay ít so với chỉ tiêu Quốc hội đưa ra là 65% GDP mà vấn đề đặt ra là có trả nợ được không. Căn cứ vào nền kinh tế, vào thực lực sản xuất, vào vấn đề thu ngân sách, hiện nay thấy rằng nguồn thu đang rất khó khăn. Phát triển kinh tế bắt buộc phải xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phải sử dụng vốn nhiều, không chỉ vốn ngân sách mà còn từ các nguồn vốn vay trong nước và ngoài nước, đó là yêu cầu khách quan nhưng quản lý điều hành như thế nào, hiệu quả hay không là vấn đề chủ quan. Nếu sử dụng nợ công không hợp lý, đặt ra những kế hoạch không tưởng và quá nhiều, quản lý không tốt sẽ dẫn đến đầu tư tràn lan, kém hiệu quả, khi nợ công và nguồn thu không cân đối được sẽ là nguy cơ rất cao. Đến một điểm ngưỡng nào đó, việc cho vay sẽ chững lại, không được đầu tư, công trình sẽ dở dang và không phát huy được hiệu quả.

PV