12:10 30/12/2016

Kiểm kê những “kho báu” di sản

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành tổng kiểm kê di sản, đồng thời ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây là việc làm có ý nghĩa trong việc bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hóa của cha ông.

Hoàn thành tổng kiểm kê di sản

Trong 10 sự kiện nổi bật về văn hóa Hà Nội được bình chọn mới đây, việc hoàn thành tổng kiểm kê di sản, đồng thời ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội được nhiều người đánh giá cao.

Cụ thể, đối với các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Hà Nội, theo kết quả kiểm kê, đến hết năm 2015, TP Hà Nội có tổng số 5.922 di tích cấp quốc gia, trong đó có 1 di sản thế giới, 11 di tích quốc gia đặc biệt, 1.182 di tích cấp quốc gia, 1.202 di tích cấp thành phố và 3.487 di tích chưa xếp hạng.
Địa phương có nhiều di tích là huyện Thường Tín (440 di tích), Ứng Hòa (433 di tích), Ba Vì (394 di tích), Chương Mỹ (374 di tích), Phú Xuyên (345 di tích), Sóc Sơn (341 di tích)… Các địa phương có ít di tích tập trung chủ yếu là các quận nội thành như: Thanh Xuân (29 di tích), Ba Đình (47 di tích), Cầu Giấy (49 di tích), Hai Bà Trưng (51 di tích), Hoàn Kiếm (66 di tích)…

Ca trù Ngãi Cầu là một trong số các di sản cần ưu tiên bảo vệ khẩn cấp. Trong ảnh: Tiết mục biểu diễn múa hoa đăng của CLB Ca trù Ngãi Cầu (Hà Nội). Ảnh: Minh Đức – TTXVN


Sau khi công bố danh mục kiểm kê di tích, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã bàn giao số liệu, danh mục di tích cho các quận, huyện, thị xã quản lý theo quy định phân cấp quản lý nhà nước. Đồng thời, ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Được biết, thành phố Hà Nội đã yêu cầu ngành văn hóa Hà Nội hàng năm đều phải tổng hợp số liệu về những biến động số lượng di tích, để phục vụ công tác quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, định kỳ 5 năm một lần, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thực hiện rà soát và trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt điều chỉnh, bổ sung danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn thành phố.

Đối với di sản văn hóa phi vật thể, tính đến ngày 30/10/2016, Hà Nội có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, nhóm di sản lễ hội (44,6%), nhóm di sản nghề thủ công (21,4%), nhóm nghệ thuật trình diễn (15,9%), tập quán xã hội (9,4%), tri thức dân gian (8,7%). Di sản truyền khẩu chỉ có 1 chiếm 0,4%.
Đông Anh, Ba Vì, Thường Tín là ba địa phương giàu có về di sản phi vật thể nhất, mỗi địa phương có hơn 120 di sản khác nhau; huyện Chương Mỹ có 9 di sản, Phú Xuyên 86 di sản, Mê Linh 85 di sản… Về loại hình, phong phú nhất vẫn là lễ hội, với 1.206 lễ hội; tiếp đó là tập quán xã hội và tín ngưỡng, với 213 di sản; 175 nghề truyền thống có giá trị và các loại hình khác.

Kiểm kê để bảo vệ di sản

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, việc kiểm kê, đánh giá di tích nhằm nhận diện giá trị, lập danh mục, nắm bắt hiện trạng về hệ thống di tích, trên cơ sở đó, góp phần xây dựng kế hoạch và định hướng cho các hoạt động trong công tác quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản. Các nhà nghiên cứu văn hóa cũng cho rằng, việc kiểm kê và ban hành danh mục các di tích trên địa bàn, không chỉ giúp Hà Nội nắm được số lượng di tích hiện có, mà còn đánh giá được thực trạng các di tích hiện nay, di tích nào còn tốt, di tích nào đang xuống cấp, cần được tu bổ, tôn tạo, di tích nào cần tu bổ trước, di tích nào sẽ tu bổ sau…

Đặc biệt, việc ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội được đánh giá là động thái tích cực, trong công tác bảo vệ di tích của Hà Nội, được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao. Bởi khi có quy chế, việc bảo vệ, quản lý các di tích ở địa phương sẽ dễ dàng hơn. Trên cơ sở số liệu, danh mục được bàn giao, các quận, huyện, thị xã sẽ bàn giao cho các đơn vị cấp dưới, các phòng, ban quản lý các di tích… Từ thực trạng các di tích, mà các địa phương sẽ lên kế hoạch tu bổ, tôn tạo để tránh tình trạng di tích bị xuống cấp. Bên cạnh đó, đánh giá các di tích đủ điều kiện xếp hạng, rồi tiến hành lập hồ sơ, báo cáo thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để triển khai đánh giá xếp hạng… rồi tổ chức tuyên truyền để nâng cao và phát huy giá trị các di tích, phát triển du lịch. 

Với các di sản văn hóa phi vật thể, việc hoàn thành công tác kiểm kê di sản càng có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo tồn di sản, bởi di sản văn hóa phi vật thể là những di sản dễ bị mai một, hoặc biến dạng, do không được thực hành, trao truyền thường xuyên hoặc đúng cách, do môi trường thay đổi...

Theo PGS - TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa, việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội ngoài việc lập được bản danh mục - một hồ sơ các di sản văn hóa phi vật thể hiện nay đang tồn tại ở cơ sở, còn giúp phát hiện được những di sản nào đang có nguy cơ bị mai một thì phải có biện pháp cấp cứu ngay, những di sản văn hóa nào có giá trị cao thì chúng ta có những nghiên cứu sâu hơn, thông qua đó sẽ có biện pháp bảo tồn tốt nhất.

Chính vì vậy, với việc tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể lần này, Hà Nội không chỉ “vẽ” lại được bản đồ di sản và cơ sở dữ liệu về di sản rất tốt, tạo một bước đột phá trong cách tiếp cận di sản, mà trong quá trình kiểm kê, nhiều loại hình di sản như phong tục, tập quán, nghề thủ công, tri thức về dự báo thời tiết, về món ăn...  đã được đặt đúng vị trí trước đây, không bị hiểu sai. Ví dụ như tục kết chạ giữa hai làng Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) và Tiên Lữ (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ). Trước đây, ta vốn chỉ coi đây là một phong tục bình thường, nhưng khi kiểm kê di sản mới biết, tục lệ này xuất phát từ việc một nhà sư sinh ở Bối Khê, nhưng trụ trì chùa Trăm Gian ở làng Tiên Lữ. Từ đó hai làng luôn giữ mối quan hệ đặc biệt, khi có công việc, làng này cử người sang làng kia giúp đỡ, luôn tôn trọng lẫn nhau trong ứng xử, tạo thành phong tục đẹp. 

Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm kê, các chuyên gia cũng nhận diện những di sản có giá trị đặc biệt, xây dựng và đề xuất đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đề xuất thí điểm bảo tồn những di sản có nguy cơ mai một, biến đổi... Điều này đã được chứng minh bằng việc, ngay sau khi hoàn thành kiểm kê di sản, các chuyên gia, những người tham gia thực hiện đề án đã lập danh mục 276 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào diện ưu tiên bảo vệ. Trong đó, có những di sản cần ưu tiên bảo vệ khẩn cấp như tiếng lóng Đa Chất, hát trống quân, hát ca trù, hát ví, hát tuồng cổ, hát dô…

Điều quan trọng là, trong suốt quá trình kiểm kê, người dân được tham gia cùng, điều này khiến nhận thức của người dân được nâng lên, tạo nền tảng để bảo tồn kho báu này.

Phương Lan