04:14 25/04/2017

Kiềm chế tội phạm ma túy hoạt động tại địa bàn biên giới

Ngày 25/4, Hội nghị trực tuyến tổng kết Quyết định số 133/2002/QĐ-TTg ngày 9/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về “Quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan trong đấu tranh phòng, chống các tội phạm về ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển” diễn ra tại Hà Nội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tăng cường phối hợp điều tra, xử lý các vụ án

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo Báo cáo tổng hợp của Bộ Công an, địa bàn phối hợp giữa lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan tập trung ở 50 tỉnh, thành phố, chủ yếu trên tuyến biên giới đất liền, giáp biển và một số địa phương ở trong nội địa. Trong đó, 19 địa phương có 4 lực lượng (Công an, Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển); 22 địa phương có 3 lực lượng (Công an, Biên phòng, Hải quan hoặc Cảnh sát biển); 9 địa phương có 2 lực lượng (Công an, Biên phòng hoặc Hải quan).

Trong những năm qua, sự phối hợp giữa các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển trong công tác phát hiện, đấu tranh chuyên án và điều tra các vụ án về ma túy ngày càng được tăng cường hơn. Trong đó, tỷ lệ phát hiện, bắt giữ tội phạm và thu giữ ma túy ở 25 tỉnh biên giới đất liền đã tăng lên (từ 10% năm 2002 đến nay lên trên 25% tổng số vụ trong cả nước), thể hiện sự phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng phòng, chống ma túy, quyết tâm đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy ngay từ địa bàn biên giới, hạn chế đến mức thấp nhất lượng ma túy mua bán, vận chuyển trái phép vào trong nội địa.

Đặc biệt, đã khám phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, triệt phá nhiều tụ điểm phức tạp về ma túy tại các tuyến, địa bàn trọng điểm.

Theo thống kê, có trên 10% số vụ trong tổng số vụ của 44 tỉnh, đơn vị ở cấp Bộ phát hiện bắt giữ có sự phối hợp điều tra giữa 4 lực lượng. Sự phối hợp này không chỉ ở giai đoạn trao đổi thông tin mà có nhiều vụ đã phối hợp ngay từ khi xác lập, đấu tranh chuyên án, điều tra ban đầu và điều tra mở rộng vụ án… Do đó tạo thuận lợi, kịp thời, hiệu quả trong điều tra, xử lý tội phạm.

Việc thực hiện Quyết định số 133 của Thủ tướng Chính phủ đã được 4 lực lượng ở các cấp quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả trên nhiều nội dung công tác. Trong đó, nổi bật là: Nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ các lực lượng tiếp tục được nâng lên, phát huy được vai trò chủ công, nòng cốt, đồng tâm hiệp lực, đoàn kết gắn bó chặt chẽ hơn trong công tác phối hợp phòng chống tội phạm ma túy trong cả nước nói chung và ở khu vực biên giới, cửa khẩu, trên biển nói riêng.

Các lực lượng đã phối hợp thực hiện tốt chức năng tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể xã hội và toàn dân tham gia công tác phòng chống tội phạm ma túy, góp phần kiềm chế sự gia tăng, không để tội phạm ma túy hoạt động phức tạp kéo dài tại địa bàn biên giới.

Công tác phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong trao đổi, xử lý, xác minh thông tin, xác lập, đấu tranh chuyên án chung từng bước đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả. Các bên đã thường xuyên hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, sử dụng các phương tiện kỹ thuật, góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ của từng lực lượng và chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp.

Việc mở rộng mối quan hệ phối hợp với Công an, Cảnh sát các nước Lào, Trung Quốc, Campuchia được tăng cường không chỉ ở cấp Trung ương mà cả cấp địa phương, cơ sở, đặc biệt là đối với lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy của nước Bạn…

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp

Ký quy chế phối hợp giữa Tổng cục Cảnh sát với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và Tổng cục Hải quan. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đánh giá cao kết quả phối hợp đã đạt được giữa các lực lượng trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý, trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự nước ta.

Trong đó, đáng chú ý là tình hình các loại tội phạm phi truyền thống, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài sẽ gia tăng cả về số vụ, quy mô, tính chất, mức độ nguy hiểm. Đặc biệt, tình hình tội phạm ở khu vực biên giới, cửa khẩu, trên biển tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, nhất là tội phạm về ma túy, môi trường, tội phạm mua bán người, buôn lậu, đối tượng truy nã…

Hoạt động của các loại tội phạm ngày càng có xu hướng cấu kết chặt chẽ, đan xen lẫn nhau, hình thành các băng nhóm, tổ chức, đường dây tội phạm hoạt động lưu động liên tỉnh, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài ngày càng rõ nét hơn.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, các lực lượng tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy và hành động trong công tác nắm, phân tích, dự báo tình hình, kịp thời tham mưu, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng yêu cầu, các lực lượng, tiếp tục phối hợp làm tốt công tác tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, chiến lược, các chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương Đảng, Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, phòng, chống mua bán người; tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện tốt các kế hoạch phòng, chống tội phạm mà Chính phủ xác định là trọng tâm như: Kế hoạch phối hợp tuyên truyền phòng, chống ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, Việt Nam – Lào; các kế hoạch chuyên đề phòng, chống tội phạm mua bán người, tội phạm buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, các đơn vị, tích cực phối hợp tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận “lòng dân”.

Các lực lượng, đẩy mạnh công tác dân vận, tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, bảo vệ An ninh Tổ quốc; thường xuyên xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến theo hướng xã hội hóa ngày càng cao với nhiều hình thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải ngay từ cơ sở.

Các đơn vị thường xuyên phối hợp giải quyết tốt các yêu cầu trong công tác nghiệp vụ cơ bản; các hoạt động điều tra xử lý tội phạm, điều tra mở rộng vụ án; các hoạt động bổ trợ, hỗ trợ tư pháp, giám định, hồ sơ nghiệp vụ; quản lý hành chính, bảo vệ biên giới, nghiệp vụ hải quan… ở địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển.

Các lực lượng tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp để duy trì, củng cố, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp, nhất là trong việc tổ chức giao ban định kỳ, trao đổi, cung cấp và xử lý thông tin, phối hợp hướng dẫn và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và của mỗi lực lượng.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị, các đơn vị tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, bảo vệ nội bộ, phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, bị tội phạm lôi kéo, “bảo kê” cho các loại tội phạm,…

Các lực lượng thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trình độ, kỹ năng cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức của các lực lượng; Tổ chức các hoạt động giao lưu, ký giao ước thi đua; làm tốt công tác thi đua, khen thưởng; xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó chặt chẽ, hiệp đồng chiến đấu giữa các lực lượng trên mặt trận phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự trong toàn quốc nói chung và khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển nói riêng.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện nghiệp vụ, kinh phí, chế độ chính sách và các điều kiện đảm bảo; Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng của các nước láng giềng, các nước trong khu vực và trên thế giới trong bảo vệ, quản lý an ninh, chủ quyền biên giới lãnh thổ và phòng, chống tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự, góp phần phục vụ đắc lực cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững…

Nhân dịp này, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và Tổng cục Hải quan đã ký kết Quy chế phối hợp đấu tranh phòng, chống các tội phạm về ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển.

TTXVN/Tin Tức