09:10 22/09/2012

Kịch bản kinh tế nào cho Nga?

Theo bà Akindinova, trong thời gian tới, kinh tế Nga sẽ không xảy ra tình trạng suy sụp, nhưng như vậy không có nghĩa là năm tới sẽ không xảy ra vấn đề gì nghiêm trọng.

Theo Báo Độc lập (Nga), chỉ còn hai tuần nữa Chính phủ Nga sẽ phải trình Đuma Quốc gia xem xét và phê chuẩn văn kiện tài chính quan trọng của đất nước. Trong đó, Bộ Phát triển kinh tế (MED) đề xuất 5 kịch bản phát triển kinh tế cho tới năm 2015, từ bi quan nhất với giá dầu mỏ dao động từ khoảng 80USD/thùng và GDP tăng trưởng từ 0,5-3%, tới lạc quan nhất là giá dầu giả định tăng lên 120 USD/thùng và GDP tăng trưởng ở mức 3,9-4,6%.

GDP của Nga được hy vọng sẽ tăng 3-4,6%/năm từ nay tới năm 2015. Ảnh AFP.


Chính phủ sẽ phải trình lên Đuma Quốc gia kịch bản ngân sách cuối cùng trước ngày 1/10.

Bà Natalia Akindinova, Giám đốc viện nghiên cứu của Trung tâm phát triển thuộc Trường Cao đẳng kinh tế, nhận định kinh tế Nga đang phát triển chậm lại. Trong kịch bản của mình, MED đang hy vọng GDP sẽ tăng trưởng 3,5%. Song, bà Akindinova cho rằng kịch bản này tương đối lạc quan.

Theo bà Akindinova, trong thời gian tới, kinh tế Nga sẽ không xảy ra tình trạng suy sụp, nhưng như vậy không có nghĩa là năm tới sẽ không xảy ra vấn đề gì nghiêm trọng. Hiện nay, các nguồn dự trữ sẽ cho phép làm giảm nhẹ tác động trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ các nguồn dự trữ có thể sẽ không đủ, nếu tính tới các cam kết xã hội mà Nhà nước phải thực hiện. Bà Elena Lebedinskaya, chuyên gia thuộc Nhóm chuyên gia kinh tế (EEG) cũng nhất trí cho rằng mức tăng trưởng 3,5% là quá lạc quan.

Tuy nhiên, bà Daria Pichugin, chuyên gia phân tích thuộc Công ty phân tích độc lập Investkafe lại đánh giá rằng hiện nay việc cần thiết là phải duy trì trạng thái tích cực, hơn là thừa nhận tình hình thực tế. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế lạc quan hơn sẽ trấn an được dư luận xã hội và các nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, các biện pháp nới lỏng định lượng của Mỹ, chính sách thúc đẩy nền kinh tế của Trung Quốc và các cuộc xung đột quân sự có thể hỗ trợ giá dầu mỏ và qua đó hỗ trợ nền kinh tế Nga. Hơn nữa, nếu triển vọng kinh tế toàn cầu sáng sủa hơn, dòng vốn đầu tư vào Nga sẽ được phục hồi.

Trong khi đó, ông Nikolai Solabuto, Giám đốc quản lý tài sản thuộc Công ty đầu tư Trade Portal, cho rằng không có phương án nào trong số các phương án do MED đề xuất được dùng làm cơ sở.

Song ông Nikolai Korzhenevski, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thuộc Công ty AForex, lại cho rằng phương án ngân sách mà ở MED đưa ra là cần thiết và sẽ được dùng làm cơ sở. Cuối cùng phương án ngân sách khắc khổ dựa trên cơ sở giá dầu mỏ trung bình 110 USD/thùng sẽ được chấp nhận.

Theo một chuyên gia khác, ông Oleg Poddymnikov, Phụ trách việc điều hành các hoạt động đầu tư thuộc Ngân hàng Lanta, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Nga phần nhiều phụ thuộc vào sự dao động của giá dầu mỏ.

Ông nói: "Trong dự báo chính thức đối với năm 2012, giá dầu mỏ trung bình giảm từ 115 USD xuống 109 USD/thùng. Hiện dự báo của MED về sự tăng trưởng GDP cho năm nay ở mức 3,5% là khá hợp lý, trong bối cảnh Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP của Nga trong năm nay sẽ tăng trưởng 4%".


Cường Dũng