05:08 08/05/2020

Khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi và sinh con sớm là chính sách rất nhân văn, không có chuyện xử phạt

Chính sách khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và sinh con thứ 2 trước 35 tuổi đang được dư luận quan tâm. Để hiểu rõ hơn về chính sách này, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trò chuyện với BS. Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ truyền thông và Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (Bộ Y tế) để làm rõ vấn đề được bạn đọc quan tâm.

Chú thích ảnh
BS. Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ truyền thông và Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình  (Bộ Y tế) trao đổi với phóng viên báo Tin tức. Ảnh: Tạ Nguyên

Xin ông cho biết việc khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và sinh con thứ 2 trước 35 tuổi được được nêu trong Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 28/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa như thế nào?

Hiện độ tuổi phù hợp để kết hôn và sinh con đã được quy định tại Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 28/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” trên cơ sở đề nghị của Bộ Y tế. Cụ thể là tại ý 5, tiết b của điểm 3, Mục II có nêu: “…. khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi”.

Để đưa ra được những vấn đề này, chúng tôi đã căn cứ trên rất nhiều văn bản pháp lý, các căn cứ khoa học, các nghiên cứu thực tế.

Sau khi phân tích số liệu thống kê kết quả điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình hàng năm về nhân khẩu học, chúng tôi nhận thấy, thực tế ở những địa phương mức sinh cao thì độ tuổi kết hôn và sinh con sớm, khoảng từ 20 - 24 tuổi. Nơi mức sinh thấp hoặc rất thấp thì thanh niên có xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, khoảng từ 25 đến 29 tuổi.

Về sinh học, phụ nữ sinh con trước 30 tuổi sẽ rất tốt cho cả mẹ và trẻ. Sinh con muộn sẽ có nhiều nguy cơ. Vì vậy, nếu phụ nữ 30 tuổi mới sinh con thứ nhất thì thường 5 năm sau mới sinh con thứ hai; còn sau 30 tuổi mới sinh con thứ nhất thì cũng sau 5 năm mới sinh con thứ hai, độ tuổi đó không tốt cho cả mẹ mẹ và con.

Bên cạnh khả năng thụ thai, phụ nữ càng lớn tuổi sinh con càng đối diện nguy cơ cao gặp biến chứng trong thai kỳ như tiểu đường, cao huyết áp, nguy cơ sảy thai… Đặc biệt, nguy cơ con chậm phát triển về thần kinh vận động cũng tăng theo tuổi của mẹ, do mẹ càng lớn tuổi thì khả năng các nhiễm sắc thể ở trứng dính vào nhau càng cao, dẫn đến các bệnh liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể cho thai nhi như hội chứng Down, Edwards… Theo các nghiên cứu, người mẹ 25 tuổi có tỷ lệ sinh con bị bệnh Down chỉ là 1/1250; 30 tuổi là 1/952, trên 35 tuổi là 1/378, trên 45 tuổi là 1/30.

Đặc biệt, xét về khả năng thụ thai thì độ tuổi từ 20 – 24 là độ tuổi tốt nhất, nhưng ở khía cạnh chăm sóc con cái sau sinh thì phụ nữ 25 – 34 tuổi thuận lợi hơn do khả năng ổn định hơn về tâm lý, tài chính… Nhìn chung, ở độ tuổi 20 – 34, phụ nữ đều được bác sĩ tư vấn nên sinh con.

Vì vậy, việc khuyến khích thanh niên kết hôn trước 30 tuổi; phụ nữ sinh con thứ hai trước tuổi 35 với mục đích là nhằm hướng thanh niên trước tuổi 30 kết hôn, sau đó sẽ sinh con, để vừa đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số, vừa góp phần tăng tỷ suất sinh ở những nơi có mức sinh thấp.

Trong bối cảnh hiện nhiều địa phương đang có xu hướng mức sinh thấp, thậm chí thấp xa so với mức sinh thay thế (mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ), điển hình như: Đồng Tháp, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang... Với tâm lý xã hội hiện nay, nhiều người có xu hướng thích cuộc sống độc thân, kết hôn muộn, nuôi con đơn thân... có nguy cơ gây ra hệ luỵ rất lớn cho xã hội, đẩy nhanh già hoá dân số.

Do vậy, đây là một chính sách rất kịp thời, phù hợp, nhân văn. Đặc biệt đây còn là một cuộc vận động lớn của xã hội và xin nhấn mạnh là không có chuyện xử phạt; cho đến nay, chưa có văn bản nào quy định xử lý vi phạm chính sách dân số.

Chú thích ảnh
Phụ nữ sinh con trước 30 tuổi sẽ rất tốt cho cả mẹ và trẻ. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Việc khuyến khích này sẽ được triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

Việc thí điểm khuyến khích thanh niên kết hôn trước tuổi 30 nằm trong bối cảnh cụ thể là chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp đến năm 2030 và chỉ áp dụng ở vùng mức sinh thấp. Các quyền công dân được tôn trọng theo quy định pháp luật và mỗi người đều có quyền lựa chọn, chương trình chỉ khuyến khích.

Các địa phương có chính sách thí điểm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, như: Hỗ trợ mua nhà ở xã hội, thuê nhà, ưu tiên vào trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em, xây dựng kinh tế gia đình. Những người không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn sẽ bị tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng.

Tuy nhiên, trong chương trình, Chính phủ giao các địa phương phân tích thực tế để áp dụng thí điểm các biện pháp trên cho phù hợp. Sau khi kết thúc thí điểm, sẽ đánh giá để đưa ra những quyết sách chính thức.

Xin nhấn mạnh một lần nữa là những chính sách này chỉ áp dụng ở nơi có mức sinh thấp, không phải trên toàn quốc. Địa phương có mức sinh cao tiếp tục vận động người dân không kết hôn và sinh con quá sớm, không sinh quá dày, nhiều con. Khẩu hiệu vẫn là "dừng lại ở hai con để nuôi, dạy cho tốt". Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn các tỉnh, thành triển khai thực hiện chương trình này.

Đặc biệt, việc thí điểm khuyến khích thanh niên kết hôn trước tuổi 30 cũng như mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con được thực hiện, sẽ bãi bỏ quy định của tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ ba trở lên. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người dân hoặc cán bộ, đảng viên được khuyến khích sinh con thứ ba.

Chẳng hạn trước đây nhiều địa phương thường đặt tiêu chí về dân số kế hoạch hóa gia đình là các thôn, xã, làng bản, huyện... không có người sinh con thứ ba trở lên. Từ nay, những tiêu chí này cần được bỏ để không tạo tâm lý cho người dân rằng nhà chức trách đang thực hiện chính sách giảm sinh. Mục đích của chính sách này là nâng mức sinh, hay nói cách khác là điều chỉnh chính sách từ khuyến khích giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế (mỗi phụ nữ có trung bình 2,1 con).

Ông kỳ vọng như thế nào về hiệu quả của các giải pháp đề ra trong chương trình điều chỉnh mức sinh được đề cập tại Quyết định số 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ?

Những yếu tố tác động đến mức sinh, dựa trên số liệu thống kê và khoa học về dân số, đều đã được chúng tôi nghiên cứu và đưa vào Chương trình. Nhiều giải pháp chỉ mang tính khuyến khích chứ không bắt buộc như các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hy vọng chương trình sẽ có kết quả tốt.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước đã thành công trong việc đưa mức sinh cao xuống thấp. Tuy nhiên, chưa có nước nào thành công khi đưa mức sinh thấp lên cao. Bài học đã nhìn thấy từ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, khu vực châu Âu… là dù đã đầu tư rất nhiều cho việc khuyến khích sinh đẻ nhưng vẫn không thể làm tăng mức sinh và phải đối diện với những hệ luỵ rất lớn cho xã hội như: Già hoá dân số, lao động, việc làm…

Việt Nam đã nhìn thấy trước những vấn đề đó và thực tế chúng ta đang có xu thế như vậy. Với các giải pháp can thiệp sớm, chúng ta có thể tránh được “vết xe đổ” như nhiều nước đã để mức sinh xuống thấp, không thể đưa trở lại mức sinh thay thế.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Tạ Nguyên/Báo Tin tức