03:17 20/03/2019

Khuyến cáo người dân không 'quay lưng' với thịt lợn

Những ngày qua, dịch tả lợn châu Phi đang lan nhanh tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã gây nên tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến hoạt động mua bán các sản phẩm từ thịt lợn.

Chú thích ảnh
Người tiêu dùng chọn mua thịt lợn trong siêu thị. Ảnh: Hoàng Dương/Báo Tin tức

Trước tâm lý lo ngại của người tiêu dùng, ngành chức năng các địa phương khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, không nên "quay lưng" với thịt lợn và các sản phẩm từ lợn. Khi có nhu cầu mua các sản phẩm thịt lợn thì người dân nên chọn những địa chỉ uy tín, an toàn như siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, các quầy, sạp có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm…

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cho rằng, với việc kiểm soát chặt chẽ của lực lượng chức năng nên tình hình vẫn cơ bản ổn định, trên địa bàn chưa ghi nhận xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã xây dựng nhiều chuỗi an toàn thực phẩm, cấp chứng nhận các cửa hàng bán thịt an toàn để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, nên người dân không nên quá lo ngại bởi nếu có xuất hiện thì chỉ ảnh hưởng đến đàn lợn chứ không lây nhiễm và gây nguy hiểm cho người.

Long An là địa phương giáp ranh với Thành phố Hồ Chí Minh, có số lượng lợn chăn nuôi và cơ sở giết mổ lớn. Hiện trên địa bàn có đàn lợn hơn 162.000 con; 42 cơ sở giết mổ với tổng công suất đạt trên 2.500 con/đêm, nguồn lợn giết mổ chủ yếu nhập từ các tỉnh, thành phố khác. Ngoài ra, hàng ngày còn có số lượng lớn lợn được vận chuyển từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ lên Thành phố Hồ Chí Minh đi qua địa bàn nên nguy cơ nhiễm dịch bệnh tả lợn châu Phi là rất cao.

Vì thế, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương trong tỉnh đang tập, trung thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn kịp thời không để bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn; trong đó, chú trọng kiểm soát chặt chẽ lợn và các sản phẩm thịt lợn từ đầu vào và cả vận chuyển đi qua địa bàn. 

Các chốt kiểm dịch tạm thời được thành lập tại các địa bàn trọng yếu như huyện Bến Lức, Đức Hòa... để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với lợn và sản phẩm lợn ra vào địa bàn tỉnh. Ngoài ra, ngành chức năng tổ chức hướng dẫn, yêu cầu người chăn nuôi, cơ sở giết mổ tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; tuyệt đối không được mua bán, giết mổ lợn có dấu hiệu nhiễm bệnh….

Tại tỉnh Yên Bái, nhiều ngày qua, nhu cầu sử dụng thịt lợn của người tiêu dùng cũng có sự sụt giảm. Tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giá lợn hơi, giá bán thịt lẻ và mức tiêu thụ thịt lợn đang có xu hướng giảm. Tại chợ Minh Tân, thành phố Yên Bái, sau khi xuất hiện thông tin về dịch tả lợn châu Phi, nhu cầu mua thịt lợn đã giảm đáng kể so với trước.

Bà Nguyễn Thị Yến, chủ một quầy bán thịt lợn tại chợ Minh Tân chia sẻ, trước khi có dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, trung bình mỗi ngày bà bán được khoảng 30 kg thịt lợn, hiện tại bà chỉ bán được từ 10 - 15 kg/ngày.

Theo các tiểu thương bán thịt lợn, thịt lợn được bán tại các chợ có giá từ 70.000 - 100.000 đồng/kg. Nhiều tiểu thương cho biết, để đảm bảo an toàn, những ngày qua khi mua thịt lợn về bán, họ phải xuống tận lò mổ kiểm tra, lợn khỏe, đảm bảo an toàn mới lấy về để bán.

Ông Đàm Duy Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái cho biết, hiện tại Yên Bái chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Mặc dù đây là dịch truyền nhiễm do vi rút gây ra và tốc độ lây lan nhanh nhưng không có khả năng lây sang người, nên người tiêu dùng không nên lo sợ và không tẩy chay sản phẩm thịt lợn an toàn, đảm bảo chất lượng.

Theo ông Đàm Duy Đức, hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng có đưa một số hình ảnh, thông tin để người tiêu dùng có thể phân biệt được thịt lợn khỏe mạnh qua mắt thường như: thịt có màu đỏ tươi tự nhiên, mỡ trắng sáng, da hồng, không có các đốm hay các vết khác thường. Ngoài ra, người dân có thể dùng tay để kiểm tra độ đàn hồi của thịt, nếu ấn ngón tay vào và thịt không bị lõm, không bị dính, rỉ nước và chắc thì đó là thịt của lợn khỏe mạnh, an toàn..

Tỉnh Yên Bái hiện có tổng đàn lợn hơn 512.000 con. Trong 2 tháng đầu năm 2019, sản lượng thịt hơi xuất chuồng toàn tỉnh đạt trên 9.500 tấn, đạt gần 19% kế hoạch năm, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Yên Bái đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật. Cụ thể, tỉnh sẽ kiểm tra bất ngờ những cơ sở giết mổ gia súc, cơ sở chế biến các sản phẩm từ thịt lợn, các chợ đầu mối, cũng như các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ để chủ động nắm bắt về diễn biến tình hình dịch bệnh và có các biện pháp ứng phó nếu phát hiện dịch xâm nhiễm vào địa bàn. 

Đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế, sau 2 ngày xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại thôn Hiền An, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện thêm ổ dịch mới. Tỉnh khuyến cáo người dân tăng cường các biện pháp phòng ngừa, nhưng không nên "quay lưng" với thịt lợn có nguồn gốc xuất xứ.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thừa Thiên - Huế, toàn tỉnh hiện có trên 19.000 hộ, gia trại, trang trại chăn nuôi lợn với tổng đàn lợn trên 286.000 con. Việc nuôi lợn trên địa bàn phần lớn là ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ cao, đan xen trong khu dân cư.

Để phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn, ngành thú y tỉnh đã tập trung toàn bộ lực lượng để hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh, khử trùng chuồng trại bằng vôi bột, hoặc hóa chất; vệ sinh và khử trùng phương tiện vận chuyển, con người ra vào cơ sở chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật chăn nuôi và vệ sinh phòng dịch.

Bên cạnh đó, Chi cục Thú y Thừa Thiên - Huế đã phân bổ trên 17 tấn hóa chất benkocid về cho các địa phương, tăng cường thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng. Đồng thời, vận động người chăn nuôi phải tuân thủ và thực hiện tốt nguyên tắc "5 không" (không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt).

Hiện, việc phòng chống và ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi đang được ngành thú y toàn tỉnh và các cấp chính quyền địa phương triển khai quyết liệt để không làm thiệt hại đến tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Các địa phương trong tỉnh đang tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra khỏi địa bàn có dịch bệnh, đặc biệt thực hiện nghiêm việc cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch theo đúng quy định của Luật Thú y.

Các cơ sở chăn nuôi lợn nằm trong vùng dịch khi có nhu cầu vận chuyển lợn ra khỏi phạm vi vùng dịch phải được cơ quan thú y lấy mẫu, xét nghiệm có kết quả âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi và hướng dẫn tuyến đường vận chuyển ra khỏi vùng có dịch.

Ngoài việc thành lập 7 chốt kiểm dịch động, các địa phương trong tỉnh tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với lợn và sản phẩm lợn ra vào địa bàn huyện, xã, thôn có dịch; đồng thời bố trí các lực lượng thú y, công an và các lực lượng liên quan để tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn.

Đối với các hộ bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ thực hiện hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy là 80% giá trị con vật; tức vào khoảng 38.000 đồng/kg đối với lợn thịt và khoảng chừng 64.000 đồng/kg đối với lợn nái đẻ.

Bùi Giang - Đinh Thùy - Quốc Việt  (TTXVN)