06:08 29/06/2012

Khủng long có thể là động vật máu nóng

Theo kết quả nghiên cứu đăng tải trên tạp chí "Nature" ngày 27/6, khủng long có thể thuộc loài động vật máu nóng. Phát hiện này có thể loại bỏ những suy luận trước đây của giới khoa học cho rằng động vật khổng lồ bị tuyệt chủng này là loài máu lạnh.

Theo kết quả nghiên cứu đăng tải trên tạp chí "Nature" ngày 27/6, khủng long có thể thuộc loài động vật máu nóng. Phát hiện này có thể loại bỏ những suy luận trước đây của giới khoa học cho rằng động vật khổng lồ bị tuyệt chủng này là loài máu lạnh.

 

Khủng long là động vật máu nóng? Nguồn: Internet.

 

Sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học Tây Ban Nha và Na Uy đã phát hiện thấy những lớp vòng tăng trưởng (giống như vòng tròn trên thân cây cho biết tuổi gỗ) trên xương của các loài động vật có vú, một đặc điểm mà cho tới nay được cho là chỉ có ở động vật máu lạnh và khủng long.


Ngoài phát hiện trên, các nhà khoa học còn tìm ra bằng chứng khác cho thấy khủng long có tốc độ trao đổi chất khá cao cho phép chúng phát triển rất nhanh. Đây là một dấu hiệu đặc trưng nữa chỉ xuất hiện ở loài động vật máu nóng.

 

Từ lâu, các nhà cổ sinh vật học luôn cho rằng các lớp vòng trên xương của khủng long và loài động vật máu lạnh là dấu hiệu của sự phát triển chững lại (có thể do thời kỳ lạnh giá hoặc thiếu thức ăn) trong từng thời kỳ. Thế nhưng, nhóm nghiên cứu do bà Meike Koehler thuộc Viện Cổ sinh vật học Tây Ban Nha đứng đầu, đã phát hiện thấy dấu hiệu các lớp vòng tương tự trên xương ở tất cả 41 loài động vật máu nóng mà họ nghiên cứu (bao gồm cả linh dương, hươu và hươu cao cổ).


Thậm chí khi so sánh mô xương của các loài động vật máu nóng trên với mô xương của khủng long, các nhà khoa học không thấy điểm khác biệt. Đây chính là những bằng chứng khẳng định tiến trình phát triển ở khủng long diễn ra liên tục, đồng thời cho thấy sự phát triển cực nhanh của khủng long là do tốc độ trao đổi chất rất cao trong cơ thể chúng quyết định.

 

Trước đây, dù không giải thích được nhưng các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra rằng do kích thước cơ thể cực lớn và phải tiêu thụ một lượng thức ăn khổng lồ, khủng long đã tự sản sinh ra nguồn năng lượng cực lớn tỏa ra môi trường.


Bằng cách nào đó, những con khủng long to lớn này đã làm giảm thân nhiệt của chúng xuống từ 4-7 độ C. Lúc này, thân nhiệt của chúng tồn tại ở mức nhiệt từ 36-38oC, hoàn toàn giống với thân nhiệt của các loài động vật máu nóng.

 

Ngoài việc phát hiện ra khủng long có thể là loài động vật máu nóng, kết quả nghiên cứu trên cũng sẽ khiến giới khoa học phải nhìn nhận lại đặc điểm của các loài bò sát.

 

TTXVN/Tin tức