04:06 20/04/2021

Khủng hoảng vaccine COVID-19: Mấu chốt không nằm ở ‘sự cố’ AstraZeneca hay J&J

Một trong những thách thức nghiêm trọng nhất thế giới phải đối mặt thời kỳ hậu COVID-19 chính là tình trạng bất bình đẳng phân phối vaccine giữa các nước giàu với nước nghèo.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhìn qua những dòng tiêu đề tin tức trên truyền thông, dư luận thường nghĩ điều cốt yếu nhất thế giới phải đối diện trong chiến dịch tiêm chủng chính là tâm lý lo ngại về mức độ an toàn, tác dụng phụ của vaccine AstraZeneca và Johnson & Johnson (J&J). Việc thảo luận đó là cần thiết, nhưng không vì vậy mà quên đi thách thức toàn cầu lớn nhất trong những tháng tới đây: Hố sâu bất bình đẳng trong phân phối vaccine giữa nước giàu và nước nghèo. 

Dựa trên những thông tin hiện có, các công ty dược trên thế giới trong năm nay có thể cung ứng ra thị trường khoảng 12 tỉ liều vaccine ngừa COVID-19. Về lý thuyết, lượng vaccine này đủ để giúp dập tắt đại dịch, với khoảng 88% dân số toàn cầu được tiêm phòng. Thế nhưng khi xem xét kĩ về số liều vaccine được chủng ngừa trên toàn cầu, bức tranh không hẳn là màu hồng. 

Tính đến thời điểm hiện nay, các nước đã đặt mua khoảng 6,96 tỉ liều vaccine, đủ để khoảng 53% dân số toàn cầu được tiêm phòng. Điểm nghẽn nằm ở chỗ vaccine chủ yếu đổ vào các nước giàu. Tại những nước này, lượng vaccine đặt mua đã gấp đôi lượng vaccine cần để tiêm chủng cho toàn bộ dân số. Ngược lại, “độ che phủ” vaccine này chỉ vào khoảng 12% ở những nước thu nhập trung bình thấp. 

LHQ đã đưa ra quy định về quyền tiếp cận dược phẩm của các nước, thể hiện rõ nhất qua các Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS). Có rất nhiều điều khoản đã được thông qua về giấy phép không tự nguyện (compulsory licensing) trong lĩnh vực dược phẩm theo Tuyên bố Doha của LHQ về TRIPS và Sức khỏe cộng đồng. 

Nói một cách ngắn gọn, giấy phép không tự nguyện là việc một chính phủ cho phép một đối tác khác bào chế sản phẩm thuốc, sinh phẩm hoặc áp dụng quy trình đã sản xuất được cấp bằng sáng chế mà không cần sự đồng ý của chủ sáng chế. 

Về lý thuyết, quy định này bảo đảm các nước nghèo có điều kiện tiếp cận thuốc men, sinh phẩm y tế. Một quốc gia nếu không có khả năng ký thỏa thuận mua quyền với các công ty dược lớn trên thế giới có thể vô hiệu vấn đề bản quyền thông qua điều khoản giấy phép không tự nguyện.

Các công ty dược bản địa từ đây có thể bào chế thuốc generic (thuốc được sản xuất không cần có sự cho phép của công ty chủ sở hữu trí tuệ), sản xuất cho thị trường trong nước là chính, không phải cho xuất khẩu. Còn những nước có ngành dược phẩm yếu, không đủ khả năng sản xuất, thì có thể mua từ những nước có thế mạnh về dược phẩm generic, ví như Ấn Độ, với mức giá rẻ hơn nhiều so với thuốc gốc. 

Nhưng trên thực tế, hệ thống này hoạt động kém hiệu quả. Giấy phép không tự nguyện hiếm khi được áp dụng đối với các sản phẩm thuốc, sinh phẩm đời mới trong thời gian gần đây. Loại giấy phép này được kích hoạt trong một vài trường hợp, nhưng chủ yếu là ở những nước giàu và dưới khía cạnh chính quyền muốn sử dụng giấy phép không tự nguyện để tạo áp lực buộc các công ty dược hạ giá thuốc trong nước, chứ không nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận cho nhóm nước thu nhập thấp. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Hasland, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Quy trình cấp thực hiện giấy phép không tự nguyện cũng khá chậm và rườm rà, phải thông qua nhiều vòng đàm phán giữa các chính phủ và các công ty dược phẩm. Giấy phép cũng phải tương thích với quy định xuất khẩu, nhập khẩu của các nước. Nước được thụ hưởng thường cũng không nhận được bí quyết công nghệ, thương mại.

Nên việc tiếp nhận chuyển giao nếu có sẽ phụ thuộc vào tiềm lực “công nghệ đảo ngược” (Reverse engineering) của các công ty dược chuyên về generic, khi họ chỉ được phép phân tích thành phần, cấu tạo thuốc, sinh phẩm để tìm ra phương thức bào chế như thuốc gốc. Đây sẽ là thách thức đặc biệt lớn với những mẫu thuốc, sinh phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, nhất là chủng loại được phát triển, cấp phép sử dụng cấp tốc như vaccine ngừa COVID-19. 

Trong bối cảnh đại dịch bùng phát và lây lan mạnh trên toàn cầu, nhiều cá nhân, tổ chức - nổi bật là Sáng kiến Covax, đã lên tiếng hối thúc cắt bỏ những quy trình, thủ tục để đẩy nhanh cấp giấy phép không tự nguyện đối với vaccine ngừa COVID-19, nhằm tạo điều kiện cho số nước nghèo được tiếp cận vaccine.

Thế nhưng việc phân phối vaccine hiện không có tiến triển, nguồn vaccine vẫn chủ yếu tập trung vào các nước giàu. Đó là điểm đáng quan ngại, khi mà tâm dịch giờ đây đang chuyển từ nước giàu, các nền kinh tế lớn sang các nước nghèo, tiềm lực ngành dược phẩm yếu. 

Để dập tắt đại dịch, cần thực hiện ngay một giải pháp - mà đến lúc này các nước giàu, nhất là Mỹ, vẫn đang tìm cách phong tỏa, trì hoãn. Đó là việc thực hiện miễn trừ các quy định của TRIPS về thương mại trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Nếu muốn bảo vệ nhân loại trước một cuộc khủng hoảng y tế tiềm tàng, điều cần làm đầu tiên là sửa lại các điều luật về thương mại toàn cầu, cân bằng giữa sức khỏe con người, quyền con người trong tiếp cận y tế với bảo vệ sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực dược phẩm. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (WSJ, Bloomberg)