11:09 27/11/2014

Khủng hoảng Ukraine sau 1 năm: Bên nào được, mất?

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã có tác động sâu sắc đến tình hình chính trị thế giới, trong đó có một số bên liên quan hưởng lợi đồng thời một số bên phải chịu tổn thất nhất định.

Ngày 21/11/2013 khi Tổng thống Ukraine Yanukovych tuyên bố đình chỉ ký kết Thỏa thuận gia nhập Liên minh châu Âu (EU), một loạt các cuộc biểu tình chống chính phủ đã chuyển thành một “cuộc cách mạng” được cho là có sự “chỉ đạo” của phương Tây, cuối cùng dẫn đến việc ông Yanukovych bị lật đổ.

Theo ông Li Ziguo, Phó Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu Trung Á-Âu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, cái gọi là “cuộc cách mạng Maidan” trên sau đó đã làm bất ổn xã hội Ukraine trở nên trầm trọng hơn, dẫn đến việc bán đảo Crimea tách ra khỏi nước này và sự phản kháng của khu vực miền đông đối với chính phủ mới. Sự kiện này đã có tác động sâu sắc đến tình hình chính trị thế giới, trong đó có một số bên liên quan hưởng lợi đồng thời một số bên phải chịu tổn thất nhất định.

Binh sĩ Ukraine tại khu vực Dontsk ngày 24/11.


Mỹ giành được lợi thế chiến lược


Mặc dù nhiều nhà phê bình ở Mỹ chỉ trích chính quyền Obama đã phản ứng một cách yếu kém trong việc xử lý cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng sự suy giảm hình ảnh cá nhân của Tổng thống Obama không nhất thiết có nghĩa là Mỹ và chính sách đối ngoại của Washington cũng bị tổn hại. Ngược lại, Mỹ đã thực sự giành được nhiều thứ nếu nhìn từ một quan điểm chiến lược.

Thứ nhất, Mỹ đã thành công trong việc lôi kéo Ukraine ra khỏi tầm ảnh hưởng của Nga bằng cách khuấy động "cuộc cách mạng Maidan". Ukraine giờ không còn thân thiện với Nga như trước đây nữa, và thậm chí xét theo một khía cạnh nào đó còn là nước đối đầu với Moskva. Nga sẽ không bao giờ có thể mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ở cả châu Âu và châu Á nếu “mất” Ukraine.

Thứ hai, cuộc khủng hoảng Ukraine dẫn đến mối quan hệ giữa Nga và châu Âu đã trở nên căng thẳng, do đó đã tăng cường các mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh châu Âu. Các sự kiện ở Ukraine cũng cho thấy sức mạnh của NATO đang bị suy giảm, vì vậy các thành viên của khối này phải tăng chi tiêu quân sự, bất kể họ đang gặp khó khăn về kinh tế. Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO vào đầu tháng 9 vừa qua, các quốc gia thành viên đã tuyên bố tăng chi tiêu quân sự của họ lên tới 2% GDP trong 10 năm. Trong khi đó, NATO sẽ thành lập một lực lượng phản ứng nhanh. Nhờ vào cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ đã thành công trong việc huy động lực lượng và ngân sách của châu Âu để vừa duy trì lợi thế của mình vừa kiềm chế Nga.

Cuối cùng, một mối quan hệ đối đầu Nga – châu Âu tự nhiên sẽ dẫn đến sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Mỹ và châu Âu, mà từng bước sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán Đối tác xuyên Đại Tây Dương Mỹ-EU.

Nga thể hiện được sức mạnh, nhưng thiệt hại lớn

Bất chấp những nỗ lực của Nga, Ukraine hiện nay đang nghiêng về phía châu Âu nhiều hơn. Ngay từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, Nga đang bận rộn chuẩn bị cho Đại hội thể thao mùa Đông Sochi 2014. Moskva lúc đó chưa sẵn sàng bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời này để thể hiện sự phục hưng của Nga đối với phần còn lại của thế giới.

Mạo hiểm và dứt khoát, Nga sau đó quyết định sáp nhập Crimea. Điều này dẫn đến việc sự ủng hộ đối với Tổng thống Putin đã tăng lên đáng kể ở Nga và do đó, ông Putin đã được bình chọn là một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới năm 2014.

Hiện nay, khi mà nhiều nước châu Âu bày tỏ sự nghi ngờ và lo lắng, sự tin cậy lẫn nhau được tích lũy thời gian qua giữa Nga và EU đang biến mất. Các biện pháp trừng phạt chống Moskva của các nước phương Tây đã hạn chế tăng trưởng kinh tế của Nga, vốn đã giảm xuống dưới 1%.

Trước đó, Nga đã tìm cách thiết lập một liên minh giữa châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, quá trình này đã bị gián đoạn bởi cuộc khủng hoảng Ukraine bất ngờ xảy ra.

Châu Âu vừa được vừa mất

Nga và châu Âu vẫn phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.


Trong khi tìm cách để Ukraine hội nhập vào EU, châu Âu đã nỗ lực chi phối Ukraine theo biện pháp riêng của mình thông qua việc tích cực khuấy động "cuộc cách mạng Maidan" tại Kiev.

Tuy nhiên, phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ của Nga đã khiến châu Âu mất kiểm soát trong vấn đề này. Về mặt địa lý, châu Âu có thể được coi là bên chiến thắng ở Ukraine một phần, nhưng về mặt kinh tế, không giống như Mỹ, châu Âu phụ thuộc quan hệ chặt chẽ với Nga, đặc biệt là phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng của Nga, với 30% khí tự nhiên nhập khẩu từ Nga.

Với sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế gần như vậy, việc trừng phạt chống Nga là sự lựa chọn bất đắc dĩ. Trong nửa đầu năm 2014, thương mại giữa EU và Nga giảm 13,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Nga giảm xuống 12%.

Về vấn đề an ninh, một mặt, các nước châu Âu phải tăng cường ngân sách cho quân đội, mặt khác phải đối mặt với một nguy cơ ngày càng tăng về các cuộc xung đột tiềm năng có thể rơi vào bế tắc tại lục địa già. Do vậy, thật khó để khẳng định châu Âu là bên thắng cuộc hoàn toàn nếu thế giằng co hiện nay ở Ukraine sụp đổ.

Ukraine rơi vào bi kịch 

Ukraine, nạn nhân thực sự của cuộc khủng hoảng, không chỉ mất Crimea, mà còn rơi vào một cuộc nội chiến, dẫn đến việc các  khu vực phía đông Lugansk và Donetsk tuyên bố độc lập. Chính phủ ở Kiev tuy đã giành được sự chi phối về mặt chính trị, nhưng nhìn chung nước này vẫn đang trong tình trạng hỗn loạn với các mối nguy hiểm của việc bị chia rẽ sâu sắc hơn và một cuộc xung đột quân sự kéo dài vẫn còn hiện hữu.

Quang cảnh đổ nát sau các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và lực lượng ly khai ở khu vực miền đông Ukraine.


Đối với những người ở miền đông Ukraine, các cuộc biểu tình ban đầu yêu cầu quyền tự quyết chính trị cao hơn đã biến thành một cuộc xung đột quân sự kéo dài chống lại chính phủ mới. Những dân quân tự vệ bị Kiev và phương Tây cho là "những kẻ khủng bố", và quê hương của họ đã trở thành một bãi chiến trường. Buồn thay, cả chính phủ Ukraine và lực lượng vũ trang ở khu vực miền Đông đều không thể thay đổi tình hình vì bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố bên ngoài. Đơn giản là vì Ukraine nằm ở một vị trí dễ bị tổn thương và bị chi phối bởi 2 cường quốc đối địch.

Do bất ổn chính trị, kinh tế của Ukraine có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng, với việc đồng tiền bị mất giá hơn 50%, lạm phát tăng lên tới 25% và GDP ước tính sẽ giảm khoảng 7%. Ngoài ra, do các cuộc xung đột quân sự, Ukraine - một quốc gia sản xuất than - bây giờ phải nhập khẩu than.


Công Thuận (Theo CNTV)