12:19 03/12/2014

Khủng hoảng Ukraine nhìn từ sự 'bội ước' của phương Tây với Nga

Moskva biện minh rằng chiến cuộc ở Ukraine hiện nay là hệ quả của việc Mỹ và NATO bội ước. Ngược lại, phương Tây cáo buộc rằng cách lý giải này của Nga chỉ là tiền đề để Moskva can dự vào Ukraine.

Gần đây, xuất hiện nhiều bài viết phủ nhận thông tin Mỹ từng cam kết với Liên Xô tại thời điểm năm 1990 rằng, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không mở rộng về phía đông nếu Nga đồng ý với kế hoạch thống nhất nước Đức. Vậy sự thực là gì và nó có liên quan như thế nào đến cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay?

Kỳ 1: Một thỏa thuận không chính thức

Bức tường Berlin sụp đổ đã tạo ra những thay đổi địa chính trị ở châu Âu nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Có phải Mỹ từng hứa với Liên Xô rằng NATO sẽ không mở rộng về phía đông? Đây vẫn là chủ đề còn gây nhiều tranh cãi.

Moskva biện minh rằng chiến cuộc ở Ukraine hiện nay là hệ quả của việc Mỹ và NATO bội ước. Ngược lại, phương Tây cáo buộc rằng cách lý giải này của Nga chỉ là tiền đề để Moskva can dự vào Ukraine; sự thực thì Washington và đồng minh chưa bao giờ cam kết “đóng băng” mở rộng NATO.

Ngoại trưởng E.Shevardnadze (giữa) cùng Tổng thống G.W.Bush (trái) và đồng cấp người Mỹ J.Baker tại Nhà Trắng, năm 1989.


Những lối giải thích đối lập, mâu thuẫn này đều có căn nguyên sâu xa, gắn với bối cảnh rất phức tạp và nhạy cảm trong giai đoạn cuối của Chiến tranh Lạnh. Sự thực là chưa hề có một thỏa thuận bằng văn bản quy định NATO không được phép mở rộng về phía đông. Nhưng nếu chỉ dựa vào đây để khẳng định NATO có quyền tự ý hành động thì cũng là một thiếu sót lớn.

Thực chất là đã có những cam kết “bất thành văn” trong các cuộc hội đàm con thoi tại thời điểm năm 1990, gắn với một cục diện chính trị rất đặc biệt. Những cam kết phi chính thức này nhiều khi lại có giá trị trong quan hệ chính trị quốc tế. Điều này đặc biệt đúng trong thời kì Chiến tranh Lạnh: Nhà sử học Marc Trachtenberg từng nhận xét, Chiến tranh Lạnh khởi nguồn từ các bước triển khai đối sách của châu Âu, Liên Xô, Mỹ trong những năm 1950, 1960, nhưng nó chỉ được thừa nhận chính thức hơn một thập kỉ sau đó.

Moskva có lý do để đổ lỗi phương Tây bội ước. Các tài liệu giải mật của Mỹ mô tả, chính quyền Tổng thống George H. W. Bush (Bush cha) và các đồng minh lúc đó rất quyết tâm thuyết phục giới lãnh đạo Liên Xô rằng, trật tự châu Âu hậu Chiến tranh Lạnh sẽ “chấp nhận được” cho cả hai bên, với điều kiện Liên Xô chịu tiết giảm ảnh hưởng ở châu lục và đổi lại là việc NATO đóng băng tiến trình mở rộng, kết nạp thành viên mới. Có điều, các nhà hoạch định chính sách Mỹ dường như đã không muốn biến tầm nhìn này thành hiện thực. Phương Tây có thể lên án Nga can dự vào Ukraine, nhưng phải thấy rằng Moskva đã đúng khi tuyên bố phương Tây đã thất hứa khi chối bỏ hệ thống đã cam kết.

Câu chuyện bắt đầu vào thời điểm vài tháng sau khi xảy ra sự kiện bức tường Berlin sụp đổ (11/1989), khi mà giới lãnh đạo phương Tây còn đang vật lộn với câu hỏi có nên thống nhất nước Đức hay không và nếu có thì theo cách thức nào. Đến đầu năm 1990, câu trả lời đã có, khi Mỹ và Cộng hòa Liên bang Đức quyết định sẽ theo đuổi phương án thống nhất hai miền Đông Đức - Tây Đức. Do không biết chắc Liên Xô liệu có đồng ý rút quân khỏi Đông Đức hay không, Washington và Berlin thỏa thuận sẽ đưa ra một đề xuất mang tính hồi đáp để thử phản ứng của Moskva.

Ngày 31/1, Ngoại trưởng CHLB Đức Hans - Dietrich Genscher tuyên bố sẽ không có việc NATO mở rộng sang phía đông sau khi hai miền thống nhất. Hai ngày sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Jame Baker có cuộc gặp với ông Genscher để thảo luận về kế hoạch này. Dù ông Baker không công khai ủng hộ kế hoạch của Ngoại trưởng Genscher, nhưng ý tưởng này đóng vai trò là nền tảng cho các cuộc gặp sau đó giữa ông Baker với giới lãnh đạo Liên Xô: Tổng thống Mikhail Gorbachev và Ngoại trưởng Eduard Shevardnadze.
 
Trong các cuộc thảo luận này, ông Baker nhiều lần nhấn mạnh đến một thỏa thuận không chính thức. Đầu tiên, Ngoại trưởng Mỹ nói với người đồng cấp Shevardnadze rằng quyền lực của NATO sẽ không dịch chuyển về phía đông. Tại các cuộc tiếp kiến ông Gorbachev sau đó, ông Baker cũng đưa ra một lời bảo đảm tương tự rằng NATO sẽ không mở rộng về phía đông. Khi Tổng thống Gorbachev nói “việc mở rộng vùng NATO là điều không thể chấp nhận được”, Ngoại trưởng Mỹ đã đáp lại rằng “chúng tôi đồng ý về điều đó”.

Quan điểm rõ ràng nhất được thể hiện trong cuộc gặp giữa hai Ngoại trưởng Xô - Mỹ hôm 9/2/1990. Các tài liệu giải mật của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ông Baker đã hứa rằng “ảnh hưởng và lực lượng của NATO sẽ không di chuyển về phía đông”. Thủ tướng CHLB Đức Helmut Kohl ngay lập tức đã có một cam kết “y chang” trong cuộc gặp với lãnh đạo Liên Xô tại Moskva một ngày sau đó.

Nói như vậy để hiểu rằng, cả hai bên tại thời điểm đó đã mường tượng ra cục diện địa chiến lược trong tương lai: Nước Đức thống nhất, Liên Xô rút quân và NATO sẽ đóng băng sự hiện diện ở châu Âu.


Hoài Thanh (còn tiếp)