08:09 27/08/2013

Khủng hoảng tên lửa Cuba và những điều chưa biết - Kỳ 7

Biển Caribê đột nhiên dậy sóng trở thành tâm điểm chú ý của toàn thế giới. Ai cũng lo lắng, nín thở chờ mong đám mây đại chiến hạt nhân qua đi. Với tư cách là "thủ lĩnh" của hai phe Đông-Tây, cả Liên Xô và Mỹ đều muốn giải quyết cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba theo hướng có lợi cho mình...

Những bức thư qua lại giữa Kennedy và Khrushchev


Biển Caribê đột nhiên dậy sóng trở thành tâm điểm chú ý của toàn thế giới. Ai cũng lo lắng, nín thở chờ mong đám mây đại chiến hạt nhân qua đi. Với tư cách là "thủ lĩnh" của hai phe Đông-Tây, cả Liên Xô và Mỹ đều muốn giải quyết cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba theo hướng có lợi cho mình, vừa chuẩn bị cho khả năng huyết chiến, vừa triển khai thế tấn công ngoại giao kịch liệt.


Trong thời gian này, Khrushchev ăn ngủ luôn trong Điện Cremli để ứng phó kịp thời với tình huống khẩn cấp. Bên kia bờ Đại Tây Dương, Kennedy lúc nào cũng kè kè bên máy điện thoại, sẵn sàng nhận thông tin và ra mệnh lệnh tác chiến. Trong một tuần xảy ra khủng hoảng, Khrushchev và Kennedy đã 9 lần trao đổi thư với nhau thông qua đại sứ của hai nước, trong đó Khrushchev gửi đi 4 bức và Kennedy viết 5 bức. Nội dung của những bức thư này đa số đã được công khai.

 

Tàu Grozny vượt qua đường cách ly nhưng dừng lại khi thấy tàu chiến Mỹ quay nòng pháo hướng về nó ngày 27/10/1962


Ba giờ chiều 23/10/1962, Đại sứ quán Mỹ tại Mátxcơva nhận bức thư đầu tiên Khrushchev gửi Kennedy. Trong thư, nhà lãnh đạo Liên Xô tỏ ra rất cứng rắn: "Nói một cách thẳng thắn, những biện pháp mà ngài đưa ra trong tuyên bố là sự uy hiếp nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh của nhân dân các nước. Nước Mỹ đã công khai đi ngược lại Hiến chương Liên hợp quốc một cách thô bạo, vi phạm quy định quốc tế về việc đi lại tự do trên biển, đi theo con đường chống lại Cuba và Liên Xô". Liên quan đến tuyên bố của Oasinhtơn rằng việc Liên Xô bố trí tên lửa ở Cuba là nhằm tiến công nước Mỹ, Khrushchev khẳng định: "Những loại vũ khí ở Cuba, cho dù là thuộc loại gì đều dùng vào mục đích phòng thủ, nhằm bảo vệ Cuba khỏi sự tấn công của quân xâm lược". Cuối cùng, ông chủ Điện Cremli đưa ra lời cảnh cáo: "Tôi hy vọng chính phủ Mỹ sẽ thận trọng, từ bỏ hành động đang theo đuổi, có khả năng gây ra hậu quả mang tính thảm họa đối với toàn thế giới. Liên Xô sẽ có phản ứng quyết liệt nhất, ra đòn giáng trả Mỹ".

 

Tổng thống Mỹ Kennedy họp nội các bàn cách đối phó với khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.


Nhận được thư của Khrushchev, Kennedy lập tức hồi âm. Sáu giờ 51 phút cùng ngày, Đại sứ quán Mỹ tại Mátxcơva trao cho Bộ Ngoại giao Liên Xô bức thư của Kennedy gửi Khrushchev. Trong thư, người đứng đầu Nhà Trắng không chịu kém cạnh, nói rằng nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay là do Liên Xô đã bí mật bố trí vũ khí tiến công ở Cuba. Kennedy yêu cầu Khrushchev lập tức đưa ra những mệnh lệnh cần thiết đối với những tàu thuyền trên đường đến Cuba, tuân thủ lệnh kiểm tra do Mỹ ban bố và được Tổ chức các quốc gia châu Mỹ phê chuẩn.

 

Bảy giờ sáng ngày 24/10, sau khi nhận được bản dịch tiếng Nga bức thư của Kennedy, lãnh đạo Bộ Ngoại giao Liên Xô lập tức chuyển cho Khrushchev. Xem xong, Khrushchev rất tức giận, viết ngay cho Kennedy: "Những điều kiện của ngài đưa ra rõ ràng là khiêu khích chúng tôi. Ai đã yêu cầu ngài làm như vậy? Liên Xô quyết không đồng ý với cách làm của Mỹ. Các ngài đã đưa ra tối hậu thư, hơn nữa còn uy hiếp chúng tôi rằng nếu chúng tôi không phục tùng mệnh lệnh của các ngài, nước Mỹ sẽ sử dụng vũ lực. Thử nghĩ xem, ngài đang nói cái gì vậy! Đồng ý với yêu cầu của các ngài cũng có nghĩa quan hệ giữa các quốc gia không cần tuân theo lý tính nữa mà phải chấp nhận sự áp đặt ngang ngược. Các ngài không phải theo đuổi lý trí mà là ép buộc chúng tôi… Các ngài muốn ép buộc chúng tôi từ bỏ những quyền lợi mà tất cả các quốc gia đều được hưởng. Các ngài đang chà đạp lên các quy định của luật pháp quốc tế. Tất cả đều bắt nguồn từ sự thù địch đối với chính phủ và nhân dân Cuba. Những hành động của Mỹ nhằm vào Cuba hoàn toàn theo kiểu của bọn cường đạo, là hành vi ngu xuẩn của chủ nghĩa đế quốc".

 

Cuối thư, Khrushchev đã nói một cách rõ ràng với Kennedy: "Chính phủ Liên Xô cho rằng hành vi vi phạm quyền tự do sử dụng hải phận và không gian quốc tế là một sự xâm lược đẩy nhân loại tới bờ vực của một cuộc đại chiến hạt nhân thế giới. Cho nên, chính phủ Liên Xô không thể chỉ thị cho tàu thuyền của mình đang trên đường tới Cuba phục tùng lệnh phong tỏa Cuba của hải quân Mỹ. Mệnh lệnh của các ngài đối với tàu thuyền Liên Xô phải nghiêm túc tuân thủ những quy định về đi lại ở hải phận quốc tế đã được các nước công nhận. Nếu đi ngược lại những quy định này, Mỹ sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Liên Xô sẽ không đơn thuần là người đứng nhìn những hành vi hải tặc của tàu hải quân Mỹ ở vùng biển quốc tế. Điều đó cũng có nghĩa, chúng tôi sẽ buộc phải có biện pháp mà chúng tôi cho rằng là cần thiết và thích hợp để bảo vệ quyền lợi của chúng tôi". Khrushchev cũng không quên đưa là một lời cảnh cáo: "Chúng tôi đã có tất cả những thứ cần thiết để làm điều đó!".

 

Tuy nhiên, một ngày sau đó, trong những bức thư Kennedy và Khrushchev trao đổi với nhau, lời lẽ đã không còn nồng nặc mùi thuốc súng như trước nữa, mà chuyển sang biện hộ cho cách làm của mình và chỉ trích đối phương. Hai bên cũng biểu thị sự cần thiết của việc kiềm chế, tránh làm bùng nổ chiến tranh. Trong thư gửi Kennedy, Khrushchev viết: "Nếu các ngài phát động chiến tranh, một điều rõ ràng là ngoài việc chấp nhận sự khiêu chiến của các ngài, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Nhưng nếu các ngài vẫn chưa mất đi năng lực tự kiềm chế và có thể nhận thức một cách lý trí về hậu quả xảy ra thì chúng tôi sẽ không kéo căng sợi dây có cái nút chiến tranh nữa. Bởi chúng tôi càng kéo, cái nút chiến tranh càng bị thắt chặt. Tới một lúc nào đó, nó sẽ chặt tới mức chẳng ai có thể tháo được và chỉ còn cách chặt đứt sợi dây mà thôi. Điều đó có nghĩa là gì, chúng tôi không cần giải thích thì bản thân ngài cũng biết những thứ vũ khí chúng tôi đã chuẩn bị đáng sợ tới mức nào".

 

Minh Thành (Tổng hợp)


Đón đọc kỳ sau: Liên hợp quốc vào cuộc