09:04 30/09/2018

Khủng hoảng tâm lý giai đoạn trẻ vào lớp 1 đến từ đâu?

Những khủng hoảng tâm lý khi trẻ vào lớp 1 có thể không chỉ đến với các con mà ngay cả các bậc cha mẹ cũng bối rối, thậm chí, stress nặng trước những thay đổi của con mình.

Con cái hay cha mẹ bị tâm lý?

Vào lớp 1 cũng là khoảng thời gian mà các em và bố mẹ trải nghiệm được nhiều điều: Từ chuyện đánh vần, đối phó với sĩ số lớp đông, mất tập trung, bắt nạt, thay đổi sách giáo khoa…

Tại diễn đàn “Con tự học” trên mạng xã hội Facebook có tới hàng chục nghìn thành viên quan tâm tới các vấn đề của học sinh tiểu học. Nickname Hoa Vu (Nghệ An) chia sẻ: “Con vào lớp 1 với bao hy vọng và phấn khích. Nhưng 2 tuần sau khi đến giai đoạn đánh vần thì mọi chuyện đảo lộn hết. Con học trước quên sau, ở trường cô giáo mắng về nhà bố mẹ la, con tự ti khi học. Ngày nào mẹ cũng vật lộn cùng con nhưng không ăn thua. Các mẹ có cách nào để vượt qua giai đoạn khủng hoảng này chỉ giúp mình với”. Chỉ một dòng trạng thái này thôi, hàng trăm bình luận trải lòng về những vướng mắc khi đánh vần lớp 1. Nhiều phụ huynh cho biết, cách đánh vần hiện nay đã rất khác với thời các bố mẹ đi học. Hơn nữa, với sự thay đổi của chương trình và sách giáo khoa mới khiến phụ huynh càng hoang mang.

Chú thích ảnh
Một cuộc thăm dò ý kiến về bắt nạt học sinh lớp 1 nhận được nhiều sự quan tâm của các thành viên diễn đàn Con tự học trên mạng xã hội facebook. Ảnh: Chụp màn hình.

Một tài khoản có nickname Nguyen Thanh Tung (Hà Nội) bình luận: “Thực sự hoang mang khi con vào lớp 1. Có những bạn đi học trước rồi nhưng khi đến trường cô vẫn bảo đánh vần sai. Bố mẹ lại kỳ cạch tối tối ngồi cùng con. Con học, bố mẹ cũng học cùng”.

Hoặc tài khoản có nickname Nhung Nguyen Hong (TP Hồ Chí Minh) khuyên khổ chủ: “Con bạn có học trước không. Con nhà mình học trước, đánh vần to rõ ràng, học toán nhanh, thế mà cũng căng thẳng vì cô đấy. Cô nhắn, cô nói đủ thứ... con không nghe lời cô, viết chậm... Làm mình từ 1 người thấy lớp 1 rất bình thường, cứ để tự nhiên cũng phải xao động, căng thẳng đó đó. Tốt nhất. Cô nói thì bạn dạ. Cứ bình thường coi như tự nhiên. Con mình mới có lớp 1, mới học. Đừng ép nó khuôn khổ ngay được”.

Hoặc tài khoản có nickname Lê Thúy Minh lại có tâm tư: “Con em năm nay học lớp 1, cháu thiếu tập trung và rất nghịch. Nhà em 2 cháu sinh đôi, em stress về việc dậy con quá. Ở lớp cô giáo nói bây giờ chỉ cần con ngồi im thôi chứ chưa cần học, về nhà mẹ kèm thêm cho con. Vừa rồi em đưa con đi khám thì con em bị tăng động giảm chú ý. Bác sỹ cho uống thuốc và kết hợp theo dõi nhiều lúc thấy mệt mỏi, stress vì con mình đang chậm so với các bạn. Học trước quên sau...”

Bên cạnh những căng thẳng về cách đánh vần, ngồi trên lớp, với cô giáo thì chuyện bắt nạt cũng được nhiều người phụ huynh quan tâm. Câu chuyện bị bắt nạt trở thành chủ đề nóng trên các diễn đàn dành cho học sinh tiểu học, lớp 1. Thậm chí, một cuộc thăm dò do nickname Ha Ngoc Anh Quan tạo: “Chào cả nhà, bé nhà mình lớp 1 nhỏ con, tính hiền nên đi học các bạn trai nghịch bắt nạt và đánh, mình đã dặn con đừng chơi với mấy bạn như vậy nữa và đã nói cho giáo viên chủ nhiệm biết, nếu như sự việc có thể xảy ra nữa thì các bạn giải quyết như thế nào ạ”.Với cuộc thăm dò này có tới gần 300 lượt bình chọn là “Chiến lại chứ sao. Tự vệ chính đáng”; gần 100 lượt bình chọn với việc “Theo dõi và tìm hiểu nguyên nhân, gặp gỡ và nói chuyện với cô giáo, các bạn. Cuối cùng mới là họp phụ huyh và nhà trường”; có 40 lượt bình chọn “Cần có cuộc họp giữ các gia đình và nhà trường”.

Nhiều phụ huynh cảm thấy căng thẳng và không biết xử trí như nào cho đúng với tình trạng bị bắt nạt này.

Cha mẹ hãy quan tâm tới quá trình giáo dục

Chú thích ảnh
Cô giáo dạy học sinh viết chữ. Ảnh minh họa: TTXVN.

Ở khía cạnh giáo dục, các nhà tâm lý cho rằng cha mẹ, thầy cô đừng qua tạo áp lực cho con. Mà hãy quan tâm cả quá  trình giáo dục để đồng hành cùng con.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết: “Mỗi trẻ có năng lực khác nhau. Có trẻ ghi nhớ nhanh, học nhanh, có trẻ lại chậm hơn. Khi bố mẹ cho con đi học sớm, nhiều cháu sẽ phản ứng và ảnh hưởng tới tâm lý cũng như sức khỏe của trẻ. Bố mẹ ép quá, trẻ sẽ sợ đi học. Điều này gây căng thẳng rất nhiều cho các cháu. Chưa kể những vấn đề lớp mới, bạn mới”.

Theo TS Vũ Thu Hương, Khoa giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội thì con cần được chuẩn bị vào lớp 1 từ trước đó. “Tôi nói vậy chắc nhiều phụ huynh ngạc nhiên lắm nhưng thực tế là vậy. Kĩ năng con cần có rất nhiều và cần được đào tạo từ lúc đó. Ví dụ: có nhiều trường hợp con đi học mà vẫn không biết xúc ăn, không biết đi vệ sinh. Đây có thể nói là những khiếm khuyết lớn của cha mẹ đã khiến con gặp vô vàn khó khăn trong những ngày đầu tiên đến trường”, TS Vũ Thu Hương cho biết.

“Những kĩ năng cần cho con vào lớp 1 thì có rất nhiều nhưng tôi chỉ nói sơ qua ở đây: Kĩ năng thoát hiểm khỏi hỏa hoạn, đuối nước, xâm hại…; Kĩ năng sắp xếp đồ dùng học tập; Kĩ năng đi đứng trật tự ở nơi đông người; Kĩ năng giữ trật tự trong lớp học; Kĩ năng thực hiện những yêu cầu của giáo viên khi ở lớp và khi về nhà; Kĩ năng giữ gìn vệ sinh chung; Kĩ năng giữ gìn đồ dùng học tập; Kĩ năng tự giác đi học và làm bài”, TS Vũ Thu Hương chia sẻ.

TS Vũ Thu Hương cho rằng, nếu cha mẹ quan tâm đến quá trình giáo dục hơn kết quả thì các cha mẹ sẽ thấy nhẹ nhàng và thoải mái hơn. Các cha mẹ cũng sẽ thấy việc mình cần phải làm là dạy con tự giác học bài, dạy con yêu trường lớp, yêu cô giáo, giáo dục con đạo đức và kĩ năng thật tốt để con theo lớp vui vẻ. Đó mới là điều quan trọng chứ không phải là điểm số và kết quả.

 

HA/ Báo Tin Tức