02:10 09/02/2011

Khủng hoảng tại Ai Cập: Chính phủ nỗ lực tháo ngòi nổ

Chính phủ Ai Cập đã có một số động thái nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng chính trị đã bước sang tuần thứ 3.

Chính phủ Ai Cập đã có một số động thái nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng chính trị đã bước sang tuần thứ 3.

Ngày 8/2, Tổng thống Hosni Mubarak đã ký sắc lệnh thành lập ủy ban để thảo luận và đề xuất sửa đổi hiến pháp, theo đó nới lỏng quy định đối với những người có khả năng ứng cử vào cương vị tổng thống cũng như giới hạn số nhiệm kỳ tổng thống.

Các cuộc biểu tình đòi Tổng thống Hosni Mubarak từ chức vẫn diễn ra sôi sục tại thủ đô Cairô. Ảnh: AFP – TTXVN


Bên cạnh đó, Tổng thống Mubarak cũng ký sắc lệnh thành lập một ủy ban giám sát việc thực thi những cải cách được đề xuất. Hai ủy ban này sẽ bắt đầu làm việc ngay lập tức. Ngoài ra, Tổng thống Mubarak yêu cầu Thủ tướng thực hiện các thỏa thuận đạt được giữa các bên để thúc đẩy tiến trình đối thoại dân tộc.

Trước đó, trong phiên họp toàn thể đầu tiên ngày 7/2, nội các mới của Ai Cập đã thông qua kế hoạch tăng 15% lương cho khu vực công kể từ tháng 4/2011 và chi thêm 940 triệu USD cho lương hưu. Ủy ban Tư pháp của chính phủ cũng nhất trí thành lập một quỹ trị giá 840 triệu USD để bồi thường cho các nạn nhân của tình trạng bạo lực và cướp bóc trong các cuộc biểu tình thời gian qua.

Tổng thống Mubarak còn cam kết thành lập một ủy ban độc lập điều tra tìm nguyên nhân vụ bạo lực "kinh khủng và không thể chấp nhận được" giữa những người ủng hộ ông và phe biểu tình hôm 2/2 tại quảng trường Tahrir khiến 11 người chết và gần 1.000 người bị thương.

Đây là những bước đi cụ thể đầu tiên của chính quyền Mubarak nhằm thực hiện những cam kết cải cách đã đưa ra.

Trong khi đó, phe đối lập chưa tỏ dấu hiệu “xuống thang” nào và còn cho rằng những nhượng bộ của chính phủ là chưa đủ. Họ tiếp tục cố thủ trong lều trại dựng tại quảng trường Tahrir và tuyên bố không rút lui cho đến khi ông Mubarak từ chức. Các nhân vật thuộc phe đối lập cho biết đàm phán với chính phủ không có mấy tiến triển. Tổ chức Anh em Hồi giáo (Muslim Brotherhood) còn nói sẽ từ bỏ đàm phán nếu yêu cầu của lực lượng biểu tình không được đáp ứng.

Việt Nam mong muốn tình hình Ai Cập sớm ổn định
Ngày 8/2, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về tình hình Ai Cập hiện nay, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nêu rõ: “Việt Nam quan tâm theo dõi những diễn biến gần đây tại Ai Cập và mong muốn tình hình Ai Cập sớm đi vào ổn định”.

Phóng viên TTXVN thường trú tại Ai Cập cho biết, các nhóm đối lập đang biểu tình tại quảng trường Tahrir đã lần đầu tiên thành lập một ban lãnh đạo thống nhất để đại diện cho họ.


Năm nhóm chính tham gia biểu tình gồm Phong trào 6/4, lực lượng thanh niên của Tổ chức Anh em Hồi giáo, nhóm ủng hộ ông Mohamed ElBaradei, Phong trào Tự do và Công bằng Thanh niên, và Đảng Mặt trận Dân chủ, đã chọn ra 10 người đại diện.

Trong một diễn biến có liên quan, cựu Bộ trưởng Nội vụ Ai Cập Habib el-Adli đã xuất hiện trước các công tố viên quân sự và có thể đối mặt với những cáo buộc về việc gây rối trong các cuộc biểu tình chống Tổng thống Mubarak.


Theo đó, ông Adli có thể bị buộc tội vì đã rút các lực lượng an ninh khỏi đường phố trong cuộc bạo loạn, ra lệnh bắn đạn thật vào người biểu tình và phóng thích các tù nhân. Sau các cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp Ai Cập ngày 28/1, các lực lượng an ninh đã đột ngột biến mất khỏi các đường phố, dẫn tới tình trạng cướp bóc và vô luật pháp suốt nhiều ngày.

Ngoài ra, chính phủ Ai Cập đã mở cuộc điều tra đối với một số nhân vật khác như các cựu Bộ trưởng Ahmed el-Maghrabi, Mohamed Rachid, Zuhair Garana và tỉ phú Ahmed Ezz. Những người này đều bị cấm xuất cảnh ra nước ngoài và bị phong tỏa tài khoản ngân hàng.

Giá dầu thô thế giới đã giảm trong bối cảnh chính phủ Ai Cập cố gắng “hạ nhiệt” cuộc khủng hoảng chính trị trong nước. Giá dầu phiên 8/2 đã rớt xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 1 tuần qua khi giới đầu tư cân nhắc khả năng bán dầu ra.


Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 3 tại thị trường Luân Đôn lúc 17 giờ 04 (giờ VN) giảm 19 xu, còn 87,29 USD/thùng. Tại thị trường New York lúc 20 giờ 30 (giờ VN), giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 3 giảm 1,21 USD, xuống 86,27 USD/thùng và giá dầu Brent giao cùng kỳ giảm 1,57 USD, xuống 97,68 USD/thùng.

Dù Ai Cập không phải là nước sản xuất dầu lớn nhưng quốc gia này có kênh đào Suez – tuyến đường lưu thông 2,4 triệu thùng dầu/ngày, ngang với sản lượng của Irắc.

Bùi Hoàn (P/v TTXVN tại Ai Cập) - Thùy Dương