12:09 01/12/2010

Khủng hoảng nợ công châu Âu: “Khối u” bắt đầu di căn?(Kỳ 3)

Khi “thảm họa tài chính” Ailen chưa giải quyết xong, kế hoạch chi tiết giải cứu “phép màu kinh tế” vẫn đang được EU, IMF và các bên liên quan bàn thảo, thì thông tin một số nước Eurozone và ECB đang hối thúc Bồ Đào Nha xin cứu trợ từ Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF) của EU và IMF loan đi.

Ngày 21/11 vừa qua, Ailen lại tiếp bước Hy Lạp, trở thành nước thứ 2 trong Liên minh châu Âu (EU) không thể tự cứu lấy mình trong cơn khủng hoảng nợ công. Nhưng chiếc “vòi bạch tuộc nợ công” vẫn chưa dừng lại, tiếp tục hoành hành và dường như việc nó nhấn chìm thêm một số “con thuyền kinh tế” châu Âu chỉ còn là vấn đề thời gian. Bản “danh sách Schindler nợ công” vì thế có thể sẽ tiếp tục dài ra với những cái tên như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia, Bỉ, qua đó đặt Eurozone nói riêng và EU nói chung trước những thách thức nghiêm trọng.


Kỳ 3: Nỗi ám ảnh mang tên Bồ Đào Nha


Khi “thảm họa tài chính” Ailen chưa giải quyết xong, kế hoạch chi tiết giải cứu “phép màu kinh tế” vẫn đang được EU, IMF và các bên liên quan bàn thảo, thì thông tin một số nước Eurozone và ECB đang hối thúc Bồ Đào Nha xin cứu trợ từ Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF) của EU và IMF loan đi. Ngay lập tức Thủ tướng Bồ Đào Nha Jose Socrates đăng đàn khẳng định, chính phủ đủ sức chi trả cho thị trường trái phiếu sau khi Quốc hội nước này đã thông qua kế hoạch ngân sách khắc khổ năm 2011 vào đầu tháng 11 vừa qua. Sau đó, người đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso cũng lên tiếng bác bỏ tin Bồ Đào Nha sẽ đứng cùng hàng với Ailen để tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ bên ngoài. 

Tuy nhiên, sự trấn an của các nhà lãnh đạo không đủ xoa dịu nỗi lo của các nhà đầu tư. Đành rằng ở Bồ Đào Nha, người ta không thấy hệ thống ngân hàng xuất hiện nhân tố khủng hoảng nghiêm trọng, bong bóng bất động sản cũng không tồn tại như ở Hy Lạp hay Ailen. Đồng thời, mức nợ công và thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha cũng thấp hơn Ailen. Dự kiến trong năm 2010, nợ công của Bồ Đào Nha tương đương 86% GDP và thâm hụt ngân sách của nước này vào khoảng 7,3% GDP. Nhưng nếu cộng cả nợ của các công ty và nợ của cá nhân, theo chuyên gia kinh tế Rui Barbara thuộc Ngân hàng Carragosa, nợ của Bồ Đào Nha sẽ tương đương 2,5 lần GDP, cao hơn cả Hy Lạp, gây áp lực lớn lên hệ thống ngân hàng.

Để trả nợ, như nhiều nước khác, Bồ Đào Nha phải huy động tiền. Nhưng cũng như Hy Lạp, Bồ Đào Nha đang gặp phải khó khăn rất lớn từ vấn đề tiết kiệm thấp. Trong khi ở một số nước phát triển khác như Italia, tỉ lệ tiết kiệm là 17,5% GDP, Pháp 19% và Đức 23%, với Hy Lạp, tỉ lệ tiết kiệm là 6% GDP và con số này với Bồ Đào Nha là 7,5% GDP. Tỉ lệ tiết kiệm trong nước thấp cũng có nghĩa thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha sẽ khó có thể được bù đắp bằng các nguồn vốn nội địa. Trong khi đó, ở Bồ Đào Nha, khả năng tăng thuế để có thêm tiền trả nợ cũng co hẹp vì chính phủ đã áp dụng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” từ trước.

Đồng thời, kênh huy động tiền từ nhà đầu tư nước ngoài ngày càng trở nên khó khăn do niềm tin vào nền kinh tế Bồ Đào Nha đã giảm sút nghiêm trọng. Kể từ khi gia nhập Eurozone, nền kinh tế Bồ Đào Nha luôn nằm trong tình trạng tăng trưởng thấp. Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha dự báo, năm 2010, GDP nước này sẽ chỉ tăng 0,9% sau khi đã giảm 2,7% vào năm 2009 và theo nhiều nhà kinh tế, năm 2011, Bồ Đào Nha sẽ rơi vào suy thoái do tác động của chương trình “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ.

Đó là chưa kể đến việc từ đầu năm tới nay, Chính phủ Bồ Đào Nha tỏ ra bất lực trong việc thực hiện cam kết cắt giảm thâm hụt ngân sách đang phình to. Theo thống kê của ngành tài chính nước này, từ tháng 1 đến tháng 9, tỉ lệ thâm hụt dự toán của chính quyền trung ương Bồ Đào Nha tăng 2,3%, đạt 12,7 tỉ USD.

Nỗi sợ hãi xung quanh vấn đề nợ của Bồ Đào Nhà cũng đã khiến chênh lệch lợi suất của các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (Credit Default Swaps - CDS) của Bồ Đào Nha liên tục lập kỉ lục. Ngày 11/11 vừa qua, lần đầu tiên CDS kì hạn 5 năm của Bồ Đào Nha vượt mốc 5%, đạt 5,05%. Và tới ngày 30/11, theo hãng tin Reuters của Anh, tỉ lệ này đã là 5,6%. Như vậy, để bảo hiểm cho 10 triệu USD nợ công của Bồ Đào Nha không rơi vào tình trạng vi phạm khế ước vay nợ trong 5 năm tới, người ta phải tốn thêm 55.000 USD/năm, từ khoảng 505.000 USD/năm lên 560.000 USD/năm. Nhưng quan trọng hơn là thực tế trên còn cho thấy kênh huy động vốn bằng phát hành trái phiếu của Bồ Đào Nha để trả nợ đang hẹp lại nhanh chóng.

Kết quả khảo sát mới đây của Reuters cho thấy, có tới 34 trong số 50 nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò tin rằng Bồ Đào Nha sẽ buộc phải theo chân Ailen trong việc xin cứu trợ. Còn theo nhà kinh tế Filipe Garcia thuộc Informacao de Mercados Financeiros (Bồ Đào Nha), dù có thể chưa xác định được trong năm nay, nhưng sang năm 2011 thì Bồ Đào Nha dường như khó có thể tránh khỏi xin cứu trợ. Nhận định này không phải không có cơ sở. Trước tiên là sang năm 2011, Bồ Đào Nha sẽ phải đối mặt với khoản nợ đáo hạn 25,6 tỉ euro, trong đó có 19,7 tỉ euro phải thanh toán trong 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, vào mùa xuân năm 2011, Bồ Đào Nha sẽ tiến hành tuyển cử, do đó tình hình chính trường của nước này từ nay đến khi lúc tuyển cử sẽ không có lợi cho việc tập trung giải quyết vấn đề nợ công, khiến nó sẽ trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, người Bồ Đào Nha sẽ cảm thấy phi lý khi phải trả lãi suất trái phiếu gần 7% và họ sẽ quay sang nhờ sự giúp đỡ từ bên ngoài mà cụ thể là EU và IMF. Rốt cục, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu có thể sẽ được mở rộng xuống phía Nam, đầu tiên là Hy Lạp, sau đó đến Ailen và tiếp tới là Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, điều mà mọi người lo sợ nhất lại là đối tác láng giềng của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)

Đón đọc kỳ 4: “Bò tót” trong cơn ác mộng