11:09 30/11/2010

Khủng hoảng nợ công châu Âu: “Khối u” bắt đầu di căn?(Kỳ 2)

Cho tới trung tuần tháng 11/2010, các quan chức Ailen vẫn khẳng định họ đã có đủ nguồn vốn để trang trải các khoản chi cho đến tháng 7/2011 và không cần phát hành thêm trái phiếu trong năm 2010 này.

Ngày 21/11 vừa qua, Ailen lại tiếp bước Hy Lạp, trở thành nước thứ 2 trong Liên minh châu Âu (EU) không thể tự cứu lấy mình trong cơn khủng hoảng nợ công. Nhưng chiếc “vòi bạch tuộc nợ công” vẫn chưa dừng lại, tiếp tục hoành hành và dường như việc nó nhấn chìm thêm một số “con thuyền kinh tế” châu Âu chỉ còn là vấn đề thời gian. Bản “danh sách Schindler nợ công” vì thế có thể sẽ tiếp tục dài ra với những cái tên như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia, Bỉ, qua đó đặt Eurozone nói riêng và EU nói chung trước những thách thức nghiêm trọng.


Kỳ 2: Sự sụp đổ của "phép màu kinh tế"

Cho tới trung tuần tháng 11/2010, các quan chức Ailen vẫn khẳng định họ đã có đủ nguồn vốn để trang trải các khoản chi cho đến tháng 7/2011 và không cần phát hành thêm trái phiếu trong năm 2010 này. Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính EU kết thúc vào ngày 17/11 vừa qua, một lần nữa đại diện Ailen bày tỏ thái độ kiên quyết không cần tới cứu trợ ở cấp quốc gia mà chỉ muốn sự cứu trợ được dành cho hệ thống nhà băng đang ngấp nghé bờ vực sụp đổ của nước này. Đối với Đablin, việc nhận giải cứu ở cấp quốc gia không chỉ tổn hại tới niềm tự hào dân tộc, làm suy giảm mạnh mẽ quyền lực của chính phủ, mà có thể sẽ buộc họ phải tăng thuế suất doanh nghiệp (hiện đang ở mức thấp nhất châu Âu, 12,5%) mà họ cho là sẽ khiến các nhà đầu tư nản lòng, do đó tiền thuế thu được sẽ sụt giảm. Nhưng chưa đầy 4 ngày sau, người đứng đầu chính phủ nước này, Thủ tướng Brian Cowen đã phải đề nghị EU và IMF ra tay cứu trợ.

Vốn từ lâu đã hạ quyết tâm cứu Ailen khi khủng hoảng còn trong giai đoạn manh nha, tránh nguy cơ lan rộng, EU và IMF nhanh chóng chấp nhận lời đề nghị của Ailen. Theo thông báo ngày 28/11 của Ủy viên phụ trách về kinh tế và tiền tệ EU, ông Olli Rehn, gói cứu trợ dành cho Ailen trị giá 85 tỉ euro, trong đó 35 tỉ euro dùng để cứu trợ ngành ngân hàng Ailen và 50 tỉ dùng để đáp ứng nhu cầu tài chính của chính phủ nước này. Tuy nhiên một số chuyên gia tài chính cho rằng, con số đó vẫn chưa đủ giúp Ailen giải quyết xong thảm họa tài chính. Ailen thực chất phải cần đến gói cứu trợ lên tới 130 tỉ euro mới có thể khắc phục được tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng (dự kiến năm 2010 có thể vượt ngưỡng 32% GDP, gấp hơn 10 lần mức cho phép của Eurozone, cao nhất trong các nước châu Âu kể từ Thế Chiến II) và vực dậy hệ thống ngân hàng yếu ớt.

Giống Hy Lạp, để nhận được gói cứu trợ của EU và IMF, Ailen cũng phải thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" tiết giảm chi tiêu, phúc lợi khắt khe. Chính gì thế, sau khi Thủ tướng Cowen tuyên bố tiếp nhận cứu trợ, các đảng đối lập và người dân Ailen đã rầm rộ phản đối, đặc biệt khi báo chí nước này đưa tin lãi suất bình quân của gói cứu trợ có thể lên tới 6,7%, cao hơn nhiều so với mức 5,2% của gói cứu trợ dành cho Hy Lạp. Đảng Xanh trong liên minh cầm quyền do Thủ tướng Cowen lãnh đạo cũng lên tiếng chỉ trích người đứng đầu chính quyền nước này đã "phản bội" và "đánh lạc hướng" dư luận khi từ bỏ lập trường trước đây và xin cứu trợ. Cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp đang gây ra những sóng gió chính trị đối với Thủ tướng Cowen, buộc ông phải đồng ý tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn. Tuyên bố giải tán Quốc hội có thể được Thủ tướng Cowen đưa ra vào đầu năm 2011 sau khi cơ quan lập pháp Ailen thông qua chương trình thắt chặt tài chính (dự kiến sẽ được đưa ra biểu quyết vào ngày 7/12 tới) mà theo đó tới cuối năm 2014, Ailen sẽ phải cắt giảm chi tiêu 15 tỉ euro để đưa tỉ lệ thâm hụt ngân sách về mức 3% GDP.

Cùng phải đối mặt với khủng hoảng nợ công nghiêm trọng, nhưng hoàn cảnh của Ailen lại hoàn toàn khác so với Hy Lạp. Tính đến năm 2007, nền kinh tế Ailen đã trải qua 15 năm phát triển mạnh mẽ với động lực tăng trưởng chủ yếu là ngành bất động sản. Khi đó, người ta đã mệnh danh Ailen là "con hổ Celtic" và sự tăng trưởng của Ailen là "phép màu kinh tế". Từ năm 2008, cùng với việc bong bóng bất động sản bị vỡ, các ngân hàng của Ailen phải đối mặt với những tổn thất cực lớn. Chính phủ Ailen buộc phải tuyên bố bảo lãnh cả hệ thống ngân hàng nước này. Nhưng vì số nợ quá lớn, nên đã gây ra tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng và dù có lần lữa thì cuối cùng Thủ tướng Cowen, không có cách nào khác, phải nhờ đến sự "tiếp máu" của EU và IMF.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ailen của Trung Quốc, ông Vương Lê Minh, khủng hoảng nợ công của Ailen chủ yếu thuộc nội bộ ngành ngân hàng. Về cơ bản, toàn bộ nền kinh tế của Ailen vẫn trong tình trạng tốt. Đó là chưa kể đến trợ lực từ việc Ailen thu hút được một lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài (bằng khoảng 80 lần của Hy Lạp). Vì vậy, sau khi thực hiện chính sách thắt chặt tài chính, tình hình tài chính của nước này có hy vọng quay trở về quỹ đạo trước đây. Tuy nhiên, nếu phân tích kĩ sẽ không khó phát hiện ra rằng dù nguyên nhân gây ra tình trạng khó khăn hiện nay của Hy Lạp và Ailen khác nhau, nhưng đều bộc lộ hai mâu thuẫn lớn mang tính kết cấu của nền kinh tế EU. Một là sự mất cân bằng về phát triển giữa các thành viên. Hai là sự rời rạc giữa chính sách tiền tệ thống nhất của Eurozone và việc mỗi nước có một chính sách tài chính riêng rẽ. Trong khi đó, việc giải quyết hai mâu thuẫn này không hề đơn giản. Có lẽ vì thế mà Thủ tướng Pháp Francois Fillon đã cảnh báo: "Cuộc khủng hoảng (nợ công châu Âu) chưa kết thúc. Nó đang tiếp tục phát triển".

Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)


Đón đọc kỳ 3: Nỗi ám ảnh mang tên "Bồ Đào Nha".