12:12 09/12/2022

Khủng hoảng năng lượng đang tạo ra bước ngoặt lịch sử, hỗ trợ chống biến đổi khí hậu

Công suất năng lượng tái tạo toàn cầu đã được thiết lập để tăng trưởng trong 5 năm tới, do giá nhiên liệu tăng cao và khủng hoảng khí hậu buộc các chính phủ phải từ bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Chú thích ảnh
Nhà máy điện Mặt trời tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một báo cáo mới được công bố, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo tốc độ triển khai năng lượng tái tạo sẽ tăng mạnh. Cơ quan này hy vọng rằng nguồn năng lượng xanh đó sẽ vượt qua than đá để trở thành nguồn điện lớn nhất toàn cầu vào đầu năm 2025.

Theo báo cáo, công suất năng lượng tái tạo toàn cầu hiện được dự kiến tăng thêm 2.400 gigawatt (GW) từ năm 2022 đến năm 2027, tương đương với toàn bộ công suất phát điện của Trung Quốc hiện nay. Mức tăng này đã cao hơn 30% so với dự báo của cơ quan có trụ sở tại Paris này hồi một năm trước.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết: “Năng lượng tái tạo vốn được mở rộng nhanh chóng, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay đã đẩy chúng vào một giai đoạn phát triển phi thường với tốc độ tăng trưởng thậm chí còn nhanh hơn khi các quốc gia tìm cách tận dụng lợi ích an ninh năng lượng của họ”.

Theo ông Birol, đây là một ví dụ rõ ràng về việc cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay có thể trở thành một bước ngoặt lịch sử, hướng tới một hệ thống năng lượng sạch hơn và an toàn hơn như thế nào. Việc tiếp tục tăng tốc phát triển của ngành năng lượng tái tạo đã được chứng minh là rất quan trọng để giúp duy trì khả năng hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Tình trạng giá cả của hầu hết các loại năng lượng, gồm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá, tăng vọt đã gây lạm phát trên toàn thế giới, đồng thời phản ánh rõ nét sự phụ thuộc quá mức của châu Âu vào nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ Nga.

Theo báo cáo của IEA, cuộc xung đột ở Ukraine là thời điểm mang tính quyết định đối với năng lượng tái tạo ở châu Âu, nơi các chính phủ và doanh nghiệp đang tranh giành tìm kiếm các giải pháp thay thế khí đốt của Nga. Theo các nhà phân tích, dòng khí đốt tự nhiên của Nga thông qua đường ống dẫn đến châu Âu hiện chỉ chạy bằng 20% so với mức trước khi xảy ra xung đột. 

Chú thích ảnh
"Cánh đồng cối xay gió" ở gần Palm Springs, California, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/ TTXVN

Báo cáo trên cho biết: “Lượng công suất điện tái tạo được bổ sung ở châu Âu trong giai đoạn 2022 - 2027 sẽ cao gấp đôi so với giai đoạn 5 năm trước đó, do sự kết hợp giữa các mối lo ngại về an ninh năng lượng và tham vọng khí hậu”.

Ngoài ra, cải cách chính sách và thị trường ở Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ cũng đang thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo tăng trưởng. Theo báo cáo của IEA, Trung Quốc dự kiến chiếm gần một nửa công suất năng lượng tái tạo toàn cầu mới được bổ sung trong giai đoạn năm 2022 - 2027.
Trong khi đó, Đạo luật giảm lạm phát của chính quyền Tổng thống Joe Biden được cho là sẽ thúc đẩy việc mở rộng năng lượng tái tạo ở Mỹ. 

Hầu hết sự tăng trưởng về năng lượng tái tạo sẽ đến từ các khoản đầu tư vào năng lượng Mặt trời và năng lượng gió. Sản xuất năng lượng Mặt trời toàn cầu sẽ tăng gần gấp ba lần trong 5 năm tới, với công suất gió toàn cầu tăng gần gấp đôi trong khoảng thời gian đó.

IEA cho biết nhìn chung, nguồn năng lượng gió và mặt trời sẽ chiếm hơn 90% công suất năng lượng tái tạo được bổ sung trong vòng 5 năm tới.

Xuân Chi/Báo Tin tức