09:11 21/09/2022

Khủng hoảng năng lượng có khiến châu Âu giảm hỗ trợ Ukraine?

Khủng hoảng năng lượng đang tác động nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực ở châu Âu. Câu hỏi lớn hiện nay là liệu cuộc khủng hoảng này có khiến châu Âu giảm hỗ trợ Ukraine hay không.

Chú thích ảnh
Công nhân làm việc tại trạm nén khí đốt Bulgartransgaz ở Ihtiman, Bulgaria, ngày 5/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang foreignpolicy.com, các nhà máy, doanh nghiệp và hộ gia đình trên khắp châu Âu đang phải trải qua những biến động lớn khi Nga giảm mạnh nguồn cung khí đốt tự nhiên. Từ đó, giá cả mọi thứ tăng vọt, gây ra cơn bão kinh tế nghiêm trọng mang tính thử thách tình đoàn kết của châu Âu trong xung đột ở Ukraine và làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái sắp xảy ra.

Giá năng lượng đã tăng gấp 10 lần so với mức trung bình trong suốt thập kỷ qua, khiến các ngành công nghiệp đình trệ và các hộ gia đình gặp khó khăn khi chi phí cho mọi thứ đều tăng nhanh.

Hậu quả của khủng hoảng năng lượng đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu phải hành động khẩn cấp, gấp rút thực hiện các biện pháp để kéo các loại giá cả xuống.

Liên minh châu Âu (EU) đang bàn tới biện pháp phân phối hạn chế khí đốt. Các quốc gia đang chạy đua để tìm nguồn thay thế khi Nga đã cắt 1/3 nguồn cung cấp cho châu Âu.

Ông Ben Cahill, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định: “Người dân đang phải trả tiền điện cao tới mức gây sốc. Các doanh nghiệp nhỏ đang vất vả với đủ loại chi phí. Việc này xảy ra trước cả khi mùa đông đến, vì vậy tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn”.

Từ công ty sản xuất nhôm sử dụng nhiều năng lượng đến các nhà sản xuất phân bón, các công ty trên khắp châu Âu đã buộc phải cắt giảm sản lượng hoặc thậm chí phá sản.

Để bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp trước khó khăn lớn, các chính phủ đã chi hàng trăm tỷ USD trợ cấp. Những khoản tiền trợ cấp khổng lồ này phản ánh tình trạng kinh tế nghiêm trọng của châu Âu và bản chất chưa từng có tiền lệ của cuộc khủng hoảng năng lượng.

Ông Alex Munton, chuyên gia thị trường khí đốt toàn cầu tại công ty tư vấn Rapidan Energy Group, nói: “Chúng ta đang trải qua những điều kiện thị trường không bình thường. Đây là những điều kiện rất khắc nghiệt. Tình hình hiện nay như một cuộc chiến năng lượng”.

Trong nhiều thập kỷ, Nga đã cung cấp một lượng lớn khí đốt tự nhiên giá hợp lý cho EU, nhưng mọi thứ đã thay đổi từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine mà EU là bên ủng hộ Ukraine. Cho đến nay, bất chấp những bất bình âm ỉ, các chính phủ châu Âu vẫn đang giữ vững lập trường. Ông Munton nói: “Các nước châu Âu sẽ chi tiền cho tới khi vượt qua cuộc xung đột mà họ đang trải qua”.

Ủy ban châu Âu đã đề xuất các biện pháp can thiệp khẩn cấp rộng rãi, mà theo đó sẽ chi khoảng 140 tỷ USD tiền thuế lợi nhuận năng lượng cho các doanh nghiệp và hộ gia đình gặp khó khăn.

Anh cũng đã công bố gói cứu trợ trị giá 46 tỷ USD, còn Thụy Điển công bố khoản chi hơn 20 tỷ USD để đảm bảo thanh khoản cho các công ty năng lượng đang gặp khó khăn.

Khi các công ty năng lượng của Đức bị đẩy đến bờ vực phá sản, Đức đang chuyển sang quốc hữu hóa ba tập đoàn khí đốt lớn. Đây là động thái can thiệp lịch sử giúp giải cứu các tập đoàn khỏi bờ vực phá sản. Thiệt hại kinh tế ngày càng tăng đã khiến các công ty này điêu đứng về mặt tài chính.

Trong khi đó, các chính phủ châu Âu phải đối mặt với các cuộc biểu tình của người dân giận dữ vì giá năng lượng tăng vọt, như ở Anh, Moldova, Đức, Áo và Italy.

Tại Praha (Séc), khoảng 70.000 người đã đổ ra đường vào đầu tháng 9 để phản đối giá năng lượng tăng cũng như yêu cầu chính phủ hành động mạnh hơn. Các cuộc biểu tình tương tự cũng nổ ra ở nhiều thành phố khác tại châu Âu.

Chú thích ảnh
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Walthamstow, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Khi sự giận dữ về chi phí năng lượng tăng vọt, thì tinh thần đoàn kết châu Âu suy yếu. Tình trạng này không hề tốt với EU và ảnh hưởng tới quá trình hỗ trợ liên tục mà châu Âu dành cho Ukraine. Ngay cả khi các nhà lãnh đạo tuyên bố công khai ủng hộ Ukraine, thì vẫn có những người biểu tình kêu gọi châu Âu trung lập hơn, ví dụ như người biểu tình ở Cộng hòa Séc. Điều này có thể là tiền đề gây ra rạn nứt tình đoàn kết trong tương lai.

Hungary, một thành viên của EU, đã chịu ảnh hưởng của Nga từ ngày đầu tiên. Đức đã miễn cưỡng ngay từ đầu. Các doanh nhân Italy gần đây đã tổ chức một cuộc biểu tình phản đối giá năng lượng cao và đổ lỗi cho EU về hoàn cảnh hiện nay.

Theo ông Cahill tại CSIS, các quốc gia châu Âu có thể phải đối mặt với một thử thách lớn về thống nhất chính trị nếu bất ổn tiếp tục gia tăng.

Ông nói: “Có thể xảy ra một tình huống mà người dân trở nên thực sự bất mãn và họ bắt đầu đổ lỗi cho các chính phủ về điều đó. Có thể các chính phủ sẽ bắt đầu đi theo con đường riêng và quan tâm đến lợi ích của chính họ. Duy trì tinh thần đoàn kết EU sẽ rất khó khăn”.

Khi mùa đông sắp đến, các quốc gia cho đến nay đã đạt được các mục tiêu đặt ra về tích trữ khí đốt, mặc dù vẫn chưa rõ liệu số lượng khí đốt đó có đủ để dùng qua mùa đông hay không.

Bà Helima Croft, Giám đốc điều hành tại RBC Capital Markets, cho biết: “Nếu đó là một mùa đông dễ chịu, thì việc sống mà không có khí đốt của Nga sẽ dễ dàng hơn. Mùa đông lạnh giá sẽ là một mùa đông bất mãn”.

Thùy Dương/Báo Tin tức