11:02 18/11/2021

Khủng hoảng di cư trầm trọng hơn ở biên giới Belarus-Ba Lan

Bạo lực đã bùng phát giữa người di cư ở phía lãnh thổ Belarus và lực lượng an ninh Ba Lan. Trong khi đó, các bên đang nỗ lực tìm cách giải quyết căng thẳng liên quan cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới hai nước.

Bạo lực bùng phát

Theo hãng tin Reuters, ngày 16/11, lực lượng an ninh Ba Lan đã phun vòi rồng để đáp trả sau khi người di cư ở phía Belarus ném đá qua hàng rào thép gai. Video do giới chức Ba Lan công bố cho thấy người di cư ném chai lọ, khúc gỗ qua biên giới, dùng mọi cách để vượt rào. Có 7 cảnh sát bị thương trong vụ đụng độ với người di cư.

Video lực lượng biên phòng Ba Lan dùng vòi rồng phun vào người di cư tìm cách vượt biên (Nguồn: RT):

Trong thời tiết lạnh giá, có tới 4.000 người di cư, phần lớn tới từ Iraq và Afghanistan đang chờ ở các khu rừng ven biên giới Ba Lan và cũng là biên giới ngoài của Liên minh châu Âu (EU) và Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Đã có ít nhất 8 người di cư thiệt mạng tại biên giới trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Một thanh niên Syria 19 tuổi mới được chôn cất ngày 16/11 ở làng Bohoniki ở phía đông bắc Ba Lan. Một cậu bé người Kurd 9 tuổi đã phải cắt bỏ hai chân khi bị mắc kẹt giữa vùng biên giới với rừng rậm, đầm lầy khi Ba Lan không cho người di cư vào, còn Belarus không cho họ quay đầu.

Chú thích ảnh
Người di cư tập trung tại Belarus, gần cửa khẩu ở Kuznica, phía Đông Ba Lan, ngày 11/11/2021. Ảnh: PAP/TTXVN

Bà Dunja Mijatovic, Ủy viên nhân quyền tại Hội đồng châu Âu, nhận định: “Chúng tôi có thể thấy mọi người đang phải chịu đựng nhiều nỗi khổ khi bị bỏ lại trong tình cảnh bấp bênh”. Sau khi tới thăm một trung tâm cứu trợ người di cư ở một thành phố Ban Lan gần biên giới, bà Mijatovic nói: “Chúng ta cần tìm cách giảm căng thẳng để đảm bảo tập trung ngăn chặn tình trạng này”.

Bà Marta Szymanderska thuộc Grupa Granica, liên minh các tổ chức phi chính phủ giúp giảm nhẹ khủng hoảng nhân đạo tại biên giới Belarus-Ba Lan, nói: “Việc Ba Lan sử dụng vũ lực là hoàn toàn không thể biện minh được vì có quy trình pháp lý để sử dụng ngay từ đầu”.

Chú thích ảnh
Cảnh sát Ba Lan được triển khai tại cửa khẩu ở Kuznica, khu vực biên giới với Belarus khi dòng người di cư đổ về đây, ngày 11/11/2021. Ảnh: PAP/TTXVN

Khu vực biên giới này đã bị áp đặt tình trạng khẩn cấp, có nghĩa là truyền thông và các tổ chức phi chính phủ không được tiếp cận để thu thập thông tin hay hỗ trợ nhân đạo.

Litva và Latvia, cũng là thành viên EU và NATO, đã ghi nhận số trường hợp tìm cách vượt biên từ Belarus tăng đột biến từ mùa hè.

Căng thẳng ngoại giao

Mối quan hệ giữa Belarus và EU đã xấu đi sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi năm 2020 mà ông Alexander Lukashenko giành chiến thắng. Sau bầu cử, Belarus đã xảy ra biểu tình và đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát. EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Belarus liên quan tình hình chính trị tại nước này. EU cáo buộc Belarus để cho dòng người di cư đến Belarus và vượt biên giới vào Ba Lan cũng như các nước thành viên khác trong khối này nhằm đáp trả trừng phạt.

Phía Belarus luôn bác bỏ, coi đây là cáo buộc vô căn cứ. Tổng thống Belarus Lukashenko cho rằng các nước phương Tây phải chịu trách nhiệm về những diễn biến này vì chính hành động can thiệp của những nước này đã khiến người dân tại nhiều quốc gia phải sơ tán do chiến tranh.

Chú thích ảnh
Ông Josep Borrell phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp với Ngoại trưởng các nước EU, ở Brussels, Bỉ, ngày 15/11. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 15/11, đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell thông báo ngoại trưởng các quốc gia thành viên EU đã nhất trí về đợt trừng phạt thứ 5 đối với Belarus liên quan cuộc khủng hoảng người di cư. Ông Borrell cũng cho biết các ngoại trưởng đã nhất trí mở rộng phạm vi trừng phạt và đầu tháng 12 tới có thể sẽ thông qua lần cuối các biện pháp trừng phạt. 

Quyền Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh EU sẽ tiếp tục phối hợp với các quốc gia có người di cư đang ở Belarus như Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, cũng như tiếp tục gia tăng sức ép đối với các hãng hàng không liên quan. Theo ông Maas, các hãng này có thể bị cấm sử dụng không phận và các sân bay của EU.

Chú thích ảnh
Người di cư Iraq mắc kẹt trong một cánh rừng gần Narewka thuộc Ba Lan, giáp giới với Belarus, ngày 9/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nước phương Tây cũng quan ngại việc Nga tăng cường hiện diện quân sự ở biên giới Ukraine. Tại Brussels, Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Pháp Florence Parly cho biết châu Âu đang theo dõi chặt chẽ cả tình hình biên giới Belarus-Ba Lan và hoạt động của Nga gần Ukraine.

Nga bác bỏ bình luận của Bộ Ngoại giao Mỹ rằng khủng hoảng di cư ở Belarus-Ba Lan là nhằm phân tán chú ý khỏi tình hình ở Ukraine.

Theo hãng thông tấn TASS của Nga, Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Lukashenko đã thảo luận vấn đề này ngày 16/11. 

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới Belarus - EU với vai trò trung gian. 

Thùy Dương/Báo Tin tức