01:10 18/01/2011

Khủng hoảng chính trị ở Tuynidi có nguy cơ lan rộng

Sau khi Tổng thống Tuynidi, Zine El Abidine Ben Ali, bị lật đổ và phải bỏ trốn ra nước ngoài hôm 15/1, căng thẳng chính trị vẫn tiếp diễn tại quốc gia châu Phi này.

Sau khi Tổng thống Tuynidi, Zine El Abidine Ben Ali, bị lật đổ và phải bỏ trốn ra nước ngoài hôm 15/1, căng thẳng chính trị vẫn tiếp diễn tại quốc gia châu Phi này.


Trong khi đó, chính phủ lâm thời vừa phải nỗ lực thiết lập lại trật tự xã hội vừa chuẩn bị ra mắt một chính phủ đoàn kết dân tộc mới trong ngày 17/1. Các nhà phân tích cho rằng, "trận động đất chính trị" này ở Tuynidi có thể là một “dịch bệnh” lây lan trong thế giới Arập.

Cảnh sát bắt giữ một người tham gia biểu tình ở thủ đô Tuynít ngày 17/1. Ảnh: AFP/TTXVN


Theo Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tiến bộ (PDP) Tuynidi, bà Maya Jribi, chính phủ mới gồm có đại diện của Phong trào Đổi mới (Ettajdid), PDP, Mặt trận Dân chủ vì Người lao động và Tự do cùng một số nhân vật độc lập khác.


Trong thành phần chính phủ mới sẽ không có bất cứ phe phái nào thân với cựu Tổng thống Ben Ali.

Trong khi đó, quân đội Tuynidi vẫn giao tranh với các thành viên lực lượng bảo vệ tổng thống ở khu vực ngoại ô Carthage và khu vực phía bắc trung tâm thủ đô Tuynít trong giờ giới nghiêm.


Quân đội cho biết, hai tay súng đã bị bắn chết gần Bộ Nội vụ, hai người đã bị bắt và 8 người khác bị thương. Thủ tướng Mohammed Ghanouchi cam kết không dung thứ những kẻ đe doạ an ninh quốc gia. Trước đó, chính quyền đã bắt giữ cựu chỉ huy lực lượng bảo vệ ông Ben Ali vì cho rằng người này có âm mưu chống lại quốc gia. Ngoài ra, cháu trai của ông Ben Ali, Kais Ben Ali, cũng bị bắt cùng hơn 50 người khác ở trung tâm thành phố Msaken vì tội bắn bừa bãi vào xe cảnh sát.

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Tuynidi đã khiến thế giới các nước Arập chấn động, đánh dấu sự kiện lần đầu tiên có một lãnh đạo Arập bị lật đổ do biểu tình.


Cũng giống như người Tuynidi, người Arập nói chung ngày càng bức xúc trước tình hình giá cả leo thang, nghèo đói, thất nghiệp tràn lan… Giới phân tích cho rằng, sau khi chứng kiến những gì diễn ra ở Tuynidi trên các phương tiện truyền thông, nhiều người Arập cũng đã nghĩ tới khả năng những điều tương tự sẽ xảy ra ở đất nước mình. Các nước Bắc Phi từ Marốc tới Ai Cập, cộng với Gioócđani và Xiri, là những nước có khả năng nối gót Tuynidi nhất.

Tại Angiêri, trong những ngày qua, bạo loạn cũng liên tiếp xảy ra do giá cả leo thang. Đã có 4 người thực hiện các vụ tự thiêu bắt chước hành động của một thanh niên 26 tuổi ở Tuynidi - sự kiện châm ngòi cho bạo loạn lật đổ ông Ben Ali. Để xoa dịu tình hình, chính phủ đã phải giảm giá đường và dầu ăn.

Một số nước khác như Gioócđani và Libi - hai trong số những quốc gia nằm trong danh sách có thể rơi vào khủng hoảng kiểu Tuynidi - đã bắt đầu có những hành động nhằm ngăn đà tăng giá cả. Ai Cập có thể cũng sẽ cân nhắc lại các kế hoạch giảm trợ cấp.

Trong bối cảnh đó, ông Mohammed al-Qahtani, một nhà hoạt động xã hội tại thủ đô Riiát của Arập Xêút, cho rằng các nhà lãnh đạo Arập sẽ phải cố gắng nới lỏng chế độ của mình bằng cách tạo thêm nhiều việc làm, đầu tư thêm cho giáo dục, trao thêm tự do cho công dân… Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ai Cập, Ahmed Abul Gheit, loại bỏ khả năng bạo loạn lan tới các quốc gia Arập khác.

Thùy Dương (tổng hợp)