02:09 16/02/2011

Khủng hoảng Bắc Phi và chính sách đối ngoại của Mỹ

Theo báo "Bưu điện quốc gia" (Canađa) ngày 14/2, làn sóng biểu tình tại Trung Đông và Bắc Phi trong những tuần qua vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đặc biệt là sau khi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak buộc phải từ chức hôm 12/2 dưới sức ép của những người biểu tình.

Theo báo "Bưu điện quốc gia" (Canađa) ngày 14/2, làn sóng biểu tình tại Trung Đông và Bắc Phi trong những tuần qua vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đặc biệt là sau khi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak buộc phải từ chức hôm 12/2 dưới sức ép của những người biểu tình.


Việc không còn Tổng thống Mubarak như là một đối tác ngoại giao tại Trung Đông có thể buộc Mỹ phải cân nhắc lại một cách nghiêm túc chính sách ngoại giao trong khu vực. Các cuộc biểu tình lan rộng có thể gây ra một nguy cơ nghiêm trọng hơn đối với chiến lược của Oasinhtơn.

Ngày 14/2, cảnh sát chống bạo động tại Baranh đã tấn công hàng trăm người biểu tình bằng hơi cay và đạn cao su. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình tại Baranh không hoàn toàn giống các cuộc biểu tình khác đang làm rung chuyển thế giới Arập trong những tuần vừa qua.

Cảnh sát chống bạo động triển khai để đối phó với các cuộc biểu tình ở thủ đô Algiers.


Đây là các cuộc biểu tình của đa số người dân theo dòng Shi'ite chống lại một Quốc vương thuộc gia tộc al-Khalifa theo dòng Sunni, với lý do những người Shi'ite - chiếm khoảng 60-70% dân số Baranh - không được quyền tham gia tuyển dụng vào nhiều vị trí công chức, và các dịch vụ công cộng tại các ngôi làng của người Shi'ite thường không đáp ứng được tiêu chuẩn của những dịch vụ tương tự tại các ngôi làng của người Sunni láng giềng.

Tranh cãi mới nhất giữa những người Shi'ite và chính phủ diễn ra trước các cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 9/2010. Lúc đó, khoảng 160 người Shi'ite đã bị bắt, trong đó có 23 nhà lãnh đạo chính trị Shi'ite bị cáo buộc âm mưu lật đổ chế độ al-Khalifa. Mặc dù khối đối lập lớn nhất Baranh là Al Wefaq đã tăng được số ghế của họ tại Hạ viện lên 18 ghế trong cuộc bầu cử này, song họ không giành được đa số. Hơn nữa, Thượng viện Baranh - với những thành viên do Quốc vương trực tiếp bổ nhiệm - vẫn là công cụ chính trị để hạn chế ảnh hưởng của người Shi'ite.

Tranh cãi này, cùng với các cuộc nổi dậy trong khu vực đã dẫn đến việc lật đổ Tổng thống Tuynidi Zine El Abidine Ben Ali ngày 14/1 và sự từ chức của ông Mubarak, là cái cớ dẫn đến các cuộc biểu tình hiện nay ở Baranh. Do lo sợ những gì đã xảy ra tại Ai Cập và Tuynidi có thể cũng diễn ra tại Baranh, chính quyền al-Khalifa đã có một số biện pháp phòng ngừa. Quốc vương Hamad đã ra lệnh phân phát cho mỗi gia đình Baranh 2.650 USD hôm 11/2 và chính phủ hứa sẽ cải cách truyền thông như yêu cầu của người Shi'ite.

Trong khi đó, Mỹ vẫn đang giám sát chặt chẽ tình hình tại quốc gia nhỏ bé này, hiện là nền tảng trong chiến lược của Mỹ nhằm hạn chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Nếu Baranh phải trải qua một tiến trình chuyển tiếp như ở Ai Cập, điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với chính sách đối ngoại của Mỹ. Baranh hiện là nơi đóng quân của Hạm đội 5, cho phép Mỹ triển khai 15 tàu chiến, trong đó có một nhóm tàu sân bay ngay giữa trung tâm Vịnh Pécxích. Việc quốc đảo này nằm ở ngoài khơi Arập Xêút đã tạo cho Oasinhtơn một căn cứ hoàn hảo, giúp Mỹ có thể bảo vệ dòng dầu trong Vịnh Pécxích, để mắt đến Iran và hỗ trợ các vương quốc vùng Vịnh ủng hộ phương Tây trước những nguy cơ tiềm tàng.

Nếu Oasinhtơn bị mất quyền đóng quân tại Baranh, Hải quân Mỹ sẽ khó khăn hơn trong việc đe dọa Iran, ủng hộ Irắc, củng cố Arập Xêút hay áp đặt lệnh trừng phạt quốc tế đối với chương trình hạt nhân của Iran. Mặc dù các cuộc khủng hoảng tại Baranh có thể không đe dọa đến chính phủ cầm quyền, song sự nổi dậy của những người Shi'ite tại Baranh, nếu kéo dài và căng thẳng, có thể có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến cán cân quyền lực khu vực.

Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)