01:09 16/01/2015

Khủng bố ảnh hưởng tới kinh tế Pháp như thế nào ?

Nước Pháp đã xử lý một cách nhanh chóng và gọn các cuộc khủng bố và bắt cóc con tin giữa tuần qua, không gây tâm lý hoảng loạn cho người dân.

Nước Pháp đã xử lý một cách nhanh chóng và gọn các cuộc khủng bố và bắt cóc con tin giữa tuần qua, không gây tâm lý hoảng loạn cho thủ đô và toàn bộ đất nước, tuy nhiên ảnh hưởng của chúng đến lĩnh vực kinh tế không hề nhỏ.

Trong gần năm ngày sau vụ tấn công khủng bố và bắt cóc con tin tại Paris và vùng phụ cận, nước Pháp có cảm giác như đang nín thở, trước khi vùng dậy mạnh mẽ trong cuộc tuần hành lịch sử ngày chủ nhật vừa qua.

Mặc dù nhịp độ có chậm lại, nước Pháp vẫn tiếp tục nhịp sống gần như bình thường, các cửa hàng vẫn mở, khu trượt tuyết và các công viên giải trí vẫn đón khách…, mặc dù phải chứng kiến sự hiện diện nhiều hơn của cảnh sát và quân đội.

Các trung tâm thương mại là nạn nhân kinh tế lớn của các vụ khủng bố Paris.


Tâm lý không hoảng loạn có thể quan sát trên thị trường chứng khoán, hàn thử biểu của nền kinh tế. Chỉ số chứng khoán Pháp CAC - 40 tương đối ổn định, thậm chí trong ngày thứ tư và thứ năm tuần trước, chứng khoán Pháp còn tăng 4%, trước khi điều chỉnh nhẹ mấy ngày sau.

Điều này cho thấy giới đầu tư không cho rằng các vụ tấn công man rợ có khả năng ảnh hưởng về dài hạn tới kinh tế vĩ mô.

Trung tâm thương mại chịu thiệt

Vụ tấn công vào tòa soạn báo Charlie Hebdo đã diễn ra vào dịp đặc biệt: ngày bắt đầu của đợt bán hàng giảm giá lớn nhất trong năm tại Pháp và cũng là mùa hy vọng của cả người dân và giới kinh doanh. Theo thông lệ hàng năm, các cửa hàng chuẩn bị đầy đủ để đón lượng khách khổng lồ. Năm nay, chính phủ quyết định kéo dài mùa giảm giá thêm một tuần so với các năm trước, tăng lên thành 6 tuần để kích cầu.

Ngay trong buổi sáng sớm ngày 7/1, truyền hình Pháp đã chiếu đi chiếu lại cảnh hàng dòng người xếp hàng chờ trước cửa các cửa hàng lớn, chuẩn bị “tấn công” các gian hàng ưa thích. Như một phản ứng tự nhiên, các vụ xả súng giữa trung tâm Paris đã khiến cho nhiều người dân Pháp e ngại, tránh tới những địa điểm đông người.

Theo thống kê sơ bộ của hãng phân tích thị trường Toluna, lượng khách tới các cửa hàng ở Paris và vùng phụ cận giảm tới 10% trong hai ngày nghỉ cuối tuần so với năm trước. Tâm lý chờ đợi cộng với cuộc tuần hành khổng lồ thu hút sự tham gia của gần 4 triệu người dân trên khắp nước Pháp đã tác động mạnh tới cơn sốt mua sắm.

Bất chấp giá mua sắm giảm khá mạnh, nhiều sản phẩm giảm ngay tới 70% ngay trong ngày đầu tiên và phổ biến ở mức 50% hay 40%, chưa đến một nửa số người Pháp (48,9%) đi mua sắm, thấp hơn khoảng 4% so với vụ giảm giá mùa đông 2014. Ngay cả trên mạng internet, số giao dịch cũng giảm tới 18% trong hai ngày giảm giá đầu tiên.

“Với sự xúc động và cảm giác lo ngại nhất định, người dân Pháp đã đặt trách nhiệm và ý thức công dân lên cao hơn tâm lý mua sắm”, ông Philippe Guibert, chuyên gia của Toluna nói.


Có thể đó chỉ là tâm lý tạm thời vì người ta có thể sẽ đổ đến cửa hàng trong những ngày còn lại. “Những tuần tới sẽ giải đáp câu hỏi khách hàng sẽ mua sắm bù lại hay không và địa điểm nào sẽ được ưu tiên lựa chọn”, ông Philippe Guibert nói. Nhưng theo Gilles Bennejean, chủ tịch tập đoàn phân phối đồ trang sức Cléor, sau khi chứng kiến lượng bán hàng giảm tới 15% trong bốn ngày đầu tiên, hy vọng đuổi kịp doanh số dường như rất khó khả thi.

Thực tế, hàng loạt trung tâm thương mại lớn như Galeries Lafayettes, chuyên bán sản phẩm thời trang của các thương hiệu lớn hay Cdiscount, trang web bán hàng trên mạng lớn nhất của Pháp, đã nhanh chóng tiến hành đợt giảm giá thứ hai với mức chiết khấu cao hơn, nhiều sản phẩm giảm giá hơn, sớm hơn so với các năm trước.

Du lịch vẫn đứng vững

Tuy nhiên, bất chấp mối đe dọa an ninh, một dịch vụ lẽ ra sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên thì vẫn đứng vững, đó là du lịch. Thông thường, giai đoạn sau Noel và Tết Dương lịch không phải là mùa cao điểm. Theo lãnh đạo một công ty tổ chức tua tham quan thép Eiffel, ngành du lịch Pháp “đã trả lời đầy đủ và đúng mức lo ngại của một số du khách nước ngoài”, do đó ảnh hưởng của mối đe dọa này tương đối hạn chế. Nhận xét này cũng được nhiều khách sạn tại Paris chia sẻ.

Phát biểu trên báo Le Figaro, ông Jean-Pierre Mas, chủ tịch Hiệp hội các hãng kinh doanh du lịch chuyên nghiệp (SNAV) cho biết “không thấy có dấu hiệu hủy hay hoãn đặt chỗ ồ ạt, hay có nhưng với tỷ lệ rất thấp” các tua tới Pháp mấy ngày gần đây. “Điều đó không có nghĩa vụ khủng bố không gây ra tác động trong dài hạn, nhưng trước mắt ảnh hưởng của nó rất nhỏ”.

Paris chỉ chứng kiến hai ba ngày sống trong cú sốc và các vụ tấn công không nhằm vào các tụ điểm du lịch lớn. “Phản ứng và thái độ của các cơ quan an ninh hết sức điềm tĩnh, gây được cảm tình lớn và làm đẹp thêm hình ảnh của nước Pháp. Trong con mắt của thế giới, Pháp vẫn là đất nước khá an toàn”, Jean-Pierre Mas nhận xét.

Thực tế, giới phân tích cho rằng du khách quốc tế có chung cảm nhận rằng nguy cơ khủng bố luôn luôn hiện diện không chỉ ở Paris, mà hầu hết các thành phố lớn châu Âu, từ Madrid, Barcelona cho đến London, hay Boston.

Ngân sách công chịu sức ép lớn


Chính phủ Pháp chắc chắn sẽ chịu thiệt hại tài chính khá lớn. Việc triển khai đông đảo toàn bộ lực lượng cảnh sát, hiến binh và gần 10.000 quân nhân để bảo đảm an ninh trong những ngày qua chắc chắn sẽ tốn một khoản không nhỏ. Bộ Nội vụ đã thông báo sẽ yêu cầu tăng ngân sách cho năm tài chính 2015.

Các cơ quan an ninh Pháp sẽ mua thêm xe ô tô tuần tra và phương tiện liên lạc mới. Theo dự toán, ngân sách đầu tư sẽ tăng thêm khoảng 41 triệu euro, tức 4,1% so với năm 2014. Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve đã hứa sẽ tăng ngân sách dành cho hệ thống thông tin và liên lạc của các lực lượng an ninh, dự kiến khoảng 100 triệu euro.

Từ cuối tháng 9, ông cũng đã nêu khả năng đầu tư bổ sung cho Tổng cục an ninh nội địa (DGSI) chịu trách nhiệm về chống khủng bố. Trong nhiệm kỳ tổng thống trước, toàn bộ các cơ quan an ninh Pháp đã giảm biên chế tới 13.000 người. Nay tiến trình này có thể sẽ phải xem lại. Trong số ngân sách dành cho Bộ Nội vụ lên tới 9 tỷ euro, tới 8 tỷ chi cho lương và trợ cấp, trong khi ngân sách hoạt động giảm đáng kể .

Ngân sách quốc phòng của Pháp cũng bị thu hẹp trong mấy năm gần đây do tác động của khủng hoảng tài chính và tái cơ cấu kinh tế. Trong bài phát biểu chúc mừng năm mới quân đội ngày 14/1, Tổng thống François Hollande tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì mức hiện nay, khoảng 31,4 tỷ euro. “Tình hình đặc biệt mà chúng ta biết hiện nay sẽ phải dẫn tới việc xem xét lại nhịp độ cắt giảm biên chế đã được dự kiến cho ba năm tới trong khuôn khổ Luật chương trình quân sự”. 

Tổng thống Pháp cũng cho biết đã yêu cầu Bộ trưởng quốc phòng Jean-Yves Le Drian chuẩn bị các đề xuất cụ thể từ nay đến cuối tuần và ông sẽ đưa ra quyết định liên quan sau cuộc họp Hội đồng quốc phòng diễn ra giữa tuần tới. Hiện nay, quân đội Pháp đang bị kéo khá căng và lần đầu tiên quân số triển khai cho hoạt động trong nước (gần 10.000 quân) cao hơn quân số trực tiếp tham chiến ở nước ngoài (9.000).

Điều đáng nói là mấy năm nay, Pháp đã thâm hụt ngân sách và liên tục bị Liên minh châu Âu “thổi còi”. Cho tới nay vẫn khó xác định ảnh hưởng của khủng bố tới ngân sách công của Pháp. Theo một phân tích của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OCDE) đưa ra năm 2002, chi phí của Mỹ chi cho lĩnh vực quốc phòng và an ninh đã “đe dọa sự ổn định ngân sách”.

Một lĩnh vực được hưởng lợi từ vụ khủng bố là các phương tiện thông tin đại chúng. Các kênh truyền hình phát sóng liên tục đã chứng kiến lượng khán giả theo dõi tăng chóng mặt. Hai kênh thời sự lớn nhất của Pháp là BFMTV và iTélé đã thu hút số khán giả cao kỷ lục theo dõi các chương trình truyền hình trực tiếp diễn biến tại hiện trường sau hai vụ khủng bố và vụ giải cứu con tin, mặc dù chỉ được phép quay hình từ khoảng cách rất xa do lực lượng chức năng phong tỏa địa điểm chặt chẽ.

Lượng khán giả của BFMTV tăng gấp bốn, trong khi iTélé, kênh đầu tiên đưa tin về vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo, lần đầu tiên vượt ngưỡng tượng trưng 10% thị phần. Chủ nhật vừa qua, hơn 9 triệu người đã ngồi trước màn hình theo dõi cuộc tuần hành tại Paris, được hầu hết kênh lớn phát trực tiếp.

Thế nhưng chưa biết số khán giả đông đảo như vậy có mang lại lợi ích tài chính hay không, vì để phát sóng trực tiếp liên tục, truyền hình Pháp đã phải thay đổi hoàn toàn chương trình và không ngần ngại bỏ nhiều phần quảng cáo. Điều này khiến họ thiệt hại khoảng từ 250.000 đến 1 triệu euro.

Các dịch vụ bảo vệ an ninh bất ngờ phát đạt hơn. Mặc dù tình hình an ninh chưa phải quá phức tạp và không nhất thiết phải tăng cường nhưng các công ty trong lĩnh vực này đã chứng kiến đơn đặt hàng tăng mạnh. Ông Olivier Duran, phát ngôn viên của Hiệp hội doan nghiệp an ninh Pháp (SNES), cho biết “Trong vòng 24 giờ sau các vụ tấn công, lương đơn đặt hàng khá lớn, tuy nhiên sau đó dần dần giảm”.

Khách hàng đông nhất là các doanh nghiệp phải đón lượng công chúng đông, như trung tâm thương mại, cửa hàng lớn hay công viên giải trí. Đây là một khoản chi khá lớn cho các công ty này, vì chi phí trung bình cho một bảo vệ trong một giờ dao động từ 21 đến 24 euro, tức từ 500 đến 600 euro/ngày.


Bài và ảnh: Tiến Nhất