11:07 01/11/2020

'Khúc quanh' trên thị trường lao động Mỹ

Sau hơn nửa năm gồng mình chống chọi đại dịch COVID-19 thị trường việc làm Mỹ đã bắt đầu tìm thấy "ánh sáng cuối đường hầm" khi tỷ lệ thất nghiệp giảm dần, doanh nghiệp mở cửa trở lại và tăng cường tuyển dụng lao động... Tuy nhiên, sự trồi sụt trên thị trường cho thấy nền kinh tế Mỹ còn phải khá lâu nữa mới tới giai đoạn phục hồi ổn định.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ phỏng vấn xin việc bên ngoài một công ty ở Arlington, bang Virginia (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Sự phục hồi mong manh

Báo cáo mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp giảm, nhưng tốc độ tuyển dụng cũng giảm theo, nhiều người Mỹ mất việc tạm thời thì nay lại thất nghiệp dài hạn. Trong tháng 9/2020 các doanh nghiệp tại Mỹ đã tạo được 661.000 việc làm, qua đó cho thấy thị trường lao động nước này tiếp tục phục hồi từ khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra. Các nhà tuyển dụng tiếp tục tuyển người lại, nhưng tốc độ tuyển dụng sau khi mở cửa trở lại hoạt động kinh doanh đã giảm tốc so với đầu mùa Hè. 

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, có 11,4 triệu việc làm được tạo ra, phần nào bù đắp lại 22 triệu việc làm bị mất trong tháng Ba và Tư. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng việc làm đang hạ nhiệt. 

Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 7,9% vào tháng 9/2020, từ mức 8,4% của tháng 8/2020. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh so với mức đỉnh gần 15% tháng 4/2020, song số người bị sa thải vĩnh viễn tăng. Nhiều người đang từ bỏ tìm việc do nhu cầu tuyển dụng ít hoặc trách nhiệm chăm sóc con cái. Ngoài ra, tình trạng sa thải vĩnh viễn vẫn cao so với mức đỉnh trước đại dịch COVID-19 vì bất ổn vẫn còn.

Vào tháng 4/2020, tháng mất việc nghiêm trọng nhất trong thời kỳ suy thoái hiện nay, 88% người mất việc cho biết họ bị sa thải tạm thời, nghĩa là họ dự kiến sẽ trở lại vai trò cũ trong vòng 6 tháng. Nhưng vào tháng 9/2020, tỷ lệ những người lạc quan như vậy chỉ còn 51%.

Trong khi đó, số công nhân coi việc sa thải của họ là vĩnh viễn tăng lên 3,8 triệu trong tháng 9/2020 từ mức 2 triệu vào tháng 4/2020. Nhiều người đang vật lộn để tìm công việc khác. Tháng trước, 58% người thất nghiệp đã mất việc ít nhất 3 tháng, bao gồm 19% nghỉ việc ít nhất 6 tháng, và những người được coi là thất nghiệp dài hạn.

Các nhà tuyển dụng Mỹ thông báo cắt giảm gần 2 triệu việc làm trong năm nay và COVID-19 là lý do cho hơn một nửa số việc làm bị cắt giảm này.

Báo chí Mỹ nhận định thị trường lao động Mỹ mới chỉ tạm thời giảm nhiệt và nguy cơ gia tăng trở lại vẫn còn rất cao. Theo Thời báo New York, đại dịch COVID-19 kéo dài đang khiến lượng lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ lâm vào tình cảnh kiệt quệ và buộc phải đóng cửa vĩnh viễn. Điều này sẽ càng đặt thêm gánh nặng lên thị trường lao động Mỹ vốn vẫn còn đang rất mong manh.

Theo giới chuyên gia, tốc độ phục hồi việc làm cho thấy sẽ mất nhiều năm, chứ không phải tháng hay quý để phục hồi hoàn toàn. Nhà kinh tế trưởng Beth Ann Bovino từ S&P Global Ratings cho rằng đại dịch càng kéo dài là một lý do khiến tình trạng mất việc tạm thời trở nên vĩnh viễn. Trong cuộc suy thoái 2007-2009, "mọi người đã phải mất một thời gian dài để quay lại công việc", điều có thể ảnh hưởng đến lòng tin và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng. Bà nói thêm: "Thất nghiệp kéo dài đi kèm với một sự kỳ thị. Các doanh nghiệp nghi ngờ rằng phải có vấn đề gì đó xảy ra với những người không có việc làm trong sáu tháng". Theo bà, "sẽ khó hơn nhiều để phục hồi lực lượng lao động trong một nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi chậm và kéo dài. Rất nhiều doanh nghiệp, nơi những người lao động mất việc làm, giờ đã biến mất".

Dù đã giảm liên tục trong 4 tháng qua song số người thất nghiệp ở Mỹ vẫn ở mức đáng lo ngại. Đó là lý do vì sao hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn đang đàm phán về kế hoạch chi tiêu thêm từ 1.300 - 2.200 tỷ USD để hỗ trợ người lao động, các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Tác động tới cuộc đua vào Nhà Trắng

Tình hình việc làm và thực trạng nền kinh tế đã được hai ứng viên tổng thống Mỹ viện dẫn trong các cuộc so găng nảy lửa trên đường đua vào Nhà Trắng năm nay.

Trong khi Tổng thống Donald Trump coi tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm xuống một chữ số là "điểm cộng" khiến ông là lựa chọn tốt hơn với cử tri Mỹ, thì ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden lại xoáy vào việc số việc làm tăng ít hơn và khoảng cách chênh lệch giữa các nhóm sắc tộc nêu trong báo cáo của Bộ Lao động (người da trắng tìm được việc nhiều hơn người da màu) để chỉ trích năng lực điều hành kinh tế của đương kim tổng thống.

Trong khi đó, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, những cử tri bất mãn vì triển vọng việc làm ngày càng xấu đi ở các bang có nhiều nhà máy sản xuất thép, máy móc và ô tô có thể làm giảm cơ hội tái đắc cử của ông Trump. Cách đây 4 năm, những bang như Michigan, Wisconsin và Pennsylvania vốn là những bang theo đảng Dân chủ đã quay sang ủng hộ ông Trump, giúp ông thắng bà Hillary Clinton bằng phiếu đại cử tri. Năm nay, các bang này rất có thể sẽ quay lại ủng hộ ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden.

Dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, ngành sản xuất của Mỹ đã mất 170.000 việc làm. Từ trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, tiền lương trung bình theo giờ của công nhân ngành sản xuất Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010.

Về phần mình ứng viên Biden hứa hẹn công bố kế hoạch để tạo ra hàng triệu công việc có thu nhập tốt, đồng thời nhấn mạnh "khi chúng ta tiêu tiền thuế của người Mỹ, chúng ta nên sử dụng nó để mua các sản phẩm Mỹ và hỗ trợ việc làm cho người Mỹ".

Đại dịch COVID-19 đã khiến kinh tế Mỹ trải qua quý II tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước, Kết quả khảo sát mới nhất của Viện Gallup cho thấy 89% cử tri Mỹ coi kinh tế, trong đó có việc làm, là mối lo hàng đầu hiện nay.

Theo Giáo sư W Joseph Campbell của Đại học Mỹ, trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, cử tri thực sự mong muốn sẽ bầu được vị tổng thống có khả năng giải quyết vấn đề kinh tế, đồng thời cũng quyết đoán trong việc đẩy lùi đại dịch COVID-19 mà cả thế giới đang chật vật đối phó.

H.Hà (TTXVN)