11:11 04/11/2014

Khu vực đồng Euro: Vấn đề kinh tế lớn nhất của thế giới

Sự giảm phát của khu vực đồng euro đang cận kề và rất nguy hiểm.

Sự giảm phát của khu vực đồng euro đang cận kề và rất nguy hiểm.

Kinh tế thế giới đang trong tình trạng bấp bênh. Những tin tức từ Mỹ và Anh là khá tốt, nhưng nền kinh tế của Nhật Bản lại đang chật vật và tăng trưởng của Trung Quốc hiện nay đã thấp hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 2009. Những nguy hiểm không thể dự đoán đối với nền kinh tế là rất nhiều, đặc biệt là đại dịch Ebola bùng phát đã khiến hàng nghìn người Tây Phi thiệt mạng và gây ra sự lo lắng đối với bên ngoài. Nhưng mối đe dọa kinh tế lớn nhất, lại đến từ lục địa già - châu Âu.

Hiện nay, nền kinh tế của Đức đang có dấu hiệu chững lại, khu vực đồng euro đang có nguy cơ rơi vào tình trạng suy thoái lần 3 trong vòng 6 năm qua. Với sự ủng hộ của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Mario Draghi, các nhà lãnh đạo của châu Âu đã phí phạm 2 năm trì hoãn để làm “bất cứ điều gì có thể” nhằm cứu vãn đồng tiền chung. Pháp và Italy đã né tránh những cải cách về mặt cấu trúc, trong khi Đức lại khăng khăng về việc thực hiện chính sách quá khắc khổ. Tỷ lệ lạm phát chung của đồng euro đã giảm xuống 0,3% và có thể xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm tới. Một khu vực mà tạo ra gần 1/5 lượng hàng hóa của thế giới đang có nguy cơ bị đình đốn và giảm phát.

Khu vực đồng euro đang có nguy cơ rơi vào tình trạng suy thoái lần 3 trong vòng 6 năm qua.


Những người lạc quan, cả ở trong và ngoài Châu Âu, thường lấy Nhật Bản làm ví dụ. Nước này rơi vào tình trạng giảm phát trong những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ 20, mặc dù có những hậu quả xấu nhưng không phải là hoàn toàn tuyệt vọng đối với cả Nhật Bản và nền kinh tế thế giới. Nhưng khu vực đồng euro đặt ra các nguy cơ lớn hơn nhiều. Không giống như Nhật Bản, khu vực đồng euro không phải là một trường hợp bị cô lập: từ Trung Quốc cho tới Mỹ, lạm phát thấp một cách đáng lo ngại và đang tiếp tục giảm. Và, cũng không giống như Nhật Bản, vốn là một xã đội đồng nhất, có sức chịu đựng cao, khu vực đồng euro không có khả năng gắn kết với nhau thông qua những năm bị đình trệ về kinh tế và giá cả sụt giảm. Khi gánh nặng nợ nần tăng cao từ Italy tới Hy Lạp, các nhà đầu tư sẽ hoảng sợ, và không sớm thì muộn, khu vực đồng euro sẽ sụp đổ.

Mặc dù các quốc gia châu Âu, đặc biệt là người Đức, đã kiểm soát được lạm phát, nhưng giảm phát có nguy cơ xuất hiện. Nếu người dân và các công ty cho rằng giá cả giảm, họ có thể ngừng chi tiêu, nhưng khi nhu cầu đi xuống, tình trạng vỡ nợ cho vay sẽ tăng lên. Đó là những gì đã xảy ra trong thời kỳ Đại suy thoái toàn cầu (1929-1939), đặc biệt đã gây ra những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng ở Đức vào đầu những năm 1930.

Điều lo lắng ở đây là, trong số 46 nước châu Âu mà các ngân hàng trung ương của họ phấn đấu giảm lạm phát, thì 30 quốc gia không đạt chỉ tiêu. Việc giảm giá ở một số nước đã được hoan nghênh. Cụ thể, việc giảm giá dầu đã mang lại những lợi ích nhất định cho khách hàng. Nhưng giá cả giảm và các làn sóng đình trệ trong sản xuất khiến cho nhu cầu giảm đi trong nền kinh tế, dẫn đến việc khoảng 45 triệu công nhân thất nghiệp làm ở các nước thuộc khối OECD giàu có.

Đức dường như chỉ hành động khi đồng tiền chung sắp gặp tai họa.


Nền kinh tế của châu Âu có nhiều những yếu kém nội tại lớn, từ vấn đề nhân khẩu học đến nợ nần và các thị trường lao động đình trệ. Bên cạnh đó, họ cũng phạm phải một loạt những sai lầm về mặt chính sách. Cả Đức, Pháp và Italy đều tránh những cải cách mang tính cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng. Do đó, đồng euro đặc biệt dễ bị tổn thương bởi vì chính sách tài chính quá khắc khổ của Đức và sự rụt rè của ECB. 

Nếu châu Âu có thể ngăn chặn được việc nền kinh tế không trở nên tồi tệ hơn, họ sẽ phải từ bỏ những thái độ tiêu cực của chính mình. ECB cần phải bắt đầu mua trái phiếu của các chính phủ. Thủ tướng Đức Angela Merkel nên để cho Pháp và Italy giảm tốc độ cắt giảm tài chính của họ; đáp lại, các quốc gia đó cũng nên tăng cường những cải cách về mặt cấu trúc.  

Đằng sau tất cả vấn đề trên đó là ý chí chính trị. Bà Merkel và người Đức dường như chỉ hành động khi đồng tiền chung sắp gặp tai họa. Trên khắp châu Âu, người dân đang bị tổn thương - ở Italy và Tây Ban Nha, tỉ lệ những người trẻ thất nghiệp là trên 40%. Kết quả là, cử tri trút cơn giận dữ của họ vào một trật tự đã được thiết lập trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hồi tháng 5 vừa qua, nhưng kể từ đó, có rất ít sự thay đổi. Một cuộc suy giảm mạnh khác sẽ kiểm chứng độ kiên nhẫn của họ khi mà một đợt giảm phát mới đang cận kề và nó rất khó bị đẩy lui. Còn đối với các nhà lãnh đạo châu Âu, thời gian đang không ủng hộ họ.


Công Thuận (Theo Economic)