11:10 22/11/2019

'Khu dân cư kiểu mẫu' góp phần xóa nghèo ở vùng biên Bình Phước

Từ năm 2015 đến nay, Tiểu khu 119 thuộc thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) đã “hồi sinh” nhờ dự án bố trí nhà ở.

Chú thích ảnh
Anh Điểu Mé chăm sóc cây điều phía sau nhà.

Nhiều dãy nhà khang trang san sát dọc theo những con đường phẳng lì thẳng tắp được trải bằng đá dam, bê tông xi măng tại tiểu khu 119, thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) ít người biết đến. Tuy nhiên, nơi đây được xem là “khu dân cư kiểu mẫu” được huyện biên giới Bù Gia Mập bố trí thực hiện chính sách an sinh xã hội hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, các gia đình chính sách.

Cách trung tâm tỉnh lỵ Bình Phước gần 80 km, hơn 5 năm về trước Tiểu khu 119 chỉ là đồi đất trống xen lẫn vườn điều, cao su. Từ năm 2015 đến nay, vùng đất này đã “hồi sinh” nhờ dự án bố trí nhà ở. Đến thời điểm này, nơi đây đã có 120 nhà với 120 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, những hộ thuộc diện chính sách từ các xã trên địa bàn huyện được bố trí sinh sống.

Gia đình anh Điểu Mé là một trong những hộ được nhận căn nhà đầu tiên tại Tiểu khu 119 vào cuối năm 2015. Sau hơn 5 năm, đến nay, cuộc sống đã ổn định hơn nơi cũ. Trước kia, cả gia đình anh Điểu Mé cư trú tại thôn Tân Lập, đường xá đi lại rất khó khăn, không có điện, thiếu nước sạch sinh hoạt thường xuyên… Kể từ khi vào khu định cư 119, cuộc sống của gia đình đã đổi thay từng ngày, từ thu nhập đến sinh hoạt trong gia đình đều được cải thiện. Hiện gia đình anh có 3 khẩu, thu nhập chính dựa vào tiền đi cạo mủ cao su cho Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 với mức trung bình 6 - 7 triệu đồng/tháng theo hình thức ăn theo sản phẩm.

Anh Điểu Mé phấn khởi chia sẻ: “Về khu mới định cư này, gia đình tôi vui lắm. Ở đây, đời sống hơn chỗ cũ nhiều. Điều kiện đường đi, trường, điện, nước rất đầy đủ. Khi đã có nhà ở kiên cố, gia đình cố gắng đi làm có thu nhập lo chi tiêu gia đình, có tiền cho con cái đến trường học chữ”.

Về Tiểu khu 119, gia đình anh Mé còn được cấp một con bò giống. Đến nay, sau hơn 4 năm nuôi, bò đã sinh thêm 3 con. Gia đình bán hai con bò để lo cho mua sắm vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt gia đình. Hai con bò còn lại đang được gia đình anh Mé chăm sóc rất kỹ. 

Được bố trí nhà ở từ năm 2017, ông Đặng Xuân Thu không giấu được nỗi vui mừng vì cuộc sống đã ổn định. Trước kia, ở thôn Bù Xia, xã Đắk Ơ, ông Thu ở tạm nhà người quen nên rất bất tiện. Tại xã Đắk Ơ, ông đầu tư nuôi gà nhưng chết toàn bộ do dịch bệnh. Tất cả vốn liếng dự định thu được từ nuôi gà sẽ mua một mảnh đất nhỏ cất nhà. Sau trận “đại dịch” ập đến, cuộc sống vô vàn khó khăn. Nhận thấy hoàn cảnh của ông Thu, chính quyền địa phương xã đã xác nhận hoàn cảnh, ông được cấp căn nhà tại Tiểu khu 119.

Tại đây, mảnh đất xung quanh nhà ông đã bao trùm một màu xanh từ trồng khoai môn (khoai sọ), trồng sầu riêng, trồng rau… trên diện tích 400 m2 để có thêm thu nhập, thức ăn. Ngoài ra, ông Thu còn đi làm mướn tỉa cành cà phê, cành điều cho các hộ dân địa phương để có tiền chi tiêu. Tại khu ở mới, cuộc sống ông Thu đã ổn định hơn trước kia.

Ông Thu vui mừng chia sẻ: “Được cấp nhà, đất tôi rất biết ơn chính quyền đã giúp đỡ có cuộc sống ổn định như hôm nay. Từ giờ, có nhà, có đất cùng nhiều điều kiện thuận lợi khác, tôi và bà con ở đây sẽ cố gắng làm ăn để cái nghèo không còn bám theo nữa”.

Chú thích ảnh
 Ông Đặng Xuân Thu chăm sóc vườn sầu riêng chuẩn bị ra trái đầu tiên.

Nhận thấy niềm phấn khởi trước của hơn 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách sinh sống tại Tiểu khu 119, thôn Hai Căn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Nghĩa Đặng Sỹ Oánh cho biết: Tiểu khu 119 là một trong những nơi được huyện Bù Gia Mập đầu tư khá hoàn thiện gồm hệ thống điện lưới, nước sinh hoạt, đường nhựa. Để giúp người dân ổn định cuộc sống ở khu đất mới, chính quyền địa phương luôn phối hợp với Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778 (Quân khu 7) tổ chức mở lớp đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, tạo việc làm cho đồng bào, phát huy tinh thần tự lực, tự cường tích cực sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Qua đó, địa phương đã hướng dẫn đồng bào sử dụng căn nhà hiệu quả, đúng mục đích để nhân rộng trong toàn huyện. Đến nay, khá nhiều hộ gia đình đã thoát cảnh nghèo đói nghèo, cuộc sống ổn định hơn trước.

Theo thống kê của huyện Bù Gia Mập, hiện nay, số hộ nghèo của huyện còn trên 2.700 hộ. Huyện còn 3 xã, 22 thôn đặc biệt khó khăn. Vì vậy, địa phương rất cần sự giúp đỡ từ các cơ quan, đơn vị, mạnh thường quân để người người nghèo trên địa bàn có thêm nhiều “ngôi nhà mơ ước”.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện bù Gia Mập Phạm Hồng Khanh cho biết: Trong những năm qua, Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện hết sức quan tâm, chăm lo đối với người nghèo, người khó khăn hoạn nạn trong cuộc sống. Huyện đã triển khai có hiệu quả chính sách an sinh xã hội, góp phần thiết thực vào chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Năm 2019, huyện huy động công tác xã hội hóa triển khai thực hiện 114 căn nhà cho các hộ nghèo có nhu cầu về nhà ở, an cư lạc nghiệp, đồng thời kêu gọi các mạnh thường quân tiếp tục chung tay giúp đỡ trong thời gian tới.

Đối với người dân ở “khu dân cư kiểu mẫu”, cuộc sống khó khăn trước kia đã từng bước được đẩy lùi. Nhiều hộ dân phấn khởi được về nơi ở mới, có cuộc sống ổn định, thoát nghèo. Dù là một địa phương nghèo vùng biên giới, dân trí thấp, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhưng từ khi thành lập đến nay, huyện đã làm tốt công tác an sinh xã hội.

Cùng với Đoàn Kinh tế Quốc phòng 778 và các ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh, huyện vùng biên này đã xây dựng, bàn giao hàng trăm căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho hàng trăm hộ nghèo, các gia đình chính sách trên địa bàn. Phần lớn đời sống của người dân nghèo tương đối ổn định, nhiều hộ cơ bản đã thoát nghèo. “Khu dân cư kiểu mẫu” góp phần thiết thực vào chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Tin, ảnh: K GỬIH (TTXVN)