07:08 29/07/2011

Không thể mãi thấp, khi thị hiếu người dân đã cao

Văn hóa quảng cáo không còn là vấn đề nhỏ nữa, khi thị hiếu người dân ngày càng cao, và nhất là khi khán giả đã có phản ứng khá quyết liệt với những quảng cáo phản cảm...

Văn hóa quảng cáo không còn là vấn đề nhỏ nữa, khi thị hiếu người dân ngày càng cao, và nhất là khi khán giả đã có phản ứng khá quyết liệt với những quảng cáo phản cảm...

Chọc tức khán giả... để được chú ý

"Máy chọc tức hàng đầu Việt Nam", đó là cái tên mà cư dân mạng đã "gán" cho chiếc máy lọc nước Kangaroo, sau khi "bị xem" đoạn quảng cáo trước trận đấu chung kết Champions League giữa hai đội Barcelona và MU, được phát trên VTC3 mới đây. "Có lẽ đó là đoạn quảng cáo khiến người xem ức chế nhất lâu nay.

Mai Phương Thúy gặp nhiều điều tiếng vì đoạn clip quảng cáo gây xôn xao cộng đồng.

Thương hiệu Kangaroo đã xuất hiện trong phần quảng cáo trước trận đấu chung kết Champions League giữa 2 đội Barcelona và MU được phát trên VTC3. Mỗi clip chỉ vài giây với tiếng nổ chát chúa kèm theo câu khẩu hiệu duy nhất: "Kangaroo - máy lọc nước hàng đầu Việt Nam" như đập vào tai người nghe. Phần hình ảnh chỉ có duy nhất logo, hình ảnh sản phẩm và địa chỉ liên hệ với nhà sản xuất. Điều này thật sự quá phản cảm"- anh Hoàng Tùng, một cư dân mạng cho biết.

Thế nhưng, điều không ngờ tới là chính việc phản ứng dữ dội của người xem lại khiến doanh nghiệp... hài lòng. "Nhìn dưới góc độ của những người làm truyền thông, tiếp thị, chính sự phản cảm này lại đạt được những thành công nhất định. Càng bị cư dân mạng “ném đá”, hiệu quả của quảng cáo này càng cao"- đại diện của một công ty chuyên sản xuất các clip quảng cáo cho biết. Chính đại diện của hãng Kangaroo cũng khẳng định, clip quảng cáo được thực hiện với mục đích tạo khác biệt và độc đáo so với clip khác được phát trên truyền hình cùng thời điểm. Và thậm chí khi đưa ra clip này, họ không lường trước được rằng "hiệu ứng của nó lại lan truyền đến như vậy"!

Tương tự như vậy, quảng cáo của một nhãn hàng dầu gội mới đây nhất cũng bị người xem phản ứng kịch liệt. Trong kịch bản quảng cáo này, hoa hậu Mai Phương Thúy đóng vai cô gái xinh đẹp, có mái tóc dài óng mượt được người yêu đưa về ra mắt gia đình. Mẹ chàng trai ấn tượng với mái tóc dài suôn mượt của cô gái trẻ liền hồ hởi thăm dò bí quyết làm đẹp của cô gái: "Cháu duỗi tóc ở tiệm à?”. Đáp lại câu hỏi đó, Mai Phương Thúy chỉ trả lời: “À không, chỉ là Rejoice”. Ngay sau khi đoạn quảng cáo này lên sóng truyền hình, rất nhiều người đã lên tiếng bình luận cũng như phản đối Hoa hậu vì lời thoại trong đoạn quảng cáo. Theo một cư dân mạng nhận xét: "Câu trả lời của Mai Phương Thúy chỉ hợp để trả lời với bạn bè đồng trang lứa. Nhưng đây là trả lời với người lớn tuổi hơn, thậm chí còn là mẹ chồng tương lai, như vậy là vô lễ". Hiện tại, đoạn quảng cáo này đã được dỡ bỏ để sửa chữa, tuy nhiên, sự tức giận của người xem vẫn chưa nguôi, nhất là với sự ứng xử sau đó của Hoa hậu cũng như đơn vị thực hiện quảng cáo. Theo đó, hai bên thi nhau đổ lỗi cho nhau. Hoa hậu Mai Phương Thúy đủ tuổi trưởng thành thì rằng, khi đọc kịch bản cô đã trao đổi lại vấn đề này nhưng ý kiến của người đẹp đã không được chấp nhận. Và do không muốn là người phá vỡ hợp đồng và cũng không để mọi người vì mình mà phải dừng công việc nên Hoa hậu đã vui vẻ đóng clip... dù biết nó "phản cảm". Ngược lại với đó, thì đại diện của nhãn hàng này lại phủ nhận hoàn toàn những điều Mai Phương Thúy trần tình, và khẳng định họ luôn tôn trọng những đóng góp của các diễn viên trong quá trình thực hiện clip quảng cáo...

Sau vụ việc này, clip quảng cáo với sản phẩm dầu gội kia cũng khá được người xem quan tâm, nhưng là quan tâm theo hướng lên án với cả cô Hoa hậu lẫn đơn vị thực hiện clip quảng cáo. Tuy nhiên, lại cũng như với vụ Kangaroo, nhiều người lại "tiên đoán" rằng, với scandal này (dù là không cố ý như với vụ Kangaroo), đã khiến nhãn hàng này được nhớ tới nhiều hơn.

Cần nâng cao văn hóa

Sử dụng scandal để được chú ý là cách làm của khá nhiều "sao" hiện nay. Và cách làm này xem ra cũng đang "lan" sang với nhiều loại hình truyền thông, trong đó có clip quảng cáo trên truyền hình. Ở góc độ người thực hiện clip, có thể sẽ lấy con số người quan tâm làm "thước đo" cho sự thành công của quảng cáo, bất chấp là sự quan tâm theo hướng tích cực hay tiêu cực; nhưng quả thật, ở phía người xem, và lớn hơn là ở phía xã hội, những quảng cáo này đã thực sự là sự xúc phạm với văn hóa quảng cáo, làm mất đi nét văn hóa trong các quảng cáo trên truyền hình của Việt Nam.

"Gây sốc, tạo ấn tượng mạnh cũng là một cách để tạo hiệu ứng cho quảng cáo. Tuy nhiên, cũng không nên quá lạm dụng, và đặc biệt vẫn phải tôn trọng tính văn hóa, những truyền thống dân tộc, đặc biệt cả yếu tố đạo đức, lễ nghĩa trong quảng cáo nữa"- đại diện một công ty chuyên làm quảng cáo có uy tín của Hà Nội cho biết.

Điều này hoàn toàn đúng, bởi lẽ, trên thực tế những quảng cáo không đảm bảo tính văn hóa, không đáp ứng thuần phong mỹ tục hay những đạo lý của người Việt Nam đều đã bị tẩy chay và lên án. Ví như một quảng cáo của một hãng xà phòng vốn được nhiều người Việt Nam tin dùng, cũng đã bị công chúng chỉ trích dữ dội, và thậm chí nhiều cư dân mạng đã lên tiếng kêu gọi tẩy chay. Trong clip này có cảnh một cậu bé trong giờ kiểm tra đã không làm được bài. Cậu bé toát mồ hôi nên lấy chiếc khăn tay ra để lau rồi hét lên: "Ủa, ai viết vậy?". Phát hiện vụ việc, cô giáo nghi ngờ đó là tài liệu nên đã xuống lấy chiếc khăn để xem mới biết mình nhầm. Điều khiến khán giả bức xúc là, sau khi biết cô giáo mình nhầm cậu bé này đã nhếch mép cười khẩy. Ngay sau đó, quảng cáo trên đã bị nhiều bậc phụ huynh lên tiếng phản ứng đặc biệt là hình ảnh nụ cười nhếch mép của cậu bé rất hỗn với cô giáo của mình. Một vị phụ huynh bức xúc: “Ý đồ của nhà quảng cáo là thể hiện được tình cảm yêu thương giữa mẹ và con để cho thấy chất lượng sản phẩm bột giặt. Nhưng cách đưa ra hình ảnh: Hành động giật khăn từ tay học sinh của cô giáo – nụ cười nhếch mép của cậu bé, vô tình gây ra hiệu ứng ngược”.

Thật sự, đã đến lúc các nhà sản xuất và cả những đơn vị sử dụng các sản phẩm quảng cáo cần quan tâm hơn nữa tới góc độ văn hóa, để có những clip quảng cáo có văn hóa trên màn ảnh Việt Nam. Chỉ có cái đẹp, phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt mới đủ sức thuyết phục người tiêu dùng Việt. Còn với những sản phẩm quảng cáo dù có hot, sốc, gây hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ đến mấy, nhưng không phù hợp với văn hóa Việt thì cũng sẽ nhận phải hiệu ứng ngược từ phía khán giả, như thực tế đã chứng minh.

Anh Minh