01:07 19/01/2018

Không sợ thiếu hàng phục vụ Tết 2018, siêu thị mở cửa đến sát giao thừa

Nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất rất đa dạng. Hơn 193.600 tấn gạo, 50.000 tấn thịt lợn, 14.000 tấn thịt gà, 13.800 tấn thịt bò, 200 triệu quả trứng gia cầm đã sẵn sàng phục vụ người dân Hà Nội.

Khảo sát hệ thống các siêu thị ở Hà Nội trong thời điểm chỉ còn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, có thể thấy các siêu thị đã sẵn sàng cho mùa mua sắm cao điểm sắp đến.

Tại hệ thống Big C, Hapro, Fivimart... hàng hóa Tết đã tràn ngập trên các kệ hàng. Đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm, bánh mứt kẹo, bia rượu giải khát... nguồn hàng rất đa dạng với nhiều chương trình khuyến mại, tặng quà đón Tết.

Hàng hóa phục vụ Tết đã rất dồi dào.

Đại diện Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, có 3 nguồn hàng hóa chính, trong đó chú trọng các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam chất lượng cao, cụ thể là: các mặt hàng của các nhà cung cấp lớn có uy tín trên thị trường; các mặt hàng do các đơn vị thành viên trong Tổng công ty trực tiếp sản xuất như thịt gia súc gia cầm, thực phẩm chế biến, giò chả, bánh chưng, rượu, xúc xích, nem các loại, gạo, đồ gốm... và các mặt hàng Tổng công ty làm đại lý cấp 1 như dầu ăn, đường, nước mắm, rượu, bia, chè, kim khí, điện máy, thời trang...

Để không xảy ra biến động về nguồn cung dịp Tết, Tổng công ty đã chủ động dự trữ hàng hóa, ước tăng khoảng 5% so với Tết Đinh Dậu 2017. Đồng thời, xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết đối với 19 nhóm hàng như: gạo, thịt lợn, thịt gà, thịt bò, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, trứng gà – vịt, rau củ, quả các loại, dầu ăn, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, các mặt hàng khô (măng, miến, mộc nhĩ), các loại quả - hạt khô phục vụ Tết, quần áo, mặt hàng điện máy.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, dự kiến, số lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Mậu Tuất 2018 gồm: gạo 193.600 tấn; thịt lợn 50.000 tấn; thịt gà 14.000 tấn; thịt bò 13.800 tấn; trứng gia cầm 200 triệu quả… Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết tại Hà Nội đạt khoảng 26.000 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với 2017).

Chợ là kênh phân phối truyền thống và chủ yếu cung ứng các nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết của nhân dân Thủ đô, dự kiến lượng hàng hóa phục vụ Tết ước đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.

Nhiều điểm mua hàng Việt

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga, chương trình phát triển hàng Việt thời gian qua rất thành công. Gần đây đã phát hiện nhiều hàng hóa giả xuất xứ Việt Nam. Điều đó cho thấy hàng Việt đã chiếm được cảm tình người tiêu dùng. Tết này, Hà Nội sẽ mở nhiều điểm bán hàng Việt.

Các giỏ quà Tết bày bán tại siêu thị, bên trong chủ yếu là hàng Việt Nam.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức 150 chuyến bán hàng lưu động, các điểm bán hàng hội chợ Xuân, các chương trình khuyến mại ở khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội, các khu công nghiệp, khu chế xuất… chú trọng bán hàng bình ổn giá phục vụ nhân dân.

Các cửa hàng, địa điểm kinh doanh của Hapro sẽ mở cửa phục vụ đến 22 giờ ngày 30 Tết. Ngày 1 - 3 Tết có một số cửa hàng mở bán phục vụ tại khu vực phố cổ, ngày 4 Tết có 50 điểm bán hàng phục vụ người dân. Từ ngày 5 Tết, các địa điểm sẽ đồng loạt mở cửa bán hàng bình thường.

Ngoài các địa điểm bán hàng truyền thống, Hapro sẽ tổ chức 13 điểm kinh doanh theo mô hình “Gian hàng phục vụ Tết” ngoài trời từ ngày 19/12 – 28/12 Âm lịch) để phục vụ nhu cầu mua sắm nhanh của người tiêu dùng. "Chợ Tết" truyền thống của Hapro tiếp tục được tổ chức tại xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.

Trong khi đó, hệ thống cửa hàng tiện ích Vinmart + đã bố trí tăng thêm 30% nhân lực và 30% quầy thanh toán, đảm bảo phục vụ thuận lợi, nhanh chóng nhất cho người dân mua sắm Tết.

Hoàng Dương/Báo Tin tức