01:15 14/01/2014

Không quân Trung Quốc phải mất 20-30 năm mới bắt kịp Mỹ

Mặc dù không quân Trung Quốc có tốc độ phát triển rất nhanh, nhưng để đạt trình độ tương đương với quân đội Mỹ, có thể nước này cần phải mất thêm khoảng thời gian 20-30 năm nữa.

Theo báo điện tử "Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng" (Hong Kong), tổng số máy bay chiến đấu của quân đội Trung Quốc hiện nhiều thứ hai thế giới, sau Mỹ. Mặc dù không quân Trung Quốc có tốc độ phát triển rất nhanh, nhưng để đạt trình độ tương đương với quân đội Mỹ, có thể nước này cần phải mất thêm khoảng thời gian 20-30 năm nữa.

Đầu tháng 1 vừa qua, tạp chí chuyên ngành hàng không nổi tiếng của Anh "Phi hành Quốc tế" đã công bố báo cáo phát triển không lực của thế giới giai đoạn 2013-2014, trong đó phân tích những điểm mạnh, điểm yếu của việc phát triển thiết bị, phương tiện hàng không quân dụng và sức mạnh tác chiến trên không trên toàn cầu.

Lực lượng không quân Trung Quốc.


Theo truyền thông tổng hợp, báo cáo của tạp chí "Phi hành Quốc tế" chỉ rõ do kinh tế toàn cầu vẫn chưa sáng sủa, chi tiêu tài chính của các nước bị thu hẹp nên hoạt động đầu tư vào lĩnh vực chế tạo trang thiết bị quân sự giảm sút. Tuy nhiên, báo cáo nói trên lần đầu tiên đề cập rằng trong bối cảnh chi phí cho trang thiết bị quân sự trên toàn cầu giảm, Trung Quốc vẫn là quốc gia có tốc độ phát triển không lực nhanh nhất. Nếu tính về tốc độ gia tăng và số lượng gia tăng máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba và máy bay quân sự đặc chủng thì Trung Quốc thậm chí còn đứng đầu thế giới.

Báo cáo cho thấy Mỹ vẫn là nước có lực lượng tác chiến trên không đứng đầu thế giới, trong đó tổng số máy bay tác chiến của nước này chiếm khoảng 19% tổng số máy bay tác chiến trên toàn thế giới, còn máy bay tác chiến đặc chủng tương đương với vị trí trong khoảng từ thứ hai đến thứ 15 thế giới. Cho dù xét từ góc độ kỹ thuật, chất lượng hay là bề dày kinh nghiệm và số lượng, vị trí số 1 của không quân Mỹ không thể bị thách thức. Trung Quốc tuy có tốc độ phát triển đáng tự hào, nhưng muốn đạt đến trình độ tương đương không quân Mỹ thì e là vẫn phải cần thời gian khoảng từ 20-30 năm nữa.

Báo cáo cho biết năm 2013, Mỹ có tổng số máy bay tác chiến (máy bay chiến đấu, máy bay tấn công, máy bay ném bom và máy bay ném bom chiến đấu) là 2.740 chiếc, chiếm khoảng 19% tổng lượng máy bay tác chiến toàn cầu. Trung Quốc xếp thứ hai với 1.453 chiếc, trong khi Nga đứng thứ ba với 1.438 chiếc. Cả Trung Quốc và Nga đều chiếm khoảng 10% tổng lượng máy bay tác chiến toàn cầu.

Xét về mặt tổng thể, tổng số máy bay tác chiến của Trung Quốc chỉ bằng một nửa của Mỹ, trình độ hiện đại chỉ bằng khoảng trên dưới 40%, năng lực hiệu suất tác chiến tổng thể chỉ bằng khoảng 14% của Mỹ. Tổng số máy bay tác chiến quân sự của Trung Quốc gấp 5 lần của Nhật Bản.

Số liệu thống kê cho thấy năm 2013, số lượng máy bay chiến đấu nhiều nhất trên thế giới là loại máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất, với số lượng toàn cầu đạt tới con số chưa từng có là 2.281 chiếc, chiếm 15% lượng máy bay chiến đấu trên toàn thế giới. Cứ 7 máy bay chiến đấu trên thế giới thì có một chiếc là F-16. Số lượng máy bay chiến đấu nhiều thứ hai và thứ ba thế giới là F-18 và F-15 đều do Mỹ chế tạo, lần lượt là 1.008 chiếc và 865 chiếc. Hiện nay, số máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất và Mỹ ủy quyền sản xuất vẫn chiếm vị trí chủ lực trong số những máy bay chiến đấu trên thế giới, với 3 loại máy bay chiến đấu mạnh nhất thế giới đều do Mỹ chế tạo và đây chính là ví dụ điển hình nhất.

Trong số 10 loại máy bay chiến đấu lớn nhất thế giới, Trung Quốc chỉ có duy nhất một loại là J-10, với tổng số lượng 460 chiếc. Trong danh sách này, ngoài F-5 xếp ở vị trí thứ 8, các loại khác đều là máy bay chiến đấu và máy bay tấn công của Liên Xô trước đây và Nga ngày nay, hoặc là máy bay chiến đấu phát triển từ mô hình của Liên Xô trước đây và Nga. Tổng số các loại máy bay này chiếm 26% tổng lượng toàn cầu, vẫn thấp hơn so với số máy bay chiến đấu do Mỹ chế tạo là 31%.


TTK