01:00 15/01/2021

Không phải luận tội và phế truất, Tu chính án 14 mới là vũ khí lợi hại của phe Dân chủ

Tu chính án 14 có điểm lợi là giúp phe Dân chủ yêu cầu Tổng thống Mỹ Donald Trump chịu trách nhiệm về hành vi mà không cần Phó tổng thống Mike Pence và các thượng nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (giữa, phía trước) ký điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump vừa được Hạ viện thông qua, tại Washington, DC., ngày 13/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kênh CBS News, dù Tu chính án 14 của Hiến pháp Mỹ hiếm khi được sử dụng và thường bị bỏ qua, nhưng đây có thể là chìa khóa để ngăn một tổng thống đảm nhiệm một vị trí công quyền trong tương lai.

Tu chính án 14 được thông qua sau Nội chiến Mỹ để trục xuất các quan chức về phe với những người nổi dậy ở miền nam. Theo khoản 3 của tu chính án này, Tổng thống Mỹ có đủ mọi tiêu chí để bị cấm đảm nhận chức vụ công quyền vĩnh viễn.

Nội dung của Tu chính án 14 chỉ đơn giản nói rằng không ai được nắm chức vụ nào, dù dân sự hay quân sự, khi mà trước đó đã thề ủng hộ Hiến pháp Mỹ mà lại tham gia nổi dậy chống Hiến pháp, hoặc tham gia hỗ trợ cho kẻ thù.

Tu chính án 14 hơn quy trình luận tội ở chỗ cho phép đảng Dân chủ yêu cầu ông Trump chịu trách nhiệm mà không cần sự ủng hộ đa số lưỡng đảng ở Thượng viện. Sự ủng hộ đa số này là khó xảy ra vì phe Cộng hòa phản đối gần như mọi nỗ lực cáo buộc ông Trump vi phạm pháp quyền.

Trong lần luận tội ông Trump hồi năm 2019, phe Dân chủ đã thất bại khi Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát kết luận ông Trump vô tội và có thể họ sẽ thất bại nữa trong luận tội ông Trump với cáo buộc kích động nổi dậy ở tòa nhà Quốc hội ngày 6/1 vừa qua.

Tu chính án 14 hơn Tu chính án 25 ở chỗ không cần sự ủng hộ của Phó tổng thống Mike Pence. Nếu đảng Dân chủ muốn phế truất ông Trump thì họ phải thuyết phục được ông Pence kích hoạt Tu chính án 25. Tuy nhiên, biện pháp này đã thất bại vì ông Pence đã gửi thư cho Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, nói rằng từ chối làm việc này. Phó Tổng thống Mỹ Pence nhấn mạnh Tu chính án 25 không phải là công cụ để trừng phạt, cho rằng không thể sử dụng tu chính án này “dựa trên bình luận hay cách hành xử mà ta không thích”. Ông Pence cho rằng phế truất Tổng thống Trump thông qua Tu chính án 25 sẽ tạo tiền lệ xấu, làm gia tăng chia rẽ và thổi bùng giận dữ vào thời điểm này.

Dù vậy, điểm yếu chính của Tu chính án 14 là không có điều khoản phế truất và điều này có thể thay đổi thông qua quá trình luận tội đang diễn ra, mặc dù chỉ còn một tuần nữa là ông Trump hết nhiệm kỳ và khiến quá trình luận tội rơi vào ngõ cụt.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (giữa) cùng các quan chức Hạ viện công bố điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump vừa được Hạ viện thông qua, tại Washington, DC., ngày 13/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoài ra, còn có một điều cần cân nhắc là Tu chính án 14 ra đời trong hoàn cảnh nước Mỹ chia rẽ nhưng khác hẳn với thời hiện tại. 

Ông Eric Foner, sử gia Nội chiến và là giáo sư danh dự tại Đại học Columbia, nói: “Ngôn ngữ trong Khoản 3 áp dụng với bất kỳ ai đã thề trung thành với Hiến pháp và sau đó lại vi phạm lời thề. Nội dung khá đơn giản”. Trong một bài viết cho tờ Washington Post, ông Foner đặt ra cơ chế tiến hành cáo buộc theo Tu chính án 14: “Các nhà lập pháp trình nghị quyết, sau đó cả hai viện bỏ phiếu. Khi đó, đây sẽ là chiến thắng cho quy trình dân chủ - quy trình mà người biểu tình bạo lực đã tìm cách hạ thấp”.

Theo ông Foner, ngôn ngữ của Tu chính án 14 rõ ràng hơn là luận tội vì nó cấm một người giữ chức vụ công quyền trong tương lai mà không cần Thượng viện phải bỏ phiếu riêng rẽ như trong quy trình luận tội.

Tuy nhiên, sử dụng Tu chính án 14 cũng sẽ không đơn giản vì phe Cộng hòa có thể phản đối mạnh. Tòa án Tối cao gần như chắc chắn sẽ phải vào cuộc để xử lý hàng loạt đơn kiện từ phe Cộng hòa.

Các cuộc tranh cãi pháp lý này sẽ khiến phe Dân chủ tốn thời gian với tổng thống mãn nhiệm trong những tuần đầu quan trọng với chính quyền của ông Joe Biden. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một sự kiện ở Washington, DC ngày 13/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Về phần mình, ngày 12/1, Tổng thống Trump đã chỉ trích việc đảng Dân chủ xúc tiến luận tội ông tại Quốc hội, nhấn mạnh hành động này "hoàn toàn vô nghĩa". Phát biểu trước khi tới bang Texas, Tổng thống Trump gọi kế hoạch luận tội của phe Dân chủ tại Hạ viện là phần tiếp theo của "cuộc săn phù thủy lớn nhất trong lịch sử chính trị". 

Giám đốc Điều hành An toàn Công cộng và An ninh Quốc gia Mỹ, ông Derek Maltz, khẳng định không có lý do gì để Tổng thống Trump bị luận tội. Theo ông Maltz, đây không phải là lần đầu tiên đảng Dân chủ tìm cách luận tội ông Trump. Từ khi giành đa số tại Hạ viện vào năm 2019, đảng Dân đã chủ bắt đầu cuộc điều tra luận tội đối với Tổng thống Trump và thông qua các điều khoản luận tội về tội lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội vào ngày 18/12/2019. Tuy nhiên, cuộc luận tội vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ đảng Cộng hòa vì các cáo buộc thiếu minh bạch và không nhất quán. 

Thùy Dương/Báo Tin tức