08:15 13/08/2021

Không phải CO2, mêtan mới là loại khí quyết định thành bại trong chống biến đổi khí hậu

Mêtan không được nhắc tới nhiều bằng khí CO2 khi nói tới thủ phạm làm Trái Đất ấm lên, nhưng giải quyết loại khí thải này sẽ đóng vai trò quyết định trong chống biến đổi khí hậu thập kỷ tới.

Chú thích ảnh
Các bãi rác khắp thế giới là một nguồn mêtan ngày càng nhiều. Ảnh: Getty Images

Theo tờ Vox, trong các cuộc bàn luận về biến đổi khí hậu, mêtan thường không gây chú ý suốt một thời gian dài. Nhiều người có thể không biết rằng con người đang thải ra khí quyển một loại khí gây hiệu ứng nhà kính còn mạnh hơn CO2, và tốc độ thải loại khí này nhanh nhất trong ít nhất 800.000 năm trở lại đây. Mêtan gây hại cho không khí và khí này xuất phát từ các nguồn khác nhau, từ đường ống dẫn khí đốt và dầu cho tới bãi rác và bò. Sau một thời gian, mêtan và các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính khác bắt đầu được các nhà khoa học quan tâm xử lý.

Báo cáo mới mang tính bước ngoặt của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), đánh dấu lần đầu tiên Liên hợp quốc dành chú ý đáng kể cho các loại khí thải khác ngoài CO2. Trong báo cáo, có trọn vẹn một chương dành cho các loại khí thải ô nhiễm ngắn hạn như mêtan mà một trong những nguồn phổ biến nhất của khí này là nhiên liệu hóa thạch.

Vì các loại khí thải ô nhiễm ngắn hạn chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong khí quyển so với lượng carbon mà con người thải vào không khí, nên mêtan luôn đứng thứ hai trong thảo luận về biến đổi khí hậu. Có một lượng mêtan thoát ra khỏi mặt đất ở những nơi như mỏ dầu và băng vĩnh cửu. Các nhà khoa học vẫn đang tìm cách tìm hiểu về các nguồn khác nhau của mêtan.

Báo cáo của IPCC phản ánh những điều chưa chắc chắn này. Các tác giả của chương về mêtan không kể tên nguồn chính thải ra mêtan. Tuy nhiên, báo cáo là một trong những bước phát triển lớn nhất trong nghiên cứu khí hậu kể từ báo cáo gần đây nhất năm 2013. 

Mặc dù mêtan không được đánh giá đúng như carbon, nhưng loại khí này đóng vai trò lớn trong khủng hoảng khí hậu. Trong một giai đoạn 20 năm, mêtan giữ nhiệt mạnh hơn carbon ít nhất 80 lần, nhưng khí này bắt đầu giảm bớt trong khí quyển trong vài năm. Nếu bây giờ là thập kỷ quyết định để hành động, thì chiến lược mêtan cần phải ở trung tâm chính sách đối phó với tình trạng ấm lên toàn cầu.

Mêtan có thể tạo ra sự khác biệt. Giải quyết vấn đề liên quan mêtan có thể giúp hành tinh có chút thời gian quý giá để xử lý các vấn đề dài hạn do ô nhiễm carbon và nhiên liệu hóa thạch gây ra về lâu dài.

Chú thích ảnh
Hoạt động chăn nuôi bò cũng là một nguồn thải khí mêtan. Ảnh: Getty Images

Mêtan có hàng triệu nguồn trên toàn cầu, từ gia súc, vật liệu hữu cơ phân hủy, rác thực phẩm tại bãi rác, khí tự nhiên… Khí tự nhiên thải ít CO2 hơn than đá, nhưng loại khí này không sạch vì đốt cháy mêtan vẫn thải ra carbon và mêtan thoát ra ngoài mà không cần đốt lại càng gây ra tình trạng ấm hơn nhiều hơn.

Ngành dầu mỏ và khí đốt cho rằng mình không chịu trách nhiệm về ô nhiễm mêtan, nhưng giới khoa học lại nghĩ khác. Quỹ Bảo vệ Môi trường giám sát mêtan trên các mỏ dầu và khí đốt ở Texas, Mỹ phát hiện rằng các mỏ dầu ở Mỹ làm rò rỉ lượng mêtan nhiều hơn ước tính tới 60%. Nhà khoa học Eric Kort tại Đại học Michigan phát hiện ra rằng mêtan bốc lên từ giếng dầu ngoài khơi nhiều hơn rất nhiều so với những gì người ta từng nghĩ.

Tổng hợp nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy những tiến bộ tối thiểu mà con người đạt được trong giải quyết ô nhiễm carbon không có mấy ý nghĩa vì ô nhiễm mêtan gia tăng đã xóa bỏ một số tiến bộ mà Mỹ đạt được trong làm sạch ngành năng lượng than đá.

Báo cáo của IPCC lưu ý rằng lượng mêtan đã tăng nhanh từ năm 2007 do hoạt động nông nghiệp (Tây Á, Đông Á, Brazil, Bắc Phi) và đốt nhiên liệu hóa thạch (Bắc Mỹ). Nói cách khác, các nhà khoa học tin rằng con người là nguyên nhân chính khiến ô nhiễm mêtan ngày càng tăng.

Tuy nhiên, các nước chưa làm gì nhiều để giải quyết tình trạng này. Chính quyền Mỹ thời ông Donald Trump đã bỏ quy định yêu cầu công ty dầu mỏ giám sát và giải quyết rò rỉ mêtan. Hầu như không có mấy nền kinh tế lớn đo lường loại khí này. Trung Quốc có hẳn thị trường trao đổi carbon nhưng lại không làm gì mấy để kiểm soát mêtan. Giải quyết ô nhiễm mêtan không đơn giản vì có quá nhiều nguồn. 

Các nhà môi trường cho rằng chúng ta phải chuyển đổi từ sử dụng than, khí đốt và dầu sang nhiên liệu sạch càng nhanh càng tốt, nhưng ngăn chặn ô nhiễm không thể chờ đợi quá trình chuyển đổi này.

Một liên minh 134 tổ chức sức khỏe và môi trường đã cùng ủng hộ một mục tiêu cụ thể: cắt giảm 65% ô nhiễm mêtan trong ngành khí đốt và dầu mỏ tới năm 2025 và đã gây áp lực để chính quyền Mỹ thông qua mục tiêu tương tự.

Lợi ích của việc hạn chế mêtan sẽ rất quan trọng khi thế giới tiếp tục “đánh bạc” với khí hậu. Giải quyết khí thải mêtan ở nhiều ngành, gồm khí đốt và dầu mỏ, nông nghiệp, rác thải, có thể làm chậm tốc độ ấm lên của Trái Đất tới 30%. 1/4 độ C tới năm 2025 nghe có vẻ không nhiều nhặn gì nhưng thay đổi nhỏ này có thể kiềm chế một loạt ảnh hưởng cực đoan.

Thùy Dương/Báo Tin tức