12:13 13/12/2010

Không nên trông chờ, ỷ lại?

Những năm gần đây, cây trồng vụ đông đã và đang trở thành cây hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với nhiều địa phương. Chị Hoàng Thị Thái ở thôn Nà Lệnh (xã Thạch Đạn - Cao Lộc) cho biết, trồng su hào, cải bắp cũng cho thu nhập hơn triệu đồng/sào...

Những năm gần đây, cây trồng vụ đông đã và đang trở thành cây hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với nhiều địa phương. Chị Hoàng Thị Thái ở thôn Nà Lệnh (xã Thạch Đạn - Cao Lộc) cho biết, trồng su hào, cải bắp cũng cho thu nhập hơn triệu đồng/sào; ngoài ra các loại cây trồng khác như cà chua, bí xanh cũng đều cho hiệu quả kinh tế cao từ 10 - 15 triệu đồng/vụ.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn còn nhiều nơi ruộng đất bỏ hoang mặc dù đây được coi là những "bờ xôi, ruộng mật" được đảm bảo nước tưới và đường đi lại thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước của một bộ phận người dân; bên cạnh đó là tập quán canh tác lạc hậu, tư duy kinh tế thị trường kém nên hầu hết người dân ở đây đã để phí nguồn lợi từ cây trồng vụ đông.


Cấp ủy chính quyền địa phương vẫn còn nhiều hạn chế trong việc định hướng người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường; chưa chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tập huấn và triển khai các mô hình trình diễn kỹ thuật canh tác mới để bà con nông dân có điều kiện học tập, ứng dụng vào thực tế sản xuất.

Chăm sóc rau ở xã Gia Cát, huyện Lộc Bình. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Tại xã Thạch Đạn (huyện Cao Lộc), có hơn 200 ha đất nông nghiệp với trên 60% diện tích đảm bảo tưới tiêu; đường giao thông thuận lợi để mang đi tiêu thụ tại các trung tâm như thị trấn Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn. Nhưng số hộ gia đình trồng rau màu vụ đông trên địa bàn xã chỉ đếm trên đầu ngón tay, đa số các gia đình chỉ trồng cây vụ đông để phục vụ nhu cầu gia đình; trung bình mỗi năm người dân ở đây chỉ trồng khoảng 10 ha khoai tây.

Tương tự như vậy, xã Hòa Bình (huyện Văn Lãng) chỉ cách trung tâm huyện chưa đầy 6 km, có đường trải nhựa chạy qua nhưng ngay bên cạnh đường là những chân ruộng xơ xác bị bỏ hoang lâu ngày. Toàn xã Hòa Bình có trên 80 ha đất nông nghiệp, trong đó chỉ có 34 ha đủ điều kiện trồng hai vụ lúa, diện tích còn lại chỉ trồng một vụ rồi bỏ hoang; một số rất ít được người dân trồng ngô, khoai tây… Anh Hoàng Văn Toàn, thôn Trung Thượng (Hòa Bình) cho biết: Thu hoạch xong vụ mùa thì cũng là lúc hết việc làm, người dân ở đây chỉ biết lên rừng kiếm củi bán hoặc để dành đun trong dịp Tết.

Mô hình trồng cây vụ đông đã và đang đem lại những kết quả tích cực cho nông dân ở nhiều địa phương; nguồn thu từ trồng cây vụ đông cao hơn nhiều so với trồng lúa. Ðể tăng giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác, ngoài việc chuyển đổi các giống lúa chất lượng cao, có năng suất ổn định nhằm bảo đảm an ninh lương thực, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần chú trọng tới công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng để phát triển cây trồng vụ đông trên đất hai vụ lúa, đây là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp tạo ra tập quán thâm canh tăng năng suất; đặc biệt là xóa bỏ tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; có vậy đời sống của người dân mới dần được nâng cao, từng bước xóa đói giảm nghèo một cách bền vững.

Thái Thuần - TTXVN