05:23 23/05/2012

Không lối thoát

Châu Âu cần một hành động mang tính đột phá để thoát khỏi cuộc khủng hoảng đang nhấn chìm cả khu vực. Tuy nhiên, sau khi niềm hy vọng gửi gắm vào những nền kinh tế, vốn được coi là mạnh nhất thế giới, tan vỡ, lục địa già giờ đây như đang lạc lối trong một đường hầm không lối thoát.

Được thiết kế với mục tiêu duy trì sự tồn tại của liên minh tiền tệ châu Âu, chính sách kỷ luật tài chính khắc nghiệt của Thủ tướng Đức Angela Merkel và cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã được thi hành triệt để trong hai năm qua. Tuy nhiên, sau hiệu quả ban đầu là giúp Hy Lạp tạm thời thoát khỏi vỡ nợ, giờ đây các nhà hoạch định lo ngại nguy cơ Aten sẽ rút ra khỏi eurozone do chính các biện pháp khắc khổ đang đẩy Hy Lạp đến tình cảnh hiểm nghèo hơn, thất nghiệp vọt lên mức kỷ lục và kinh tế tiếp tục suy giảm nghiêm trọng.


Các nhà phân tích lo ngại tình cảnh người dân Hy Lạp ngày càng khó thở với kỷ luật tài chính của Brúcxen. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thậm chí đã soạn thảo một bản đánh giá mang tính kỹ thuật về thiệt hại trong trường hợp Hy Lạp rút khỏi eurozone. Và họ thừa nhận rằng cái giá phải trả cực kỳ đắt, có thể lên tới 1.000 tỷ euro. Một điều chắc chắn là thiệt hại không chỉ dừng lại ở con số 1.000 tỷ euro vì nếu Aten bỏ cuộc, khó mà ngăn nổi một hiệu ứng đôminô làm sụp đổ hàng loạt các nền kinh tế, đẩy thế giới rơi vào một cơn đại suy thoái mới.


Rõ ràng, châu Âu đang nguy ngập và rất cần một giải pháp hữu hiệu để thoát khỏi vũng lầy này. Chính vì vậy, trước khi các nhà lãnh đạo nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8) nhóm họp tại Mỹ hôm 18 và 19/5, dư luận đã hy vọng, dù rất mong manh, rằng các cường quốc sẽ tìm ra một tiếng nói chung trong việc đưa thêm các biện pháp kích thích tăng trưởng vào chính sách kinh tế để cứu nguy cho châu Âu. Tuy nhiên, hy vọng này đã sớm tiêu tan khi kết quả cho thấy các nền kinh tế lớn đã không đưa ra bất cứ biện pháp cụ thể nào ngoài những cam kết chung chung về việc sẽ hợp tác để cứu Hy Lạp và hỗ trợ châu Âu. Mặc dù nhiều lãnh đạo của G8, từ Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Thủ tướng Anh David Cameron, tân Tổng thống Pháp F.Hollande, Thủ tướng Italia Mario Ponti, ủng hộ chính sách kích thích tăng trưởng, tạo thêm việc làm để thoát khỏi khủng hoảng, bà Merkel vẫn kiên trì bênh vực chính sách khắc khổ dù cho quan điểm này đã khiến đảng của bà phải nếm thất bại trong cuộc bầu cử tại bang lớn nhất ở Đức. Bất đồng này là một bước lùi về khả năng giải quyết của G8 đối với vấn đề của châu Âu và đáng buồn hơn là kéo dài thêm giai đoạn khó khăn của châu lục này.


Châu Âu cần một hành động mang tính đột phá để thoát khỏi cuộc khủng hoảng đang nhấn chìm cả khu vực. Tuy nhiên, sau khi niềm hy vọng gửi gắm vào những nền kinh tế, vốn được coi là mạnh nhất thế giới, tan vỡ, lục địa già giờ đây như đang lạc lối trong một đường hầm không lối thoát.


Cẩm Tuyến