05:06 29/05/2014

Không loại trừ biện pháp kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế

Việc Trung Quốc tự ý hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, dùng nhiều tàu hộ tống, tàu hải giám, hải cảnh xâm phạm vùng biển của Việt Nam đã làm nóng nghị trường Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIII.

Việc Trung Quốc tự ý hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, dùng nhiều tàu hộ tống, tàu hải giám, hải cảnh xâm phạm vùng biển của Việt Nam đã làm nóng nghị trường Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIII.


Đại biểu Trần Văn Hằng.

Theo đại biểu Trần Văn Hằng, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Việt Nam không loại trừ biện pháp kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Trước tình hình phức tạp trên Biển Đông đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực, đặc biệt là hành vi vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế là ý nguyện của đông đảo cử tri cả nước và nhiều đại biểu Quốc hội hoàn toàn ủng hộ chủ trương này. “Tôi cho rằng, Thông cáo số 2 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII là một thông điệp rất mạnh mẽ của Quốc hội, thể hiện ý chí, nguyện vọng của cử tri cả nước nhưng đồng thời cũng đúng với chủ trương, đường lối của Đảng trong vấn đề đấu tranh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của ta. Thông điệp của Quốc hội không những được nhân dân, cử tri trong cả nước hoan nghênh, ủng hộ mà qua theo dõi dư luận quốc tế, tôi thấy rằng, thế giới cũng rất đồng tình với Quốc hội Việt Nam và phương pháp xử lý các vấn đề phức tạp trên Biển Đông của Đảng và Nhà nước ta”, đại biểu Trần Văn Hằng nhấn mạnh.


Đại biểu Đặng Ngọc Tùng.

Cùng chung quan điểm này, đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) cho rằng: Vấn đề đặt ra là chúng ta phải chuẩn bị thật kỹ, thật chu đáo để khi chúng ta đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế là phải thắng. Chính phủ phải tính toán thật kỹ đường đi, nước bước, chậm nhưng phải chắc, đó là điều hết sức quan trọng. “Hướng giải quyết của Chính phủ trong thời gian sắp tới, tôi hoàn toàn đồng tình, tôi khẳng định nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc có truyền thống yêu chuộng hòa bình, còn hành động của Chính phủ Trung Quốc là hoàn toàn sai chứ không phải nhân dân Trung Quốc sai. Nhân dân Việt Nam vẫn luôn luôn ghi nhớ sự giúp đỡ của nhân dân thế giới đã giúp nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó có tình cảm và sự giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc phải tôn trọng lẽ phải, tôn trọng luật pháp quốc tế chứ không thể hành động ngang ngược như vậy. Chính phủ Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền thiêng liêng của đất nước Việt Nam thì hơn 90 triệu người dân nước Việt là một thể thống nhất, đoàn kết, đồng lòng chống lại hành động ngang ngược của Trung Quốc”, đại biểu Đặng Ngọc Tùng quả quyết.


Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh), cho rằng việc khởi kiện sẽ mất rất nhiều thời gian, cần những kỹ thuật, chuyên môn cao, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực, có các chuyên gia trong nước và chuyên gia quốc tế tham gia cùng với chúng ta. “Ngay cả khi chúng ta đã có cơ sở pháp lý vững chắc rồi thì phải được trình bày dưới những chứng cứ, luận cứ nào. Bằng những tài liệu và thủ tục nào để khi chúng ta khởi kiện phải tiếp tục theo đuổi vụ kiện bằng nguồn nhân lực chất lượng cao, liên tục, sâu sát và khôn khéo. Cuộc đấu tranh pháp lý này chúng ta không thể đơn độc, cùng với đó là cuộc đấu tranh về ngoại giao để tác động với công luận quốc tế để quốc tế thừa nhận chính nghĩa của Việt Nam. Đồng thời đó là cả cuộc đấu tranh của nhân dân ta, chúng ta tiếp tục củng cố tiềm lực về kinh tế, quốc phòng, nhân dân chúng ta đồng tâm nhất trí. Cuộc đấu tranh này là gay go, gian nan đòi hỏi chúng ta phải có kỹ năng chuyên môn cao với nhiều biện pháp tổng hợp. Đó là bài học thành công của Việt Nam qua những cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho hay.


Trong những ngày diễn ra Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII nhiều đại biểu mà chúng tôi tiếp xúc đều có ý kiến cho rằng Quốc hội sẵn sàng làm tất cả để thể hiện ý chí của cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân Việt Nam. Các đại biểu Quốc hội vẫn đang tiếp tục theo dõi những hành động trái phép, vô nhân đạo của các tàu của Trung Quốc khi đánh đập, phá hoại tài sản của các ngư dân Việt Nam đang đánh bắt cá trên ngư trường của Việt Nam.


Đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc.

Theo đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc (Thái Bình), việc Quốc hội có Nghị quyết hay tuyên bố về Biển Đông hay không còn tùy theo tình hình và mức độ để ứng phó cho phù hợp. “Chúng ta phát huy truyền thống của cha ông phải hết sức khéo léo để vừa giải quyết được vấn đề về Biển Đông vừa giữ được mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Bộ Ngoại giao đã 26 lần đề nghị trao đổi nhưng Trung Quốc chỉ bố trí gặp Thứ trưởng Ngoại giao ta. Chúng ta luôn luôn mong muốn giải quyết vấn đề bằng giải pháp hòa bình, chúng ta đã nhiều lần đề nghị gặp gỡ trao đổi theo các cấp nhưng họ không gặp”, đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.


Bằng những cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử, Việt Nam khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đánh chiếm Hoàng Sa một cách bất hợp pháp. Hành động chiếm lãnh thổ một quốc gia khác bằng vũ lực của Trung Quốc thì quốc tế không bao giờ thừa nhận, do đó Trung Quốc không được thừa nhận quyền sở hữu hoặc quyền chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.


PV