12:01 03/12/2022

Không lo thiếu vật liệu thi công cao tốc Bắc Nam giai đoạn II (2021 - 2025)

Rà soát của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, đến thời điểm này, công tác khảo sát các mỏ vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II (2021 - 2025) đã được tư vấn cơ bản hoàn thành, thỏa thuận với các địa phương và đưa vào hồ sơ mỏ vật liệu các dự án thành phần.

Đảm bảo đủ mỏ vật liệu

Theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 18/CP của Chính phủ, công tác khảo sát, lập hồ sơ khảo sát nguồn vật liệu phục vụ thi công cao tốc Bắc Nam giai đoạn II cơ bản thuận lợi. Đối với 10 dự án thành phần đi qua các địa phương từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, hồ sơ khảo sát đã xác định 147 mỏ đất đắp nền đường, với tổng trữ lượng khoảng hơn 187 triệu m3, đáp ứng đủ nhu cầu của dự án khoảng gần 60 triệu m3.

Chú thích ảnh
Không lo thiếu vật liệu thi công cao tốc Bắc Nam giai đoạn II 2021 - 2025.

Hiện nay chỉ còn 2 dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau, với nhu cầu cát đắp nền đường cần khoảng 18,5 triệu m3, nhưng mới có tỉnh An Giang dự kiến cung cấp cấp khoảng 1,1 triệu m3 cát cho dự án từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác, các địa phương khác trong khu vực đều chưa có kế hoạch.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận phụ trách các dự án này đã báo cáo Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp làm việc trực tiếp với các tỉnh An Giang, Đồng Tháp để cân đối nguồn cát hiện có, có kế hoạch phân bổ phù hợp cho dự án. Trong đó, mỗi địa phương cần cung cấp cho hai dự án thành phần khoảng 9 triệu m3 trong các năm 2023 - 2024. Đối với các mỏ cát tại các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, do hạt mịn, lẫn nhiều bùn sét, nên cần phải khảo sát, đánh giá kỹ chất lượng. Trường hợp các tỉnh An Giang, Đồng Tháp không cân đối đủ nguồn cho dự án, đề nghị các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng xem xét cấp mỏ mới để hỗ trợ.

Riêng tỉnh Sóc Trăng đang có nguồn cát sông tương đối lớn, khoảng 85 triệu m3, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã báo cáo, kiến nghị tỉnh cho phép khai thác các mỏ trong quy hoạch và cam kết cung cấp cho dự án khoảng 5 - 10 triệu m3.

Bên cạnh đó, đến cuối tháng 11/2022, dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đã được tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh để phục vụ thi công cao tốc Bắc Nam giai đoạn II.

Đại diện Ban Quản lý dự án 2 (quản lý dự án này) cho biết, số lượng trong phạm vi khoanh vùng là 14 mỏ thuộc 3 loại: Các mỏ khoáng sản đất san lấp nằm trong khu vực đã được quy hoạch thăm dò, khai thác nhưng chưa cấp phép (8 mỏ); các mỏ đã được quy hoạch, thăm dò, khai thác nhưng chưa cấp phép, đề nghị điều chỉnh mở rộng diện tích (2 mỏ) và các mỏ chưa có trong quy hoạch, chưa cấp phép khai thác (4 mỏ).

Sau khi rà soát, điều chỉnh bổ sung các mỏ vật liệu ở bước thiết kế kỹ thuật, tổng trữ lượng đất san lấp được địa phương chấp thuận cho dự án khoảng gần 15 triệu m3, trong khi theo tính toán nhu cầu của dự án chỉ cần hơn 9,6 triệu m3, nên nguồn vật liệu ở giai đoạn này cơ bản đảm bảo.

Hai dự án thành phần do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư là Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng cũng ghi nhận nhiều kết quả khả quan. Dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi có nhu cầu trữ lượng đất cần hơn 3,9 triệu m3, công tác khảo sát được 13 vị trí, với tổng trữ lượng hơn 15,4 triệu m3; vật liệu cát cần 450.000 m3, khảo sát được 5 vị trí với tổng trữ lượng hơn 935.000 m3; vật liệu đá cần 692.000 m3, khảo sát được 8 vị trí với tổng trữ lượng 11,7 triệu m3. 

Hai dự án thành phần khác là Vũng Áng - Bùng và Bùng - Vạn Ninh cũng được đại diện chủ đầu tư khẳng định, vật liệu đất ở khu vực thi công dự án cũng dư sức đáp ứng nhu cầu...

Thuận lợi hơn giai đoạn I

Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) đã báo cáo Bộ GTVT về vướng mắc nhất hiện nay là công tác giải phóng mắt bằng, đền bù tài sản trên đất của các mỏ vật liệu dự kiến cấp cho nhà thầu. Theo quy định hiện hành, đó là thỏa thuận của nhà thầu với người dân, nhưng nếu không được hỗ trợ của các địa phương, việc thỏa thuận này tiềm ẩn nguy cơ kéo dài thời gian khai thác mỏ vật liệu trong trường hợp hộ dân/tổ chức không đồng ý giá thỏa thuận.

Vì vậy, các Ban Quản lý dự án giao thông đề xuất Bộ GTVT làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành nghị quyết đưa phần giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc Nam vào các dự án giải phóng mặt bằng của các địa phương, để giải quyết những trường hợp người dân không đồng thuận và minh bạch đơn giá đền bù với từng loại mặt bằng theo quy định pháp luật.

Thực tế, khác với giai đoạn I, tư vấn thiết kế phải đi khảo sát hiện trường các dự án thành phần theo hướng bị động, không kết nối với địa phương, nên không nắm được thông tin cụ thể về hiện trạng quy hoạch các mỏ vật liệu. Đến khi triển khai dự án, nhà thầu đi làm thủ tục với cấp có thẩm quyền mới biết được mỏ chưa được quy hoạch, dẫn đến bị động về nguồn vật liệu thi công. 

Ở giai đoạn II, căn cứ vào nhiệm vụ được phân giao tại Nghị quyết 18/CP của Chính phủ, trên cơ sở nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng và bãi đổ thải cho từng dự án thành phần, đơn vị tư vấn đã tham mưu cho chủ đầu tư gửi văn bản đề nghị UBND các địa phương có dự án đi qua và Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp thông tin về quy hoạch, hiện trạng mỏ vật liệu.

Trên cơ sở đó, các đơn vị tư vấn cắm mốc tim tuyến lên bản đồ hiện trạng quy hoạch mỏ vật liệu, lựa chọn các mỏ. Sau đó, liên Sở Tài nguyên và Môi trường - Xây dựng kiểm tra hiện trường, báo cáo UBND tỉnh ra văn bản thống nhất. Nhờ vậy, việc khảo sát các mỏ đáp ứng yêu cầu về số lượng, khối lương so với trữ lượng yêu cầu.

Sơn Vân/Báo Tin tức