12:02 28/12/2012

Không kiểm soát cho vay chứng khoán, BĐS

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2013 là 12%, cao hơn nhiều so với kết quả 7% của năm 2012. Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm tới, NHNN sẽ không kiểm soát tỷ trọng cho vay các lĩnh vực không ưu tiên là chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng…

Tập trung xử lý nợ xấu trong năm 2013


Tại buổi họp báo chiều 27/12 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức về kết quả điều hành 2012 và định hướng năm 2013, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước- NHNN) cho biết: Mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2013 là 12%, cao hơn nhiều so với kết quả 7% của năm 2012. Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm tới, NHNN sẽ không kiểm soát tỷ trọng cho vay các lĩnh vực không ưu tiên là chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng…


Tỷ trọng này từng được cơ quan quản lý yêu cầu các ngân hàng đưa về tối đa 16% tổng dư nợ hồi cuối năm 2011 và giữ ở mức thấp trong suốt năm 2012 do những lo ngại về nợ xấu gia tăng từ phía các ngân hàng. Sau đó, bất động sản được đưa ra khỏi danh mục phi sản xuất bị hạn chế cho vay.


Theo bà Hồng, năm 2013 NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) để đảm bảo mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả, tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.


NHNN tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng tự quyết định cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn để thanh toán ra nước ngoài tiền hàng nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp không có nguồn thu ngoại tệ và cho vay trong nước để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu đối với doanh nghiệp có nguồn thu bằng ngoại tệ.


Liên quan tới vấn đề nợ xấu, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, năm nay trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng dự kiến 90.000 tỷ đồng, hiện được 78.000 tỷ đồng. Đến thời điểm này các ngân hàng đã xử lý được 39.000 tỷ đồng nợ xấu. Về ý kiến cho rằng, xử lý nợ xấu còn chậm, ông Bình cho biết, điều này vừa đúng vừa không đúng. Đúng là xử lý nợ xấu phải xử lý càng nhanh càng tốt, không đúng vì phải xử lý phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.


Theo ông Bình, đến giờ này nhiều ngân hàng không có thưởng là vì đã trích lập dự phòng rủi ro rất nhiều, tức là lấy lợi nhuận của mình để bù đắp vào những khoản nợ xấu. Có những ngân hàng đã tuyên bố không có thưởng và cũng không có thêm tháng lương nào cả; nhiều ngân hàng không chia cổ tức hoặc chia cổ tức thấp. Điều này cho thấy hệ thống ngân hàng đã gồng mình xử lý nợ xấu bằng chính quyền lợi của các cổ đông và quyền lợi của các ngân hàng thương mại.


Năm 2013, NHNN coi xử lý nợ xấu là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của hệ thống ngân hàng và bằng các biện pháp trực tiếp, có thể giải quyết được 4- 5% nợ xấu (trong tổng số khoảng 8%) của hệ thống ngân hàng. Cụ thể, NHNN đã có những giải pháp để các ngân hàng tự giải quyết nợ xấu qua nguồn trích lập dự phòng rủi ro. Đề án thành lập Công ty quản lý tài sản quốc gia hiện cũng đã được hoàn thiện và đang trình Chính phủ, nếu được thông qua sẽ là một công cụ đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu trong năm 2013.



Minh Phương